Những câu văn ngô nghê, sử dụng ký tự, ngôn ngữ giao tiếp trên mạng đang hiện diện tràn ngập trong bài viết của học sinh.
Dùng ngôn ngữ trên mạng thường xuyên, nhiều học sinh đưa cả ngôn ngữ này vào những bài làm,
kiểm tra trên lớp - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
“Da trắng như Ngọc Trinh”
Được yêu cầu tóm tắt tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa, một học sinh (HS) lớp 9 ở Q.Tân Phú (TP.HCM) viết: “Trên chiếc xe từ Lào Cai lên Sa Pa, bác lái xe có dịp gặp gỡ ông họa sĩ và cô kỹ sư. Bác nhiệt tìh zs thiệu cho họ gặp gỡ trò chj với anh thanh niên... Chỉ sau 30’ trò chj, ông họa sĩ và cô kỹ sư thêm... mến và khâm phục anh...”. Khi chấm bài này, giáo viên phải suy đoán mới hiểu được bài viết của HS.
Giáo viên Đào Huy Bình, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Q.1, TP.HCM), than thở: “Mỗi lần chấm bài rất cực, HS viết tắt nhiều và sử dụng cả ký hiệu toán học vào trong bài viết của mình”. Thầy Bình lấy ví dụ các chữ HS hay sử dụng như bik (biết), vs (với), z (gì), tìh (tình), zs (giới), chj (chuyện)...
Thầy Bình cho biết thêm, HS giao tiếp trên mạng quá nhiều nên viết “câu cụt, câu què, câu không có chủ ngữ, hay sử dụng cụm động từ và ảnh hưởng phép so sánh từ hình ảnh trên internet khá nhiều”. Một HS tại Q.3 khi miêu tả thân phận người phụ nữ đã viết “da trắng như Ngọc Trinh có gắn lông mi giả, xài nước hoa hàng hiệu”.
Đặc biệt, trong những bài làm văn biểu cảm, HS sử dụng rất nhiều ký hiệu biểu đạt tình cảm của thế giới mạng mà nhiều giáo viên không hiểu như :( - buồn; :(( , T _ T - khóc; :) - cười; :))))) - rất buồn cười; =.= - mệt mỏi; >!< - cau có; :x - yêu; ^^ - vui...
Trừ điểm cũng không sợ
Về việc sử dụng ngôn ngữ mạng trong nhà trường hiện nay, cô Huỳnh Lê Ý Nhi, giáo viên Trường THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú) nói: “Những lỗi trong bài tập, bài kiểm tra còn ít chứ mỗi khi kiểm tra miệng, xem vở ghi của các em, tôi thật sự chóng mặt”.
Thầy Đào Huy Bình cho biết đã phải thường xuyên nhắc nhở, sửa bài thật kỹ để HS lưu ý nhưng hầu như chỉ những HS khá giỏi mới thay đổi cách viết trong những bài kiểm tra sau.
Để hạn chế tình trạng này, có giáo viên ra chế tài, chẳng hạn dùng từ nào không có trong từ điển tiếng Việt sẽ bị trừ một điểm. Trừ một lỗi chính tả một điểm nghe có vẻ nặng, cứ tưởng học trò sẽ sợ mất điểm mà không sử dụng ngôn ngữ mạng trong bài làm của mình; thế nhưng một giáo viên THPT cho hay trong bài thi thử THPT quốc gia, nhiều HS vẫn sử dụng.
Một giáo viên có thâm niên tại Q.1 lo lắng, bây giờ học trò đều quen thuộc với thế giới online, cứ sử dụng từ ngữ kiểu này lâu dần sẽ thành thói quen nên viễn cảnh tiếng Việt mất đi sự trong sáng, bị biến dạng không còn xa...
Bình luận (0)