Muốn giảm bạo lực học đường, cần phải thay đổi mục tiêu giáo dục từ đào tạo học sinh thành "cỗ máy" giải bài sang đào tạo một con người nhân ái có tri thức. Điều này đã thực sự là việc làm cấp thiết.
Học sinh cần được dạy nhiều hơn về đạo đức và kỹ năng sống ngay từ nhỏ - Ảnh minh họa: Đào Ngọc Thạch
|
Nhiều năm nay, trong các nhà trường, thầy đua nhau dạy, trò đua nhau học chỉ để sau này dành một suất vào đại học. Các trường cấp I, cấp II thì ganh nhau tỉ lệ học sinh giỏi, học sinh lên lớp. Các trường cấp III thì ganh nhau tỉ lệ vào đại học để làm tiêu chí đánh giá và so sánh.
Nhưng trên thực tế, số lượng học sinh vào đại học chỉ là số nhỏ so với số học sinh tốt nghiệp THPT. Như vậy, chúng ta đã bỏ quên phần lớn học sinh không bước chân vào đại học. Những học sinh này sẽ đi vào xã hội là những người công nhân, nông dân, kinh doanh, buôn bán.. và hơn hết các em sẽ trở thành các bậc cha mẹ tương lại.
Mục tiêu của giáo dục phổ thông là phổ cập các kiến thức thông dụng. Thế nhưng, chúng ta đã không chuẩn bị bất cứ hành trang nào để cho các em bước vào đời. Các em đã không được dạy làm người, hôn nhân gia đình, luât pháp, các kỹ năng sống... Tất cả những điều trên nếu được dạy cũng rất sơ sài và không được chú trọng đúng mức. Cái còn lại với các em là mớ kiến thức khoa học đã rơi rụng dần theo thời gian.
Tuy vậy, tôi không đổ lỗi cho nhà trường hay giáo viên vì nhìn vào thời khóa biểu thì mỗi tuần các em chỉ có một tiết đạo đức hay giáo dục công dân thì làm sao đủ để dạy rất nhiều điều như vậy.
Mặc dù Bộ Giáo dục đã có nhiều thay đổi trong chương trình dạy học của mình như giảm tải chương trình học, tăng các buổi sinh hoạt ngoại khóa, thay đổi cách đánh giá học sinh, bỏ các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp và gần đây nhất là sắp ra bộ giáo trình mới nhưng như thế vẫn chưa đủ nếu chúng ta không thay đổi mục tiêu giáo dục hay tiêu chí đánh giá thành quả giáo dục.
Thí dụ, học sinh có cần thiết học ngoại ngữ từ năm lớp một khi chữ viết, chính tả tiếng Việt các em còn chưa rành. Đáng lẽ thời gian đó các em phải được học các bài học đầu đời về lễ nghĩa. Trường học nào cũng treo khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” nhưng bao nhiêu năm qua chúng ta đâu có dành thời gian để làm điều đó.
Vậy cần thay đổi chương trình giáo dục như thế nào để có tác động tốt lên nhân cách? Ở đây tôi xin trình bày những gì đơn giản mà có thể thực hiện sớm được.
Tăng thời lượng của môn đạo đức/giáo dục công dân bằng cách giảm khối lượng chương trình giảng dạy các môn khác. Điều này cần được các chuyên gia xem xét, giữ lại các bài giảng thiết thực để các em có thể ứng dụng cho cuộc sống thường nhật. Các bài giảng nên được xây dựng dựa trên các đặc điểm phát triển tâm sinh lý của học sinh theo từng thời kỳ và có thể lặp lại nhưng mức độ cao hơn theo độ tuổi. Thí dụ, ở cấp I các em cần được học về các mối quan hệ với người thân và bạn bè, nhưng khi sang cấp II, các em có thể học thêm các cảm xúc rung động của tuổi mới lớn với bạn khác phái và sang cấp III, các em học về tình yêu, hôn nhân, gia đình, nuôi dạy con cái và trách nhiệm phụng dưỡng cha, mẹ, ông, bà.
Các bài giảng không cố định theo thời gian mà thay đổi cập nhập theo thời đại. Đối với các vùng miền khác nhau, sẽ có các bài học thay đổi tùy theo đặc điểm địa phương, đặc tính công việc mà khả năng các em ra trường sẽ đảm trách (vùng nông thôn hay thành thị; đồng bằng, miền núi hay vùng biển).
Đưa các tình huống thực tế các em gặp và phải giải quyết sau đó cả thầy và trò cùng phân tích. Thí dụ dạy các em không được xả rác, biết dọn vệ sinh nơi mình học, chơi. Hay tình huống các bạn bè đánh hội đồng bạn cùng lớp có thể được vào đưa bài học. Cách nhận diện bạn tốt bạn xấu. Giúp đỡ bạn bè khác với bị bạn bè lợi dụng là thế nào? Cần làm gì khi mình bị bạn đe doa hay đánh? Khi bạn bị đánh, làm cách nào để giúp bạn?
Tăng thời gian học thể dục bằng các môn thể thao các em yêu thích hơn là các buổi dạy nhảy cao, nhảy xa nhàm chán. Tăng các buổi sinh hoạt theo kiểu vừa học vừa chơi có sự kiểm soát. Tất cả để giúp các em tăng cường thể chất, giải tỏa các ức chế tâm sinh lý (nếu có) và tăng khả năng sáng tạo.
Cuối cùng quan trọng là các thầy cô dạy môn đạo đức/giáo dục công nhân phải là người đã có kinh nghiệm sống, kiên nhẫn, niềm khát khao dạy cho các em điều hay lẽ phải.
Muốn giảm bạo lực học đường, cần phải thay đổi mục tiêu giáo dục từ đào tạo học sinh thành cỗ máy giải bài sang đào tạo một con người nhân ái có tri thức.
Bình luận (0)