Ngư dân sợ âu thuyền: Tình cảnh éo le

27/12/2015 07:46 GMT+7

Tình cảnh éo le của ngư dân Thừa Thiên-Huế đó là thuyền đi ngoài biển, âu nằm trong phá, luồng lạch bị cạn nên khi có bão nhiều tàu thuyền phải chạy vào Đà Nẵng để trú.

Tình cảnh éo le của ngư dân Thừa Thiên-Huế đó là thuyền đi ngoài biển, âu nằm trong phá, luồng lạch bị cạn nên khi có bão nhiều tàu thuyền phải chạy vào Đà Nẵng để trú.

Cảng cá phường 6 bị tê liệt do cát bồi lấp - Ảnh: Đức HuyCảng cá phường 6 bị tê liệt do cát bồi lấp - Ảnh: Đức Huy
Còn ở Phú Yên, có một cảng cá vừa là âu thuyền tránh trú bão, giờ đã thành bãi cát.
Bão, phải chạy vào Đà Nẵng trú
Theo quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Thừa Thiên-Huế có 4 khu neo đậu tránh trú bão (âu thuyền), gồm: Thuận An (quy mô 1.000 tàu); Cầu Hai (H.Phú Lộc, 420 tàu); Phú Hải (H.Phú Vang, 500 tàu); Tư Hiền (H.Phú Lộc, 300 tàu).
Ông Nguyễn Văn Nhuận, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Thừa Thiên-Huế, cho biết quy hoạch là vậy nhưng thực tế chỉ có âu thuyền Phú Hải là có chức năng tránh trú bão cho ngư dân, trong khi hiện tại toàn tỉnh có gần 3.000 tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản trên biển và hơn 3.500 tàu thuyền đầm phá các loại. Âu thuyền này được đầu tư xây dựng với kinh phí gần 35 tỉ đồng từ nguồn ngân sách T.Ư, hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2011. Theo thiết kế, âu thuyền có công suất neo đậu 500 tàu thuyền, nhưng do cửa vào ngay hướng gió đông bắc, luồng lạch bị bồi lấp, thiếu hệ thống phao neo và đê chắn sóng nên hiện tại chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 300 tàu thuyền.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, thuyền phó tàu TTH 95678 (xã Phú Hải, H.Phú Vang), hầu hết tàu thuyền ngư dân đánh bắt cá ngoài biển, nhưng các khu neo đậu đều nằm sâu trong đầm phá. “Âu thuyền Phú Hải này cũng nằm sâu trong phá Tam Giang, hiện tại lạch vào chỉ còn rộng 10 m, nhưng rất cạn, nên chỉ đi được 1 thuyền. Mà để vào được âu thuyền thì phải qua cửa Thuận An. Nhưng luồng lạch của cửa biển này vừa cạn lại luôn biến động, dịch chuyển, rất nguy hiểm. Bão dưới cấp 6 là chúng tôi vào được, còn bão từ cấp 6 trở lên chúng tôi đều phải chạy vào Đà Nẵng” - ông Sơn nói.
Cũng theo ông Nhuận, năm 2014, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp mở rộng cảng cá Thuận An với tổng mức đầu tư hơn 178 tỉ đồng, do Sở NN-PTNT tỉnh làm chủ đầu tư, thực hiện từ năm 2015 - 2018. Trong năm 2015, dự án được phân bổ vốn 14 tỉ đồng để phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư, nạo vét luồng lạch, san lấp mặt bằng, làm đường nội bộ và xây dựng một tuyến đê. Theo dự án, cảng Thuận An sau khi đầu tư nâng cấp kết hợp neo đậu tàu thuyền sẽ có tổng diện tích 24 ha, trong đó khu neo đậu tàu thuyền có công suất neo đậu cho 500 tàu thuyền, công suất 300 CV.
