Không giống bóng đá hiện tại khi các lò đào tạo cầu thủ tuyển sinh các lứa tuổi nhỏ, ít nhất cũng 12 tuổi, nhỏ hơn có 8,9 tuổi, Chí Thắng theo chân bố đến sân Thống Nhất lúc rất trễ khi đã 19 tuổi, tham gia tuyển sinh và đậu vào khoá 8 trường Năng khiếu nghiệp vụ TP.HCM . Sau 3 năm miệt mài khoá 8 của Thắng được đưa về đội Công An TP.HCM cùng lứa Phùng Thanh Phương , Nguyễn Ngọc Thọ ...
Lúc đó Thắng “củi” không được nhận vì vị trí tiên vệ ở đội bóng này khá nhiều, hơn nữa đồng đội còn có Thanh Phương, Ngọc Thọ có tố chất thể hình phù hợp hơn. Thế là anh trôi dạt sang đội bóng Hải Quan, dần dần chiếm vị trí chính thức, nhưng cũng thi đấu 2 mùa giải rồi đội bóng giải thể. Thắng lại chuyển qua Thép miền Nam- Cảng Sài Gòn cùng đội bóng giành quyền lên chơi chuyên nghiệp mùa 2004-2005 và bắt đầu sau đó gắn liền với chiếc băng đội trưởng trên tay và 1 suất vào dự tuyển quốc gia dưới thời huấn luyện viên Calisto.
Biệt danh là Thắng “củi”, nhưng những ai chứng kiến anh thi đấu đều không hiểu tại sao có cái tên phũ phàng này vì đây là từ giành có những cầu thủ vụng về, ít kĩ thuật. Thắng ngược lại , nhìn cách chơi bóng của anh thấy ở đó sự hợp lý, khôn ngoan trong từng pha xử lý, kĩ thuật giữ bóng rất ít ai có thể lấy được. Nhất là khả năng chọn thời điểm khi dâng lên tấn công lẫn lùi về phòng thủ của Thắng không ai có thể chê trong đội hình chiến thuật 5-3-2 hay 4-4-2 của 1 cầu thủ chạy cánh.
|
|
Những đường chuyền chọc khe và các pha mở bóng nhanh ra 2 cánh của Thắng khi đó luôn thể hiện sự thông minh, nhạy bén, luôn đặt đồng đội mình vào những tình huống thuận lợi. Hoặc các pha dâng lên đúng lúc để biến cơ hội thành bàn thắng, gây náo loạn cho hàng thủ đối phương cũng đã cho thấy những nét xử lý uyển chuyển từ đôi chân tài hoa cho Thắng.
Nhiều cổ động viên yêu mến Cảng Sài Gòn khi ấy cảm nhận được sự mới mẻ và khác lạ trong cách đá có gì đó đôi chút quái dị của Chí Thắng. Dù có lúc nhìn Thắng chơi bóng, nhiều người có cảm giác anh “hụt hơi” ở phần thể lực nhưng sự tính toán, phân phối sức tinh tế giúp Thắng luôn là người chơi bền bỉ nhất trên sân .
Gia nhập T&T Hà Nội và Ninh Bình ở cuối sự nghiệp rồi giải nghệ và 4 năm rời xa bóng đá chuyển qua kinh doanh sau đó, Thắng gần như mất tích trên bản đồ bóng đá nước nhà. Nhưng nỗi nhớ bóng đá, tình yêu với quả bóng tròn đã khiến anh quay trở lại trên sân cỏ với vai trò huấn luyện cùng những người đồng đội cũ của mình.
|
Say mê, nhiệt huyết, tận tâm là những cụm từ mà các phụ huynh cùng các em nhỏ ở Trung tâm bóng đá Ngọc Hùng dành cho người thầy của mình dành cho Thắng. Trái với thời cầu thủ hào hoa thì thầy Thắng lại là người khiến nhiều bậc cha mẹ, có người trạc tuổi và cũng có cả thế hệ đi trước 6 x yêu mến mỗi khi nhắc đến anh bởi sự gần gũi và hết mình với học trò. Trái ngược với cách sống có phần ít giao tiếp, ít nói về mình của anh thì Thắng gần như dành trọn thời gian cho học trò cũng như gia đình nhỏ của mình ở Q.Tân Bình sau thời gian đứng lớp.
|
Chỉ từng động tác nhỏ nhất, sửa từng những điều cơ bản, dù nắng dù mưa, dù xa hay gần lúc nào thầy Thắng cũng là người luôn có mặt . Sau như thành quả dù không cao như chức vô địch U.14 TP.HCM 2018, hạng 3 U.14 TP.HCM 2019 và kế hoạch sắp tới là tham gia U.13 toàn quốc cùng lò đào tạo Ngọc Hùng, cựu tiền vệ Chí Thắng chỉ muốn truyền hết những điều mà mình có được cho thế hệ sau và hạnh phúc lớn nhất của 1 người thầy đó chính là thành công của học trò như những gì cầu thủ sân cỏ tài hoa 1 thời luôn tâm niệm .
Bình luận (0)