Ngày 25.12, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Đà Nẵng MRCC) cho biết năm 2024 đã tiếp nhận 74 thông tin về tàu cá, ngư dân, các phương tiện trên biển, thuyền viên… bị nạn. Trong đó có 15 tàu cá bị hỏng máy, thả trôi; 1 tàu mắc cạn; 21 vụ tai nạn y tế, 12 vụ đâm va, chìm tàu, phá nước…
"Ngư dân còn chủ quan, quên cả an toàn tối thiểu"
Mặc dù các đơn vị cứu nạn có nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả, lập các tổ, đội cơ động để ứng phó linh hoạt với nhiều tình huống, nghiên cứu, ứng dụng sáng kiến để cải tiến kỹ thuật, chế tạo trang thiết bị hỗ trợ cứu nạn... nhưng một số ngư dân còn chủ quan.
Đơn cử, có vụ việc tàu cá của tỉnh Quảng Nam khi hành nghề gần vùng biển quần đảo Hoàng Sa thì một ngư dân chủ quan khi lao động trên tàu đã bị rơi xuống biển.
Ngư dân trẻ này trôi dạt suốt 28 giờ, rất may được tàu bạn vớt lên trong tình trạng hôn mê, khó thở, nguy kịch. Đà Nẵng MRCC đã điều động tàu SAR 412 cứu nạn, kịp thời đưa nạn nhân về bờ để tiếp tục cứu chữa, giữ được mạng sống.
Theo thuyền trưởng Trần Quang Thanh (tàu SAR, Đà Nẵng MRCC), các vụ cứu nạn cho thấy một bộ phận ngư dân vẫn chủ quan, chưa ý thức đầy đủ về đảm bảo an toàn trên biển.
"Ngay cả an toàn tối thiểu là mặc áo phao, nhưng hầu như khi lao động ngoài khoang tàu, ngư dân không dùng hoặc thậm chí không trang bị đủ áo phao trên tàu. Về máy móc nhiều chủ tàu, thuyền trưởng cũng chủ quan. Có vụ khi được hỏi, ngư dân nói... cứ nổ máy được là đi, không tính toán sự cố hư hỏng", thuyền trưởng Trần Quang Thanh nói.
Thời tiết cực đoan, tai nạn trên biển phức tạp
Vùng biển miền Trung từ phía nam Bình Định đến phía nam Quảng Bình là khu vực có các tuyến hàng hải nội địa và quốc tế mật độ cao cùng nhiều ngư trường đánh bắt truyền thống.
Đà Nẵng MRCC đánh giá, những năm gần đây biến đổi khí hậu, thiên tai và các loại hình thời tiết cực đoan như áp thấp nhiệt đới, gió mùa diễn ra tần suất và cường độ ngày một lớn.
Trung bình hằng năm có 4 - 5 cơn bão đổ bộ và 2 - 3 cơn áp thấp nhiệt đới hoạt động gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động đánh bắt của ngư dân. Tuy tần suất bão giảm, nhưng trong năm 2024 diễn biến bão xảy ra trái quy luật, khó dự báo do hiện tượng La Nina.
Trong khi đó, đặc điểm địa lý các cửa sông hoặc vịnh vùng biển miền Trung thuộc vùng bãi ngang, luồng cạn và ít đảo phù hợp cho tàu thuyền tránh trú bão, gió mùa. Các yếu tố khách quan trên, kết hợp yếu tố chủ quan, dẫn đến các vụ tai nạn hàng hải ngày càng nhiều, tính chất ngày càng phức tạp.
Do đó, ngư dân cần nâng cao ý thức, kiến thức về an toàn hàng hải, an toàn lao động trên tàu để giảm thiểu thiệt hại về người và tàu thuyền, góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản.
Trong năm 2024, các đơn vị cứu nạn trên biển tại Đà Nẵng đã ứng cứu gần 250 ngư dân, ngoài ra có 16 ngư dân tử nạn, 17 người mất tích trên biển.
Đà Nẵng MRCC đã xuất 14 lượt tàu cứu nạn (có 10 lượt tàu SAR 412, có 4 lượt tàu SAR 274), hỗ trợ 3 tàu cá gặp nạn tại quần đảo Hoàng Sa.
Bình luận (0)