Nhiều phụ huynh phát hoảng khi đọc phải những đoạn tin nhắn của con, bởi không hiểu con viết gì, càng không thể hình dung mối quan hệ giữa con và bạn đang ở giới hạn nào.
|
|
Những đoạn chat “đố” người lớn hiểu được - Ảnh: Thanh Đông
|
Biết chết liền !
“Ck lm j?Vk ă c, nhớ Ck!” là một tin nhắn mà chị T. đọc được trong điện thoại của con gái 13 tuổi. Chị T. tá hỏa vì không thể hiểu nổi những ký tự kia có ý nghĩa gì, nhờ bạn bè giải mã mà ai cũng lắc đầu. Chị T. chỉ có được câu trả lời sau khi dành cả ngày trời nói chuyện từ nhẹ tới nặng với con. “Chồng làm gì đó? Vợ ăn cơm, nhớ chồng” là nội dung tin nhắn mà con gái chị nhắn cho bạn trai cùng trường.
“Mới 13 tuổi đã yêu đương rồi còn xưng hô vợ - chồng. Tôi sốc quá. Chẳng biết tụi nó gọi nhau vợ - chồng nghĩa là thế nào, đã có gì với nhau chưa?”, chị T. lo âu.
Trong một lần vô tình nhìn thấy tin nhắn của con trai với bạn trong điện thoại, anh Nguyễn Văn Hoàng (ngụ Q.10, TP.HCM) “đứng hình” vì thứ ngôn ngữ quá kỳ lạ này. “Pưa e tkây kuôk goj nkơ e goj laj me a hoj e tên tkư j đó e tăt may e ko mun ng khak pk r ns pa me e ny no e ko tkx”. Đó là nội dung đoạn tin mà cô bé nào đó viết cho con trai anh Hoàng. “Dịch ra đã khó thì làm sao hiểu được các con đang nói chuyện gì. Trông cứ như chúng chơi trò mật mã”, anh Hoàng ngao ngán lắc đầu.
Nhận được tin nhắn của đứa cháu ở nhờ trong nhà, anh Đông (ở Q.8, TP.HCM) giận lắm. “Kon ko ze nha chu dog ui” (con không về nha chú Đông ơi). “Nó dám viết tên của chú nó thành chó (dog)? Đã vậy, con thì ghi là “kon”, chẳng hiểu ra làm sao”, anh Đông than thở.
Trong xưng hô với nhau, các bạn trẻ còn khiến phụ huynh hoang mang hơn. Một ngày đưa con trai đến trường, chị Hạnh (ngụ Q.8, TP.HCM) hết sức ngạc nhiên khi nghe một bạn gái gọi con mình là “upa”. Hỏi ra mới biết “upa” nghĩa là “anh” trong tiếng Hàn Quốc.
Một số bạn trẻ hiện nay cho rằng việc xưng hô “bạn - mình”, “cậu - tớ” là “quê” lắm. Cứ gọi “ông - tui”, “bà - tui”, thân mật hơn thì gọi “tao - mày”. “Chồng ơi”, “vợ ơi”, chụy (chị), mềnh, miền (mình), iem (em)… cũng là ngôn ngữ dùng trong xưng hô phổ biến hiện nay ở tuổi mới lớn. “Chẳng hiểu lý do vì sao tụi nhỏ lại thích mang cả gia đình ra để xưng hô với bạn bè như vậy”, anh Trần Thanh Hùng, một phụ huynh nói.
Những xu hướng ngôn ngữ
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cho rằng ngôn ngữ tuổi mới lớn có thể hình dung thành 3 loại:
Một là những ngôn ngữ mang tính trẻ trung mới xuất hiện. Trong tương lai, xã hội sẽ phải chấp nhận như một quy luật phát triển tất yếu của ngôn ngữ như cụm từ "gấu" để chỉ người yêu hay các cụm từ giản lược cho dễ sử dụng như iu (yêu), vk (vợ), ck (chồng)... Đây là xu hướng đổi mới, là quy luật không ai có thể ngăn chặn được, dù người lớn ghét nó nhưng cũng phải chấp nhận.
Hai là những ngôn ngữ mang tính dễ thương, dùng để giao tiếp đời thường với nhau như gọi nhau là “ông - tui”, “bà - tui”, mấy thím, em troai, wen wa' (quá)... Loại ngôn ngữ này không gây hại gì cho nhân cách. Tuy nhiên, các em chỉ nên sử dụng khi giao tiếp với nhau, giao tiếp ở các kênh không chính thức như Facebook, tám chuyện... Các từ ngữ này không nên dùng khi giao tiếp với người lớn và ở các kênh chính thức như: lớp học, bài thi, văn bản.
Ba là những ngôn ngữ mang tính phản cảm và không phù hợp lứa tuổi như học sinh lớp 5 gọi nhau là: “vợ - chồng” hay biến thể quá xa ngôn ngữ gốc.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cho rằng: “Cuộc sống ngày càng phát triển, giới trẻ cũng ngày càng phát triển nên tất yếu sẽ sinh ra nhiều thứ mà thế giới người lớn ngày xưa không có. Ta cần tôn trọng sự khác biệt đó nếu nó là vô hại. Các bậc phụ huynh sau khi phát hiện sự lệch lạc trong xưng hô của con trẻ cũng cần phân tích, giải thích, định hướng để con hiểu, kiểm soát được bản thân trong xưng hô, giao tiếp, chứ không nên cấm đoán bởi đó là xu hướng của giới trẻ”.
Bình luận (0)