Đa số đại biểu Quốc hội chưa đồng ý bỏ hộ khẩu giấy ngay trong năm 2021

Vũ Hân
Vũ Hân
07/11/2020 16:11 GMT+7

Tổng thư ký Quốc hội vừa có báo cáo tổng hợp kết quả phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về luật Cư trú (sửa đổi). Theo đó, đa số đại biểu chưa yên tâm bỏ hộ khẩu giấy từ giữa năm 2021.

Phải có tối thiểu 8 m2 sàn/người mới được đăng ký thường trú?

Luật Cư trú (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, vào ngày 13.11, theo nghị trình đã được thông qua.
Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về một số nội dung lớn, đặc biệt là thời điểm chính thức bỏ hộ khẩu giấy, bởi hiện nay tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an đang chậm. Nhiều đại biểu lo rằng việc bỏ hộ khẩu giấy sớm khi hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư chưa hoàn thiện sẽ gây ra nhiều hậu quả, rầy rà cho người dân về mặt thủ tục.

Người dân từng ngày trông chờ bỏ sổ hộ khẩu

Vì thế, ngày 23.10, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu về 4 vấn đề. Tính đến 12 giờ ngày 24.10, đã có 402 đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến (bằng 83,4% tổng số đại biểu Quốc hội), kết quả như sau:
Về điều kiện đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ (điểm b khoản 3 điều 20), có 235/402 (58%) đại biểu tán thành phương án 1, đề nghị phải bảo đảm diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định, nhưng không thấp hơn 8 m2 sàn/người.
Có 153/402 đại biểu tán thành phương án 2, đề nghị phải đăng ký tạm trú trong cùng phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư từ 1 năm trở lên. 14/402 đại biểu Quốc hội không chọn phương án nào.
Ngoài ra, có ý kiến đại biểu cho rằng quy định diện tích tối thiểu 8 m2 sàn/người là hơi lớn, nhất là đối với các thành phố trực thuộc T.Ư. Có ý kiến cho rằng nếu quy định diện tích tối thiểu 8 m2 sàn/người thì đối với 1 người là được nhưng nếu từ 2 người trở lên thì giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể.
Cũng có đại biểu không đồng ý phương án nào, vì cho rằng không thể can thiệp quyền cư trú bằng giải pháp kỹ thuật. Trường hợp cư trú ở nơi không bảo đảm điều kiện sinh sống thì công dân sẽ tự tìm nơi cư trú thích hợp để bảo đảm cuộc sống của bản thân và gia đình.
Đại biểu khác đề nghị nghiên cứu kết hợp nội dung của 2 phương án là phải đảm bảo điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định, nhưng không thấp hơn 8 m2 sàn/người và đã đăng ký tạm trú trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư từ 1 năm trở lên.
Lại có ý kiến cho rằng cả 2 phương án đều chưa thực sự phù hợp, bởi vì phương án 1 căn cứ trên diện tích, không quan tâm đến thời gian người đó đã tạm trú bao lâu là không tương thích với tiêu đề “thường trú”; còn phương án 2 quy định thời gian tạm trú 1 năm làm hạn chế quyền công dân.
Ý kiến này đề nghị cho công dân quyền được chọn đăng ký tạm trú hay thường trú ngay từ đầu khi công dân chuyển đến nơi ở mới (khi đó công dân đã có kế hoạch dự định cho mình); đi kèm theo quyền này công dân phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại (nếu có) về quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, phải tự mình thực hiện khai báo thay đổi trạng thái từ tạm trú sang thường trú và ngược lại.

Bộ trưởng Bộ Công an trình quốc hội việc bỏ sổ hộ khẩu vào tháng 5.2020

66% đại biểu chưa nhất trí bỏ hộ khẩu giấy từ 1.7.2021

Nội dung 2 về điều kiện đăng ký tạm trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ (khoản 1 Điều 27) thì có 209/402 (52%) đại biểu tham gia ý kiến tán thành phương án 1, đề nghị không quy định điều kiện đăng ký tạm trú là phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý.
189/402 đại biểu tham gia ý kiến tán thành phương án 2, đề nghị quy định điều kiện đăng ký tạm trú là phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý. 4/402 đại biểu không chọn phương án nào.
Ngoài ra, có đại biểu đề nghị trường hợp cho thuê thì không cần có ý kiến của chủ nhà, nhưng trường hợp cho mượn, cho ở nhờ thì phải hỏi ý kiến của chủ nhà.
Nội dung 3 về thời hạn đăng ký tạm trú (khoản 2 Điều 27), đa số đại biểu tham gia ý kiến (222/402 đại biểu, chiếm 55%) tán thành phương án 2, đề nghị không quy định về thời hạn đăng ký tạm trú, công dân chỉ cần thực hiện đăng ký khi chuyển đến nơi mình tạm trú.
Có 180/402 đại biểu tán thành phương án 1, đề nghị quy định thời hạn đăng ký tạm trú tối đa là 2 năm và có thể tiếp tục gia hạn.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị thời hạn tạm trú là 12 tháng vì cho rằng 24 tháng là quá dài. Vị khác cho rằng nếu thời gian đăng ký tạm trú tối đa là 2 năm và có thể tiếp tục gia hạn thì thủ tục gia hạn cần gọn và không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân; có ý kiến đề nghị cho phép đăng ký gia hạn tạm trú qua mạng.
Nội dung 4 về quy định chuyển tiếp (khoản 3 điều 38), kết quả cho thấy có 266/402 (66%) đại biểu tán thành phương án 1, đề nghị cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31.12.2022.
135/402 đại biểu tán thành phương án 2, đề nghị quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành là 1.7.2021. 1/402 đại biểu không chọn phương án nào.
Ngoài ra, có ý kiến đồng ý với phương án 1 nhưng cho rằng chỉ nên kéo dài đến ngày 31.12.2021. Đại biểu khác cho rằng chưa có cơ sở đảm bảo đảm bảo sẽ vận hành tốt cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại thời điểm luật có hiệu lực (1.7.2021), do đó, cần có báo cáo đánh giá tác động và biện pháp tháo gỡ những vướng mắc trong cập nhật, xây dựng cơ sở dữ liệu về cư trú.
Có ý kiến đề nghị đề nghị quy định luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2022, khi đó các sổ hộ khẩu, sổ tạm trú cũng hết hiệu lực.
Theo thông lệ thì phương án nào được đa số đại biểu lựa chọn, chiếm trên 50% tổng số đại biểu thì sẽ được thiết kế tại dự thảo luật trình Quốc hội thông qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.