Ngư dân ôm nợ vì tàu vỏ thép tiền tỉ nằm bờ

Phạm Đức
Phạm Đức
29/06/2019 11:09 GMT+7

Do việc đánh bắt không hiệu quả, nhiều ngư dân ở Hà Tĩnh đang lâm vào cảnh nợ nần vì tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 phải nằm bờ.

Sợ ra biển vì liên tục lỗ nặng

Gần 1 năm qua, con tàu vỏ thép của ngư dân Nguyễn Văn Lòng (59 tuổi, ngụ thôn Hoa Thành, xã Thạch Kim, H.Lộc Hà, Hà Tĩnh) phải neo đậu ở cảng cá Cửa Sót (H.Lộc Hà) vì đánh bắt thua lỗ. Ông Lòng cho biết, năm 2015 ông làm thủ tục đăng ký đóng tàu vỏ thép từ nguồn vay ưu đãi theo Nghị định 67 với ngành nghề câu khơi.

Chủ tàu ôm nợ vì tàu cá vỏ thép tiền tỉ năm bờ

Theo hợp đồng tín dụng, ông được Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) chi nhánh Hà Tĩnh cho vay 14 tỉ đồng lãi suất thấp, trả trong vòng 15 năm. Đến tháng 2.2017, tàu vỏ thép công suất 829 CV được bàn giao cho ông trong niềm vui của gia đình.
Những tưởng con tàu hiện đại sẽ giúp việc đánh bắt hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, song do ngư cụ nghề câu được trang bị trên tàu không phù hợp nên cả 3 chuyến biển đầu tiên đều thua lỗ.
“Nhận thấy nghề câu không đạt nên tôi làm đơn xin chuyển đổi sang nghề giã cào. Sau 5 chuyến ra khơi, tiếp tục lỗ nặng nên phải làm đơn trả lại tàu. Tàu không hoạt động gần 1 năm qua nhưng cơ quan chức năng chưa tìm ra người phù hợp để chuyển nhượng lại. Vì thế khoản nợ ngân hàng ngày càng phình to”, ông Lòng buồn bã nói.
Tàu vỏ thép của ngư dân Trần Xuân Sinh (45 tuổi, ngụ thôn Trung Nghĩa, xã Thạch Bằng, H.Lộc Hà) cũng chịu tình cảnh tương tự. Kể từ tháng 2 đến nay, con tàu trị giá gần 16 tỉ đồng hành nghề lưới rê vẫn neo ở cảng.
“Trong năm 2018, tôi ra khơi 25 chuyến thì lỗ đến 800 triệu đồng. Thua chuyến này tôi lại nuôi hy vọng chuyến sau, nhưng càng đi càng lỗ vốn. Trong khi đó, trung bình mỗi tháng phải đóng cho ngân hàng gần 100 triệu đồng. Tàu nằm bờ, không có tiền trả cho ngân hàng đúng hạn nên bị liệt vào nợ xấu”, ông lắc đầu ngao ngán. Ông Sinh mong nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các chủ tàu trong việc gia hạn tiền trả nợ ngân hàng và chuyển đổi nghề đánh bắt.

Loay hoay tìm hướng giúp ngư dân

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, toàn tỉnh có 11 tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 công suất từ 800 - 1.100 CV. Các chủ tàu đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng BIDV và Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (Agribank) tổng số tiền hơn 160 tỉ đồng. Thời gian gần đây, chỉ có 2 chủ tàu vẫn thường xuyên trả tiền đúng hạn cho ngân hàng, 9 chủ tàu còn lại liên tục trả tiền quá hạn, bị ngân hàng liệt vào nợ xấu. Tính đến tháng 12.2018, 9 chủ tàu nợ quá hạn với tổng số tiền nợ gốc và lãi phải trả là hơn 13,5 tỉ đồng.
Ông Bùi Đình Hải, chuyên viên Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT), cho biết nhìn chung tàu vỏ thép trên địa bàn tỉnh hầu hết đánh bắt chưa hiệu quả nên không có tiền trả ngân hàng. Nguyên nhân do chi phí vận hành khai thác, khấu hao của tàu vỏ thép lớn, trong khi trình độ kỹ thuật của chủ tàu và lao động trên tàu còn hạn chế. Ngoài ra, ngư trường đánh bắt không thuận lợi và nguồn lợi hải sản suy giảm nên ảnh hưởng đến hiệu quả đánh bắt.
Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Hải, năm 2018, Nghị định 17 sửa đổi, bổ sung một số điều ở Nghị định 67 cho phép chủ tàu cá hoạt động không hiệu quả có quyền chuyển nhượng lại tàu cho chủ khác có năng lực.
“Chúng tôi đang giao cho các huyện rà soát lại thực trạng hiệu quả hoạt động đánh bắt của các chủ tàu cá vỏ thép trên địa bàn. Nếu chủ tàu nào có nhu cầu trả tàu thì sẽ trình UBND tỉnh để thực hiện việc chuyển nhượng. Theo quy định, nếu chủ tàu nào muốn chuyển đổi phải có thiết kế cải hoán và được sự phê duyệt của Bộ NN-PTNT”, ông Hải nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.