Bộ Công an muốn bỏ ngay sổ hộ khẩu

Lê Hiệp
Lê Hiệp
22/10/2020 05:59 GMT+7

Nhiều đại biểu đồng tình với phương án tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu giấy tới 31.12.2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú.

Còn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định có cơ sở, điều kiện để bộ này đề xuất bỏ ngay sổ hộ khẩu từ 1.7.2021 khi luật có hiệu lực.

Bộ trưởng Bộ Công an trình quốc hội việc bỏ sổ hộ khẩu vào tháng 5.2020

Khó đảm bảo tính khả thi

Báo cáo giải trình, tiếp thu các nội dung của luật Cư trú sửa đổi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày tại Quốc hội sáng 21.10 cho biết do còn ý kiến khác nhau, UBTVQH trình Quốc hội 2 phương án về thời điểm bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Theo đó, phương án 1 là tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu giấy tới 31.12.2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú còn phương án 2 là bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú từ 1.7.2021 khi luật có hiệu lực.
Theo ông Tùng, qua thảo luận, đa số ý kiến đồng tình phương án 1 vì trong giai đoạn đầu khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc giao dịch tại các cơ quan, tổ chức chưa kịp triển khai xong việc kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu dân cư, cơ sở dữ liệu cư trú; hoặc với các tổ chức, cá nhân bên ngoài hệ thống các cơ quan nhà nước, người dân vẫn phải có giấy tờ nhất định để chứng minh về nơi cư trú của mình.
“Việc cho phép người dân tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ tránh làm phát sinh thêm thủ tục, thêm khó khăn, phiền phức cho người dân, tạo áp lực quá lớn cho các cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm luật mới có hiệu lực thi hành”, ông Tùng nói.

Sổ hộ khẩu: Bạn có bị ám ảnh không?

Bỏ điều kiện riêng đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc T.Ư

Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu tán thành với việc bỏ điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc T.Ư. Về điều kiện đăng ký thường trú tại các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư nói chung đối với người có chỗ ở hợp pháp do đi thuê, mượn, ở nhờ, đa số ý kiến tán thành quy định một trong các điều kiện là phải bảo đảm diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định và không thấp hơn 8 m2 sàn/người. Một số ý kiến đề nghị lựa chọn tiêu chí là có thời hạn tạm trú từ 1 năm trở lên tại địa bàn. Cũng có ý kiến ĐBQH đề nghị tích hợp cả 2 phương án cả về diện tích nhà ở và thời gian tạm trú làm điều kiện đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ.
Đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại phiên thảo luận đồng tình với đề xuất tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú tới 31.12.2022 để chứng minh thông tin nơi cư trú trong các giao dịch hành chính và dân sự.
ĐB Trần Thị Dung (Đoàn Điện Biên), Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, cho rằng Bộ Công an có thể hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, cơ sở dữ liệu cư trú vào thời điểm 1.7.2021, song đó chỉ mới là hoàn thiện giai đoạn xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, vẫn còn giai đoạn kết nối của các cơ quan, đơn vị để có thể khai thác cơ sở dữ liệu này phục vụ việc bỏ hộ khẩu.
Bà Dung dẫn chứng báo cáo của UBTVQH cho thấy sẽ có rất nhiều thủ tục hành chính, giao dịch như đăng ký nhập học cho học sinh phổ thông, đăng ký nơi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, đăng ký dịch vụ điện, nước, viễn thông... sẽ gặp khó khăn trong giai đoạn đầu khi các bộ, ngành, địa phương chưa thể kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu do Bộ Công an xây dựng.
Bà Dung cũng dẫn các nghị quyết, quyết định của Chính phủ cho thấy tới hết năm 2025, vẫn chưa hoàn thành việc kết nối chia sẻ thông tin, chia sẻ dữ liệu với tất cả các bộ, ngành, địa phương, chưa kể tới những địa phương khó khăn như vùng núi cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa cơ sở vật chất thiếu thốn. Bên cạnh đó, bà Dung cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc dành nguồn lực cho việc chuẩn bị hạ tầng kết nối các cơ quan liên quan trên toàn quốc từ T.Ư tới cấp xã để đảm bảo việc khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia trước ngày 1.7.2021 là rất khó khăn và khó đảm bảo tính khả thi.

Người dân từng ngày trông chờ bỏ sổ hộ khẩu

Gây áp lực để cả hệ thống phải thay đổi

Giải trình tại Quốc hội, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết cơ quan soạn thảo (Bộ Công an) đề xuất phương án bỏ sổ hộ khẩu từ 1.7.2021 khi luật có hiệu lực là dựa trên đối chiếu về năng lực hoạt động thực tiễn.
“Nếu không dứt khoát được thời điểm bỏ sổ hộ khẩu thì sẽ rất phiền phức cho người dân cũng như hoạt động quản lý của các cơ quan”, ông Lâm nêu quan điểm và phân tích: “Trước đây, một số quy định sổ này sổ kia, khi bỏ được rồi, thay đổi phương thức quản lý thì mang lại sự phấn khởi cho người dân. Bây giờ làm được việc này nữa thì người dân rất mong đợi”.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa nhận hiện nay có rất nhiều quy định “ăn theo” sổ hộ khẩu, song, cho rằng, khi thay đổi phương thức quản lý đòi hỏi cả hệ thống phải thay đổi chứ không chỉ mình sổ hộ khẩu. Theo ông Tô Lâm, trong kế hoạch triển khai luật Cư trú sửa đổi, Bộ Công an cũng đã có kế hoạch, từ nay tới 1.7.2021 khi luật có hiệu lực sẽ vận động để người dân đăng ký các loại giấy tờ theo thẻ căn cước công dân. “Đồng thời với sửa luật
Cư trú, chúng tôi đang triển khai dự án căn cước công dân cũng bắt đầu vận hành vào tháng 7.2021”, ông Tô Lâm nói.
Người đứng đầu Bộ Công an cũng cho biết hiện nay thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã thu thập được 90%, đang được thẩm định, phúc tra và đưa vào hệ thống máy tính. “Còn 10% sẽ cố gắng trong năm 2020 này hoàn thành. Vì vậy chúng tôi mạnh dạn đề nghị thực hiện ngay được”, ông Tô Lâm nói và cho biết nếu QH quy định thời gian có hiệu lực từ 1.7.2021 mà không có thời gian chuyển tiếp cũng sẽ gây áp lực bắt buộc các cơ quan quản lý phải phối hợp với nhau để thực hiện theo đúng lộ trình đề ra.
Do vấn đề còn ý kiến khác nhau, kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết UBTVQH sẽ làm phiếu xin ý kiến ĐBQH về vấn đề này trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.