Thẻ căn cước công dân: Tiện lợi, thiết thực thì dân sẽ ủng hộ

15/10/2020 05:15 GMT+7

Nhiều ý kiến ủng hộ thẻ căn cước công dân gắn chip và "hiến kế" thêm để khắc phục những tồn tại khi chuyển từ giấy cũ sang giấy mới.

Như Thanh Niên thông tin, Bộ Công an vừa công bố dự thảo Thông tư quy định về mẫu thẻ căn cước công dân (CCCD) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thời gian 2 tháng.
Đáng chú ý, mẫu thẻ mới được gắn thêm con chip điện tử thay cho mã vạch điện tử màu đen; thêm dòng mã ICAO (mã của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế); mã QR code (mã phản hồi nhanh hay mã vạch 2 chiều). Thẻ CCCD mới này dự kiến sẽ thay thế cho thẻ CCCD hiện hành và sẽ thực hiện thống nhất trên toàn quốc.
Trước đó, ngày 3.9, Thủ tướng phê duyệt Quyết định 1368 về chủ trương đầu tư dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD với tổng mức đầu tư gần 2.700 tỉ đồng; trong đó, việc gắn chip điện tử là phần nhỏ trong tổng thể dự án.

Làm căn cước công dân tại TP.HCM

Quá tốt, nên làm nhanh

Thông tin này nhận được sự quan tâm của dư luận, nhiều bạn đọc (BĐ) gửi ý kiến đóng góp cho mẫu thẻ CCCD gắn chip. BĐ Tiến Sinh ý kiến: “Tôi hoàn toàn đồng ý với mẫu mới này dù mất thêm một lần đi đổi thẻ căn cước nữa". Cùng quan điểm, BĐ Nguyễn Quang ủng hộ: “Rất tốt nếu được như vậy. Tích hợp toàn bộ như hộ khẩu, khai sinh, CCCD, tình trạng hôn nhân... vào cùng dữ liệu trong chip, mã QR code và mã định danh. Quá tốt và nên làm nhanh".
“Với những cải tiến trên CCCD mới dự kiến sẽ giúp người dân rất nhiều trong các thủ tục hành chính sau này, tôi nghĩ nhiều người sẽ đồng tình. Cái gì tiện, hữu ích thì dân sẽ ủng hộ. Tuy nhiên, Bộ Công an nên nghiên cứu thật kỹ trước khi làm để tránh lãng phí, gây phiền hà cho dân”, BĐ Ngân Hà ý kiến.
Nhiều BĐ cũng đề nghị trên mẫu CCCD gắn chip nên có thêm dòng thông tin số CMND hay số căn cước cũ để tiện đối chiếu với các loại giấy tờ đã in số cũ. “Đề nghị nghiên cứu thêm một hàng ghi lại số CMND/CCCD cũ để khỏi phải cấp thêm một giấy khổ lớn “xác nhận thay đổi” nữa”, BĐ Giang Ngô đề nghị.
Tuy nhiên, BĐ Hoàng Long trấn an: “Tôi nghĩ khi đã số hóa rồi thì không cần phải in quá nhiều thông tin lên thẻ, kể cả số CMND/CCCD cũ vì tất cả đã mã hóa hết trong con chip. Khi cần thì các tổ chức, cơ quan hành chính, doanh nghiệp... tùy theo mức độ phân quyền của cơ quan quản lý mà có thể dùng thiết bị chuyên dùng để đọc dữ liệu của một cá nhân”.

Người dân từng ngày trông chờ bỏ sổ hộ khẩu

Nghiên cứu kỹ để đừng lãng phí

Mặc dù ủng hộ, nhưng nhiều BĐ vẫn lo lắng. “Không biết sẽ cải tiến sao chứ cái thẻ CCCD vừa rồi hiện đang dùng xấu quá, chất liệu cũng bình thường, nếu mang so sánh chất liệu và hình thức với giấy phép lái xe của Bộ GTVT cấp thì thua hẳn về mọi mặt. Bộ Công an nên rút kinh nghiệm và chỉnh sửa sao đó để người dân khi cầm trong tay tấm thẻ CCCD mới thấy hài lòng”, BĐ Nguyen Tuan nhắn gửi.
Trong khi đó, BĐ Vietroad thắc mắc: “Thẻ căn cước khá nhỏ. Hiện tại chỉ có tiếng Việt thôi mà chữ viết còn nhỏ. Bây giờ thêm tiếng Anh vào nữa thì nó ra một đống rối nùi. Hơn nữa, khi ra nước ngoài toàn dùng passport, vậy thì thêm tiếng Anh vào thẻ căn cước làm gì”.
Một số ý kiến cho rằng cơ quan chức năng làm gì thì cũng phải nghiên cứu thật kỹ, làm một lần thôi để tránh lãng phí và phiền hà cho dân. “Lại thêm một lần đổi nữa. Quá lãng phí cho những ai đã làm và đổi thẻ CCCD đợt đầu. Đấy là chưa kể đến máy móc, thiết bị và phôi thẻ CCCD đang hiện hữu. Tại sao không nghiên cứu từ đầu để tránh lãng phí như thế?”, BĐ Công Bảo nêu ý kiến.
BĐ Vũ Văn Hóa góp ý: “Công dân số là tốt rồi, nhưng cũng phải nghiên cứu kỹ mọi mặt, tránh tình trạng sửa đi, sửa lại, đổi đi đổi lại gây lãng phí”.
“Nếu có kế hoạch đổi CCCD có gắn chip điện tử thì ngưng việc đổi CCCD có mã vạch vừa tránh phiền phức cho dân vừa tiết kiệm một số tiền không nhỏ”, BĐ The Hung đề nghị.
Nên quá chứ sao không, tích hợp luôn cả bằng lái xe, giấy tờ xe, bảo hiểm xe... Ra đường bớt giấy tờ linh tinh lại.
Hải DF
Mã số định danh cá nhân cần thống nhất từ khi mới sinh. Thẻ căn cước công dân cần đơn giản, không cần nhiều thông tin trên thẻ vì đã được số hóa, cũng không cần ký tên đóng dấu.
Hung Nguyen
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.