Ngư dân và những mảng tối trên Vịnh Thái Lan

02/12/2015 09:56 GMT+7

Tôi băn khoăn đi tìm ông Trương Văn Ngữ, một chủ tàu có tiếng từng có tàu bị bắt và vừa là chủ tịch Hội nghề cá thành phố Rạch Giá. Thuyết phục mãi ông Ngữ mới chịu nói về những mảng tối ngoài khơi.

Đọc bài về ngư dân ở tù bên Thái Lan của Lam Yên, tôi nhớ đến những ngư dân thoát chết trong vụ Cảnh sát biển Thái Lan bắn 6 tàu cá Kiên Giang khiến 1 người tử vong hồi tháng 9.
Hôm đó là ngày 14.9, tại Đồn biên phòng Tây Yên, huyện An Biên, Kiên Giang, tôi mừng rơn khi gặp nhiều ngư dân bị Thái Lan bắt và thả sau khi bắn chết một ngư dân trên tàu cá khác. Mừng vì thấy họ an toàn và tôi sẽ có bài. 
Tôi bắt chuyện với Tuấn, chàng trai 25 tuổi, có 11 năm trong nghề đang ngồi trầm tư, nhìn ra biển. Tuấn kể mới tháng 2.2015 rồi, tàu Tuấn cũng bị rượt, một người bị bắn chết. 
Tuấn (là cậu áo kẻ) ngồi trầm ngâm lo lắng trên tàu cá sau khi thoát nạn trở về
Lâu hơn chút, khoảng 4 năm trước, Tuấn đã chứng kiến anh ruột mình chết vì bị dây neo tàu quấn kéo đập đầu vào mạn tàu rồi lôi xuống biển. Riêng Tuấn tính cả lần này thì đã bị bắt 3 lần. 
“Hai lần trước, chủ trả tiền chuộc là được thả. Còn lần này, họ chỉ thả khi đã bắn chết người ở tàu khác”. Người bị bắn chết mà Tuấn nói là anh Ngô Văn Sinh, lái tàu KG – 94059. (Vụ này, ai chưa biết thì có thể đọc ở đây nhé). 
Tại sao lại bắt, đòi tiền chuộc? Tại sao ngư dân không báo cơ quan chức năng can thiệp ngay? Tuấn lắc đầu, trầm ngâm một lúc rồi nói nhẹ: “Vì mình đang đánh bắt ở biển người ta, nếu báo sẽ còn bị biên phòng phạt thêm”. Cũng lúc ấy, biên phòng gọi Tuấn và anh em ngư dân lên lấy lời khai. 
Tôi băn khoăn đi tìm ông Trương Văn Ngữ, một chủ tàu có tiếng từng có tàu bị bắt và vừa là chủ tịch Hội nghề cá thành phố Rạch Giá. Thuyết phục mãi ông Ngữ mới chịu nói về những mảng tối ngoài khơi. Đầu tiên là những hợp đồng chui, gọi là “vé”  tháng giữa chủ tàu với lực lượng kiểm soát vùng biển nước ngoài. Mỗi “vé” giá từ 12.800 – 13.000 USD/tháng cho 1 cặp tàu. Thường khi có “vé”, tàu ngư dân mình sẽ được đánh bắt lấn vào vùng biển của họ khoảng 5 hải lý. Tuy nhiên, rủi ro rất cao vì là “hợp đồng miệng” và trái luật pháp. Vì vậy, khi bị bắt dù có “vé” hay không thì chủ tàu cũng thường “cắn răng” chung chi thay vì báo cơ quan chức năng. Chưa kể nếu lộ ra, họ còn bị phạt và mất luôn những ưu đãi theo Nghị định 67.
Cứ thế, rất nhiều cuộc bắt bớ và chuộc tàu diễn ra một cách âm thầm ngay trên biển. Chủ tàu đồng ý thì chuyển tiền qua một trung gian khác ở Việt Nam. Tiền đưa thì tàu thả, không thì giải về đất liền của họ để xử lý. Giá chuộc mỗi cặp tàu từ 3 – 9 tỉ đồng. Có chủ tàu vì xót tiền đã báo công an bắt đối tượng trung gian nhận tiền. Nhưng sau đó thì chủ tàu này cũng hết cửa làm ăn bởi chẳng ai bán “vé” cho nữa. 
Ông Ngữ nhẩm tính, 9 tháng đầu năm 2015, hơn 50 tàu cá ở tỉnh này bị bắt đòi tiền chuộc, nhưng thực tế có thể còn cao hơn.
Mỗi lần ra biển là mỗi lần ngư dân đối mặt với bao rủi ro
Tôi thắc mắc sang bên họ đánh bắt chi cho mệt, ông Ngữ ngao ngán bảo, ngư trường của mình khai thác nhiều quá tới mức cạn kiệt rồi, đi biển không chừng còn lỗ tiền dầu. Còn ngư dân ăn chia tỉ lệ với chủ tàu nên muốn chia tiền nhiều thì phải đánh bắt được nhiều.
Tôi hỏi có cách nào bớt khó cho ngư dân không. Ông Ngữ kể, hồi đó, ở Kiên Giang cũng rầm rộ vụ một công ty đứng ra môi giới mua ngư trường Indonesia để mình sang khai thác hợp pháp. Không ngờ, 4 tàu cùng 61 ngư dân vẫn bị bắt đòi chuộc (ông Ngữ là 1 trong 2 chủ tàu gặp nạn, mỗi người 2 tàu). Sau đó, ông Ngữ té ngửa khi biết tàu của mình bị công ty kia lừa bán cho một công ty khác ở Indonesia. Từ đó, không ai nhắc đến mua ngư trường nữa và cũng ít ai quan tâm đến ngư dân ra sao.
Nghe chuyện ông Ngữ nghĩ đến Tuấn và những ngư dân khác, cuộc đời họ chẳng khác nào canh bạc, hên xui. Chỉ vì miếng cơm, manh áo mà phải đánh cược nhiều thứ quá, thậm chí cả tính mạng. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.