Như Thanh Niên đã đưa tin, luật Cư trú (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, vào ngày 13.11, theo nghị trình đã được thông qua. Tuy nhiên, đa số đại biểu Quốc hội chưa yên tâm về thời điểm chính thức bỏ hộ khẩu giấy, bởi hiện nay tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an đang chậm.
Nhiều đại biểu lo rằng việc bỏ hộ khẩu giấy sớm khi hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư chưa hoàn thiện sẽ gây ra nhiều hậu quả, rầy rà cho người dân về mặt thủ tục.
Chờ đến bao giờ?
Đa số bạn đọc (BĐ) Báo Thanh Niên đều cho rằng bỏ hộ khẩu giấy là điều cần thiết. BĐ Khoi nêu ý kiến “ngay và luôn” rằng “bỏ sớm ngày nào tốt ngày đó...”. Tán thành, BĐ huynhthanhvung cũng nhận xét “việc kéo thêm 1 năm duy trì sổ hộ khẩu không phải là cách xây dựng nền công nghiệp 4.0”. BĐ Truong Sinh Vu băn khoăn “không biết vì lý do gì mà chưa bỏ sổ hộ khẩu giấy, trong khi Bộ Công an cam kết sẽ hoàn thành cấp căn cước công dân vào năm 2021. Chờ đến bao giờ?”.
BĐ Vu Van cho biết mình “ủng hộ quan điểm của Bộ Công an, bỏ hộ khẩu giấy sớm ngày nào tôi mừng ngày đấy” vì mong mọi người “hãy đặt mình vào vị trí của chúng tôi xem sao”. BĐ Vu Van kể “tôi là người công nhân lao động vất vả để mưu sinh, khi con cái đi học thì nhà trường cứ nhìn vào cuốn sổ ấy, nếu không có thì bị gạt ra ngay, lại phải đi chạy vạy đủ đường, phát sinh bao nhiêu thứ...”. Nỗi lo lắng của BĐ Vu Van cũng là một nỗi lo chung.
Tuy nhiên, không vì nỗi lo chung ấy mà BĐ bỏ qua yếu tố “cần các điều kiện chín muồi”. BĐ Hoàng phân tích “các đại biểu lo ngại việc bỏ hộ khẩu giấy khi hạ tầng về cơ sở dữ liệu chưa chuẩn bị kịp, không phải không có lý do. Tôi ví dụ: Bạn mất giấy CMND thì bạn đi tay không đến công an mà không có hộ khẩu giấy để chứng minh thì làm lại CMND bằng cách nào? Bạn muốn chứng minh con mình học đúng tuyến khi mà CMND của cha mẹ và khai sinh của đứa bé ở xa tít tỉnh khác thì bạn chứng minh kiểu gì?”.
Đồng ý với nhận xét này, BĐ NPHONG nêu “Chưa đổi xong căn cước công dân toàn quốc - nền tảng cho việc quản lý công dân bằng kỹ thuật số, thì bỏ hộ khẩu giấy lấy gì quản lý? Không chủ quan được đâu”.
Phải thúc đẩy tiến độ
Đa số BĐ Báo Thanh Niên đồng ý rằng khâu hoàn thiện cơ sở dữ liệu công dân là yếu tố cần thiết nhất để tiến tới việc xóa bỏ hộ khẩu giấy. Nhưng nếu đặt vấn đề “tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an đang chậm”, thì BĐ Thái Quang đã đặt ngay một câu hỏi “Chẳng lẽ vì một hệ thống làm chậm thì tất cả mọi thứ phải chờ? Không ấn định được thời hạn thì làm sao có thể thúc đẩy tiến độ triển khai được?”.
BĐ Paul Lữ cho rằng “Bộ Công an trực tiếp đảm nhận nhiệm vụ quản lý an ninh trật tự thông qua kiểm soát nhân hộ khẩu. Khi họ đề xuất bỏ sổ hộ khẩu giấy, đồng nghĩa với việc họ đã đảm nhận tốt việc này”. Vì vậy, cũng theo BĐ Paul Lữ, từ “thực tế khách quan”, để “tạo sự đồng thuận nhằm hỗ trợ người dân”, bên cạnh sự thận trọng, thì một chút sức ép “thúc đẩy tiến độ” lên toàn hệ thống, không chỉ riêng Bộ Công an, là cần thiết.
Hộ khẩu liên quan đến rất nhiều giấy tờ thủ tục khác. Nếu các bộ ngành chưa chuẩn bị kịp thì chờ qua năm 2022 bỏ sổ hộ khẩu cũng không muộn.
Đình
Bộ Công an đề nghị bỏ hộ khẩu nhưng các cơ quan khác mà yêu cầu phải chứng minh là có hộ khẩu ở địa phương thì mệt nha, làm sao mà tất cả thủ tục hành chính không còn yếu tố hộ khẩu thì mới khỏe.
Nguyễn Đình Long
|
Bình luận (0)