Ngư dân kêu cứu
26 ngư dân ở Nghệ An vừa làm đơn gửi cơ quan chức năng kêu cứu trước nguy cơ họ bị ngân hàng siết nhà đòi nợ vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 (gọi tắt là tàu 67).
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hoàng Văn Ngoan (ngụ P.Quỳnh Phương, TX.Hoàng Mai, Nghệ An) cho biết trước năm 2016, vợ chồng ông có 2 tàu cá loại 200 CV đánh bắt khá hiệu quả. Năm 2015, khi có chủ trương đóng tàu 67 được nhà nước hỗ trợ lãi suất vay, gia đình ông bán 2 tàu này được gần 3 tỉ đồng. Ông vay thêm ngân hàng hơn 8 tỉ để đóng con tàu 820 CV trị giá 13 tỉ đồng. Để được vay 8 tỉ đồng, ngoài con tàu, ông Ngoan phải thế chấp sổ đỏ của gia đình và mượn thêm 5 sổ đỏ khác để thế chấp ngân hàng. Mặc dù theo Nghị định 67, ngư dân chỉ cần cầm cố tàu là đảm bảo vay vốn, nhưng theo ông Ngoan, ngân hàng yêu cầu thêm 6 sổ đỏ mới cho vay.
“Năm đầu tiên, tàu 67 đánh bắt khá hiệu quả, tôi đã trả được hơn 1 tỉ đồng, ngân hàng trả lại cho 2 sổ đỏ. Nhưng sau đó, đánh bắt ngày càng kém do ngư trường bị nhiều tàu cạnh tranh nên tàu chúng tôi không có lãi, thậm chí bị lỗ, không thể trả được nợ nữa”, ông Ngoan nói. Vừa qua, ông bị ngân hàng phát đơn kiện ra tòa để thu hồi nợ. “Nhà tôi còn bị “nhốt” 4 sổ đỏ. Chúng tôi chỉ còn cách đi biển để gom góp trả nợ, nếu không được giãn nợ, sẽ mất nhà và mất luôn con tàu”, ông Ngoan buồn bã nói.
Bà Nguyễn Thị Liễu (ngụ P.Quỳnh Phương, TX.Hoàng Mai) cũng cho biết gia đình bà thế chấp ngân hàng 3 sổ đỏ của gia đình và người thân để vay 8,1 tỉ đồng đóng tàu. Nhưng do đánh bắt không hiệu quả, gia đình bà đang bị ngân hàng khởi kiện và nguy cơ mất trắng cả tàu lẫn nhà.
Trong đơn kêu cứu, 26 ngư dân ở TX.Hoàng Mai và H.Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết ngoài 26 con tàu 67 phải thế chấp, họ còn phải thế chấp thêm 60 sổ đỏ. Nhiều tàu hoạt động không hiệu quả, chủ tàu phải bù lỗ nên không có khả năng trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng nên bị ngân hàng khởi kiện. Các ngư dân này đề nghị được khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ và không kê biên phát mãi con tàu để họ còn có cơ hội đánh bắt, trả nợ. Nếu không, họ sẽ rơi vào cảnh “mất cả chì lẫn chài”!
Ngân hàng cũng khổ vì “cục nợ 67”
Nghệ An có 100 chủ tàu được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt đủ điều kiện vay vốn đóng tàu cá 67 với gần 860 tỉ đồng. Số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cho biết đến tháng 7 vừa qua, trong số 100 tàu, chỉ có 36 tàu hoạt động hiệu quả, trả nợ gốc và lãi đúng cam kết với dư nợ 192 tỉ đồng. Số tàu hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, không trả được nợ gốc và lãi theo cam kết là 54 tàu với dư nợ trên 412 tỉ đồng, trong đó, số tàu chuyển nợ xấu là 31 tàu với dư nợ gần 224 tỉ đồng.
Bà Nguyễn Thị Thu Thu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, cho biết ngoài một số ngư dân không muốn thực hiện nghĩa vụ trả nợ, hiện nay nhiều ngư dân khác cũng đang thực sự gặp khó khăn vì hiệu quả đánh bắt của tàu không cao. Nguyên nhân có thể do ngư trường khó khăn và năng lực đánh bắt của các ngư dân. “Cục nợ” tàu 67 cũng đang khiến các ngân hàng lo lắng về khả năng thu hồi nợ. “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với UBND tỉnh Nghệ An tìm cách xử lý cho người dân lẫn ngân hàng nhưng vẫn chưa có phương án nào”, bà Thu nói.
Bà Thu cũng cho biết khó khăn đối với tàu 67 cho cả ngư dân lẫn ngân hàng là các chủ tàu chỉ mua bảo hiểm được năm đầu tiên, sau đó bảo hiểm không bán nữa vì cho rằng họ bị lỗ. Do đó, khi xảy ra rủi ro cháy hoặc chìm tàu, người dân coi như mất trắng và ngân hàng cũng không thu được nợ. Bà Thu cũng cho rằng khâu xét duyệt cho ngư dân vay vốn từ chính quyền các cấp không làm kỹ khiến nhiều người không đủ năng lực đánh bắt xa bờ bằng tàu 67 vẫn được vay vốn đóng tàu, hậu quả là bây giờ cả ngư dân lẫn ngân hàng đều khổ.
Trước “cục nợ” xấu này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An đã đề nghị tỉnh xử lý nguồn nợ của những chủ tàu năng lực đánh bắt yếu, bằng cách can thiệp để bàn giao tàu sang cho chủ mới. Đối với những ngư dân bị nợ xấu do ngư trường không thuận lợi, khai thác không hiệu quả, cần chuyển đổi ngành khai thác phù hợp, các ngân hàng cần cơ cấu lại nợ cho dân.
Ông Trần Hữu Tiến, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An, Phó trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định 67, cho biết những tàu khai thác không hiệu quả, ngân hàng nên xem xét để phát mãi, những tàu khai thác hiệu quả nhưng cố tình dây dưa không trả nợ thì ngân hàng có thể thu hồi tàu. Đối với những chủ tàu có năng lực đánh bắt nhưng thực sự khó khăn trong khai thác, chưa trả nợ được, theo ông Tiến, tỉnh sẽ đề nghị ngân hàng tạo điều kiện tái cơ cấu nợ cho chủ tàu để họ còn cơ hội đánh bắt trả nợ dần.
Bình luận (0)