Tàu lớn bỏ cảng
Cảng cá Xuân Hội (xã Xuân Hội, H.Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) được đầu tư xây dựng 110 tỉ đồng và đưa vào sử dụng từ năm 2014 đến nay. Theo ngư dân địa phương, thời điểm mới hoạt động, cảng cá này mỗi ngày đón từ 70 - 80 lượt tàu, thuyền ra, vào bến.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, do bị đất, cát bồi lắng nghiêm trọng, tàu, thuyền ra, vào cảng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các tàu có công suất lớn. Thông thường, những tàu này phải mất rất nhiều thời gian canh khi triều cường lên mới có thể vào bờ. Điều này khiến không ít chủ tàu đành bỏ cảng, đi tỉnh khác để tìm bến đỗ mới.
Ngư dân Lê Văn Ất, 45 tuổi, một chủ thuyền cá công suất 90 CV ở xã Xuân Hội, cho biết ở cảng cá hiện nay chủ yếu là tàu, thuyền công suất nhỏ của ngư dân địa phương ra, vào. Tuy nhiên, sau mỗi chuyến đi biển trở về cập cảng, các tàu, thuyền cũng phải dừng chờ ở bên ngoài cửa lạch vài tiếng.
"Có ngày, thuyền của tôi về đến gần cảng vào buổi chiều nhưng phải chờ đến tối muộn mới vào cập cảng được. Nếu không muốn bỏ tiền thuê thuyền thúng đưa hải sản đánh bắt được vào bờ bán cho thương lái, thì chúng tôi phải mua thêm đá lạnh để ướp cá. Chi phí bị đội thêm khiến thu nhập của ngư dân giảm đánh kể", anh Ất buồn rầu.
Theo anh Ất, cảng bị bồi lấp nên chuyện tàu, thuyền bị hỏng chân vịt cũng thường xuyên xảy ra, gây tổn thất cho ngư dân. Không những thế, tàu, thuyền vỏ gỗ khi neo đậu ở cảng cá cạn trơ đáy như Xuân Hội cũng dễ hỏng hóc hơn.
Con tàu vỏ thép công suất 829 CV của ngư dân Nguyễn Lưu Truyền (48 tuổi, trú xã Xuân Hội) là con tàu lớn nhất đang thường xuyên ra, vào cảng cá Xuân Hội. Từ sau khi cảng cá bị bồi lắng, anh Truyền luôn phải vất vả canh chừng lúc triều cường đạt đỉnh mới đưa được tàu ra khơi hoặc vào cảng.
"Những hôm chiều muộn rồi mà triều cường mới rút xuống thấp, khả năng phải gần sáng hôm sau nước biển mới dâng lên lại, tôi phải chờ khi nước lên thì lập tức chạy tàu ra bên ngoài. Còn anh em thuyền viên sáng hôm sau sẽ dùng thuyền thúng chèo ra sau để lên tàu", anh Truyền nói.
Tại cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, H.Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), tình trạng cũng không khá hơn.
Cảng cá này được tỉnh "rót" hơn 40 tỉ đồng để nạo vét luồng lạch vài năm trước, song hiện nay cũng rơi vào cảnh luồng lạch bị bồi lấp. Thời gian qua, có không ít tàu, thuyền của ngư dân trong và ngoài tỉnh khi ra, vào cảng bị gãy chân vịt, bánh lái; tàu công suất lớn không thể cập bến. Chán nản cảnh phải chờ canh con nước để ra, vào cảng, nhiều chủ tàu cá ngoại tỉnh đã rời đi, kéo theo các dịch vụ hậu cần nghề cá tại đây cũng bị ảnh hưởng.
Một số ngư dân than thở, cảng cá Cửa Sót dù được thiết kế cho tàu có công suất lên đến 500 CV ra, vào nhưng hiện chỉ có tàu dưới 90 CV mới đi lọt vào trong do khu vực trước cảng bị bồi lấp nặng. Lâu nay, các tàu, thuyền lớn khi vào cảng cá Cửa Sót phải neo đậu ở ngoài cửa biển rồi thuê các thuyền nhỏ ra chở hải sản khai thác được vào bán.
"Bó tay" xã hội hóa nạo vét luồng lạch?
Một cán bộ Ban Quản lý cảng cá Xuân Hội cho hay, tình trạng bồi lắng ở cảng Xuân Hội ngày một nghiêm trọng hơn, nhưng cảng cá này vẫn chưa một lần được nạo vét.
"Từ năm 2017 đến nay, dòng chảy thay đổi đã kéo theo khối lượng đất, cát lớn bồi lấp vùng nước trước bến cập tàu. Độ sâu hiện tại chỉ đáp ứng cho tàu cá có công suất dưới 50 CV cập cảng; tàu, thuyền lớn hơn muốn vào bến buộc phải chờ triều cường. Chúng tôi đã báo cáo thực trạng và đề xuất với cấp trên cho xã hội hóa để nạo vét luồng lạch cho cảng cá Xuân Hội, nhưng vẫn chưa được phê duyệt", vị cán bộ nói.
Theo ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá tỉnh Hà Tĩnh, toàn tỉnh có 4 cảng cá thì hiện tại hầu hết bị bồi lắng, nhưng nặng nhất vẫn là cảng Cửa Sót và Xuân Hội. Tình trạng này khiến tàu đánh cá ngoại tỉnh có công suất trên 90 CV vào các cảng cá ở Hà Tĩnh giảm trên 80%, tàu nhỏ dưới 90 CV giảm 30%.
"Việc nạo vét cần kinh phí rất lớn nhưng ngân sách của địa phương hiện nay không có. Cách đây mấy năm, tỉnh Hà Tĩnh đã có chủ trương thực hiện xã hội hóa để nạo vét luồng lạch, cảng biển. Đây là một chủ trương rất tốt vì Nhà nước không mất ngân sách nạo vét, doanh nghiệp nạo vét được tận thu cát. Mục đích cuối cùng là luồng lạch được khơi thông, tàu, thuyền ra, vào thuận lợi. Tuy nhiên, hiện nay do vướng một số quy định nên việc xã hội hóa chưa thông được để thực hiện", ông Sơn lý giải.
Bình luận (0)