Trong khi cảng cá Thuận An đang được đầu tư nâng cấp, nên chưa thể có nơi cho tàu thuyền vào trú bão, cảng cá Tư Hiền cũng gặp phải tình trạng tương tự do trước đây khi đầu tư cảng chưa có các hạng mục hỗ trợ dịch vụ. Ngoài ra, còn do cửa biển Tư Hiền bị bồi lấp, luồng lạch bị cạn, tàu công suất lớn (trên 90 CV) không thể vào được nên dự án đã không phát huy hiệu quả. Thêm nữa, do chức năng là cảng cá nên hiện tại vẫn chưa có khu neo đậu tàu thuyền. Một bất cập khác là khu neo đậu đầm Cầu Hai (nằm ở xã Lộc Trì, trong đầm Cầu Hai) do UBND H.Phú Lộc làm chủ đầu tư, đến nay đã thực hiện được 50% hạng mục công trình. Tuy nhiên, do dự án nằm sâu trong đầm, luồng lạch cạn, nên hiện tại tàu thuyền cũng không thể vào được. Theo ông Nhuận, để khu neo đậu này phát huy hiệu quả, phải nạo vét luồng lạch rất dài và cần một khoản kinh phí rất lớn.
Theo danh mục các dự án đầu tư trung hạn (giai đoạn 2016 - 2020), cuối năm 2015, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phê duyệt bố trí vốn từ ngân sách T.Ư cho dự án nạo vét khẩn cấp cửa biển Tư Hiền với kinh phí 15 tỉ đồng; dự án chỉnh trị, ổn định cửa biển Tư Hiền, nâng cấp cảng cá Tư Hiền kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão với kinh phí 278 tỉ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn bố trí dự án sửa chữa, nâng cấp khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão xã Phú Thuận (diện tích 100 ha, kinh phí 89 tỉ đồng). Tuy nhiên, tất cả các dự án này đến nay vẫn chưa triển khai.
Cảng cá thành bãi cát
Cảng cá P.6, TP.Tuy Hòa (Phú Yên) vừa là âu thuyền tránh trú của tàu thuyền vào mùa mưa bão, vừa là nơi để ngư dân tiếp nguyên nhiên liệu và bán hải sản cho tư thương sau mỗi chuyến biển. Nhưng giờ, cảng cá đã thành bãi cát do thường xuyên bị bồi lấp.
Ông Cao Văn Lộc, nhân viên quản lý cảng cá P.6, cho biết: “Cảng cá bồi lấp hoàn toàn, cát bồi lấp từ chân cảng ra đến lòng sông 30 m. Không còn chỗ neo đậu nên tàu cá ngư dân muốn tiếp nhiên liệu, đá, thức ăn và bán cá thì phải vào các cảng cá khác”.
Ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá P.6, than vãn: “Mấy năm trước, cứ đến mùa lũ thì nước cuốn trôi các doi cát bồi lấp, trả lại lòng cảng thông thoáng. Nhưng 2 năm trở lại đây, hầu như trên sông Ba không còn lũ nên cảng cá mới bồi lấp như vậy”. Cũng chính vì cảng cá bị tê liệt nên ngư dân phải bất đắc dĩ sử dụng kè Bạch Đằng dọc theo hạ lưu sông Ba đoạn qua P.6, TP.Tuy Hòa để làm cảng cá tạm.
Vì sao chưa thể tiến hành nạo vét cát bồi lấp? Ông Phan Khánh, Trưởng phòng Nông nghiệp TP.Tuy Hòa, cho biết: “Thời tiết còn xấu, không đảm bảo cho phương tiện và người tiến hành hoạt động nạo vét. Khi nào thời tiết thuận lợi sẽ triển khai ngay. Đây chỉ là biện pháp tạm thời, còn lâu dài tỉnh đã có dự án chỉnh trị cửa sông Đà Diễn nhưng phải đợi hội đồng khoa học đánh giá dự án”. Trước bức xúc của ngư dân, ông Nguyễn Lương Sinh, Phó chủ tịch UBND TP.Tuy Hòa, cho biết: Các thủ tục nạo vét cửa biển, cảng cá bồi lấp đã hoàn tất thủ tục, chỉ chờ Bộ TN-MT phê duyệt đánh giá tác động môi trường thì sẽ triển khai ngay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.