Nếu được hỏi đi đâu để có thể ăn nhiều món chế biến từ bưởi nhất, người Biên Hòa sẽ chỉ bạn ngay đến làng bưởi Tân Triều. Tới đây, thực khách tha hồ thưởng thức đặc sản bưởi, từ những món nhẹ như mứt bưởi, sinh tố bưởi, trà bưởi, rượu bưởi cho đến các đặc sản “ăn là ghiền” như gỏi bưởi, gà hấp quả bưởi, bì bưởi chiên giòn…
>> Về Tân Triều ăn gỏi bưởi
>> Nhớ lắm bánh canh Bến Có
|
1. Dọc theo chiều dài đất nước có rất nhiều thương hiệu bưởi nổi tiếng, trong đó phải kể đến bưởi Đoan Hùng ở Phú Thọ, bưởi Phúc Trạch ở Hà Tĩnh, bưởi Thanh Trà vùng Quảng Trị - Thừa Thiên trứ danh tiến vua... Xuôi về miền Nam có thêm bưởi Tân Triều ở Biên Hòa, hay bưởi Năm Roi ở Vĩnh Long.
Làng bưởi Tân Triều nằm gọn trên một cù lao, ở đoạn sông Đồng Nai chảy qua rẻo cuối huyện Vĩnh Cửu để vào TP. Biên Hòa. Nơi đây trồng nhiều giống bưởi như bưởi đường lá cam, bưởi đường da láng, bưởi thanh, bưởi ổi, bưởi xiêm, bưởi bà Vân… "Tân Triều", nghĩa là triều đình mới, là cái tên do vua Nguyễn Ánh đặt và còn lưu đến ngày nay. Ông đã tổ chức một triều đình tạm ở đây khi cùng tùy tùng lưu lạc trên đường tránh quân Tây Sơn vào thế kỷ 18.
Có một giai thoại kể lại rằng, vào năm 1869, một cha xứ ở nhà thờ Tân Triều (thành lập năm 1778, cũng là một trong những giáo đường lâu đời nhất miền Nam) đã mang hai cây bưởi gốc từ Brazil về trồng trong sân nhà thờ. Thấy sum suê trái nên người dân nơi đây xin chiết nhánh bưởi về trồng, nhân rộng ra cùng một số giống bưởi khác. Và một thế kỷ sau đó, Tân Triều đã trở thành làng bưởi nức tiếng của miền Nam.
|
2. Bưởi ở làng Tân Triều ngon có tiếng đã lâu, nhưng để đưa trái bưởi góp phần làm phong phú bản đồ ẩm thực Việt Nam và được thực khách ở nhiều vùng biết đến thì có lẽ phải kể từ khi vườn du lịch sinh thái làng bưởi Tân Triều của ông Năm Huệ được khai sinh.
Ngồi hỏi chuyện, ông chủ vườn Năm Huệ (tên thật là Huỳnh Minh Huệ) tâm sự rất đỗi thân tình những câu chuyện về bưởi, về cách làm vườn rồi cả câu chuyện kinh doanh của một lão nông ngót nghét 70 tuổi. Thuở còn nặng gánh con cái, ông quyết định đưa cả nhà xuống Biên Hòa sinh sống bằng nghề kinh doanh xe máy. Cửa hàng của ông chính là nơi bán xe cub đầu tiên (một dòng xe phổ biến của hãng Honda) ở thành phố này vào đầu thập niên 80.
Đến khi cả năm người con đã thành tài và cũng là lúc việc kinh doanh đang thịnh, ông lại quyết định về quê trồng bưởi, mở mô hình du lịch sinh thái vườn. Thời đó, mô hình này nghe lạ hoắc nên nhiều người khuyên can nhưng ông mặc kệ. Một mình ông tính toán và lo liệu, từ việc chọn giống bưởi trồng, xây dựng vườn cho đến đăng ký tên thương hiệu để kinh doanh. Ông nói, quê mình có cái gì hay thì mình cứ dựa trên đó mà làm ắt sẽ ra thôi.
Từng trải qua rất nhiều nghề và là người có nhiều sáng kiến, nhưng làm nghề gì ông cũng quan trọng “chữ tín” hơn cả lợi nhuận. Bởi thế ông tự nhận mình không thể trở thành một doanh nhân giỏi được mà chỉ là người nông dân vui thú điền viên lúc đã luống tuổi mà thôi. Khiêm tốn là vậy nhưng mười mấy năm qua, vườn du lịch nhỏ do ông gầy dựng trên chính mảnh đất của gia đình đã trở thành một địa điểm du lịch sinh thái độc đáo. Cù lao Tân Triều với bạt ngàn vườn bưởi kể từ đó cũng thu hút được nhiều du khách lui tới.
|
3. Độc đáo và thu hút khách nhất ở đó có lẽ phải kể đến các món ăn có vị bưởi. Ông Năm Huệ cho biết, từ khi mới mở vườn, gỏi bưởi là món đầu tiên trong thực đơn và cũng chính là món ăn của người trồng bưởi xứ Tân Triều. Để làm gỏi, ông chọn dùng giống bưởi đường lá cam, có vị chua thanh nhẹ và hậu vị không bị đắng. Các tép bưởi tách nhỏ trộn với thịt ba chỉ và tôm sông còn tươi rói. Ăn gỏi bưởi, không dùng nước mắm chua ngọt như cách thông thường mà phải dùng nước mắm mặn mới ngon.
Càng ngày số lượng món ăn càng phong phú hơn theo số lượng và nhu cầu của thực khách. Nhiều món được "khai sinh" trên thực đơn của nhà hàng Năm Huệ như gà hấp quả bưởi, bì bưởi chiên giòn… Có bữa hứng chí, ông Năm nhận lời làm đại diện Trung tâm Văn hóa Đồng Nai, đưa các món bưởi đi thi ẩm thực ở Đà Lạt nhận được một huy chương vàng cùng hai huy chương bạc.
|
Nếu món ăn là điểm hấp dẫn chính thì không gian sân vườn là điểm cộng ngọt ngào cho vườn du lịch của ông. Trong khuôn viên 2 hecta nằm dọc bờ sông, ông dành 1,5 hecta để trồng bưởi, góc tư còn lại để làm dịch vụ đón thực khách lui tới hàng ngày. Vào những ngày hè nóng bức, nhà hàng Năm Huệ nằm khuất dưới bóng râm của những tán dừa, tre và cây ăn quả mát mắt. Những bàn ăn được dọn ra khu nhà chòi trên sông với phong cảnh hữu tình khiến cho khách đến đây rồi còn muốn ghé chơi dài dài.
Khách của làng bưởi có khi chỉ đến để mua bưởi đem về ăn, có khi là vài người bạn thân tình rủ nhau đến tìm không gian thoáng mát, có khi là cả đoàn xe từ Sài Gòn, Vũng Tàu hay khách du lịch ở tận ngoài Trung hoặc Bắc tò mò ghé đến chơi. Nếu muốn, trước khi thưởng thức đặc sản bưởi, thực khách có thể đi dạo một vòng quanh vườn, xem quy trình làm rượu bưởi tại chỗ hoặc xuống du thuyền để thưởng ngoạn không gian làng quê yên bình từ trên sông.
Thường Xuân (thực hiện)
Bình luận (0)