|
Vùng nhiều rau dớn nhất ở Bình Định là huyện miền núi An Lão. Ngoài dớn, An Lão còn nổi tiếng với món cá niên ngon đặc biệt. Bữa cơm mà có cả rau dớn luộc (hoặc xào, hoặc bóp gỏi) với cá niên nướng thì ăn đến lủng nồi, lủng xoong cũng chưa đã thèm.
Rau dớn có đặc điểm dễ úa, mất đi cái ngon nên thường người miền núi không trữ rau dớn mà hái đâu ăn đó, cần ăn bao nhiêu hái bấy nhiêu. Buổi đi hái rau bắt đầu với chiếc gùi và con dao nhỏ hoặc chiếc liềm con. Người hái tìm ở những bụi dớn mà có vài chiếc vòi dài, lá đang còn xoắn chưa kịp bung ngắt ngang đọt non tầm gang tay. Lẫn trong vạt cây hai bên bờ, những vòi dớn non vươn thẳng, lá xoắn lại xa trông như còn đang ngái ngủ. Sát mặt đất là những đọt dớn chừng nửa gang tay, non bấy, giòn rụm, đầy nhựa. Người hái cứ thế, nhởn nhơ ngắt đọt dớn bỏ vô gùi rồi thủng thỉnh rảo bước về nhà...
|
Sơ chế rau dớn rất đơn giản vì bản thân nó đã là rau sạch nên chỉ cần ngắt đoạn nhỏ, rửa qua nước rồi chế biến. Muốn rau giữ được màu xanh non mướt, phải đun nước luộc ở lửa lớn. Muốn rau giòn hơn thì vớt ra nhúng nước lạnh, rau sẽ vừa giữ được màu lâu, vừa giòn giòn, ngọt ngọt, ăn rất thú vị. Rau dớn vốn ngon sẵn nên chỉ cần luộc lên chấm mắm, hoặc xào tỏi, cầu kỳ hơn là làm gỏi với thịt bò xào hoặc cá niên nướng đều ngon. Đặc trưng của món rau này là mùi vị rất đậm đà, ngọt hậu.
Ai có dịp lên miền núi An Lão sẽ được bà con ở đây đãi món rau dớn, ăn một lần là nhớ mãi. Không những thế, người ăn còn xin được “gói mang về” những mớ rau dớn xanh non để chia miếng ngon lại cho những người thương yêu.
Tâm Ngọc
Bình luận (0)