Chiều 3.9, đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân.
Theo Bộ Công an, trong ngày 3.9, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1368 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án căn cước công dân. Thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, cho biết dự án căn cước công dân ước tính 2.800 tỉ đồng, trong đó việc gắn chíp điện tử là phần nhỏ trong tổng thể. Khi thực hiện dự án, Bộ Công an sẽ thu thập các trường thông tin liên quan đến công dân để quản lý nhân, hộ khẩu; bổ sung dữ liệu hình ảnh, sinh trắc học.
Bộ Công an ước tính giá thành thẻ căn cước công dân gắn chíp đắt hơn thẻ vạch từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng. Tuy nhiên, việc 2 dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án căn cước công dân thực hiện song hành sẽ tiết kiệm nhiều cho ngân sách do dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật, máy chủ, đường truyền...
Bộ Công an bắt đầu cấp thẻ căn cước công dân có mã vạch từ năm 2016, đến nay 16 tỉnh, thành được trang bị hạ tầng để cấp với trên 16 triệu thẻ. Các tỉnh còn lại, công dân đang sử dụng chứng minh thư 9 và 12 số. Khi dự án được thông qua, các tỉnh, thành trên toàn quốc sẽ cấp thẻ gắn chíp điện tử đồng bộ và đến tháng 7.2021 cả nước sẽ cấp 50 triệu thẻ.
Lý giải việc không cấp thẻ căn cước gắn chip điện tử ngay từ đầu thay vì mã vạch để tránh lãng phí khi xây dựng cơ sở hạ tầng, đại diện Bộ Công an cho hay, từ năm 2012, khi bắt đầu xây dựng đề án cấp thẻ căn cước công dân, Bộ đã đưa ra vấn đề này, tuy nhiên lúc đó chip điện tử còn đắt, công nghệ sản xuất hạn chế. "Đến nay, các doanh nghiệp trong nước có thể chủ động công nghệ và giá thành sản xuất rẻ hơn", đại diện Bộ Công an cho biết.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp chiều 3.9, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết sẽ hợp nhất ban chỉ đạo triển khai 2 dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân và bổ sung, kiện toàn để đảm bảo yêu cầu phối hợp chặt chẽ, xuyên suốt, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành và trao đổi thông tin. Bộ Công an dự kiến sẽ bấm nút vận hành 2 hệ thống này cùng một thời điểm trong đầu năm 2021.
Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu các đơn vị tập trung nhân lực, vật lực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn để tiến hành các công việc đáp ứng yêu cầu đề ra, theo lộ trình đã được phê duyệt, đảm bảo tốt về cơ sở hạ tầng và an ninh, an toàn thông tin cho thiết bị dự án.
Đặc biệt, các đơn vị cần phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về 2 dự án để người dân hiểu được rõ những lợi ích mang lại trong việc sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia về dân cư và thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử.
Bình luận (0)