Ngựa 'hiến máu' cứu người

04/03/2014 09:52 GMT+7

Năm 1896, khi bác sĩ A.Yersin thành lập trại chăn nuôi Suối Dầu (nằm ở xã Suối Cát, H.Cam Lâm, Khánh Hoà; nay thuộc Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế - Bộ Y tế), ngựa là động vật đầu tiên được nuôi tại đây nhằm lấy huyết thanh bào chế vắc xin phòng chống bệnh dịch hạch. Đến nay, huyết thanh từ ngựa còn được khai thác để bào chế nhiều loại vắc xin phục vụ con người.

Ngựa 'hiến máu' cứu người

Nhân viên lấy máu ngựa

Đàn ngựa tại trại chăn nuôi Suối Dầu hiện có 350 con. Theo Th.S Nguyễn Văn Minh, trưởng trại chăn nuôi Suối Dầu, ngựa ở đây được mua về từ nhiều nơi như: Gia Lai, Ninh Thuận, Phú Yên, Lâm Đồng… với những tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Những ngựa từ 4 - 7 tuổi, nặng 220 kg trở lên, khỏe mạnh sẽ được tuyển chọn để kiểm tra hằng số sinh lý máu nhằm đảm bảo khai thác huyết thanh hiệu quả. Số ngựa mới tuyển chọn sẽ được nuôi cách ly được trong vòng 3 - 6 tháng để kiểm tra định kỳ, sau đó mới cho nhập đàn ngựa chuẩn của trại. Trung bình mỗi năm trại sẽ bổ sung 80 - 100 con ngựa mới, đồng nghĩa với việc sẽ có chừng đó số ngựa “về hưu”.

Ngựa được chăm sóc, theo dõi đặc biệt. Trại chăn nuối Suối Dầu rộng 116 ha thì có 60 ha được sử dụng trồng cỏ và mía để phục vụ đàn ngựa. Các nhân viên chăm sóc ngựa không chỉ dọn vệ sinh chuồng, tắm ngựa, cho ngựa ăn mà còn vuốt ve, vỗ về ngựa để tạo sự thân thiện với con người. Th.S Nguyễn Văn Minh cho biết: “Mỗi ngựa đều có hồ sơ lý lịch rõ ràng, gồm số thứ tự, tuổi, trọng lượng, màu sắc, ngày nhập trại, nhật ký lấy máu, thậm chí cả tính cách của ngựa để khi lấy máu các nhân viên có cách ứng phó hợp lý. Sau khi tiêm, cũng có con bị sốt, các nhân viên phải chăm sóc, an ủi, cho ăn nhiều hơn. Con nào ăn không được, đi ngoài có vấn đề phải báo ngay cho cán bộ thú y”.

Ông Trần Văn Đền (54 tuổi, quê H.Diên Khánh, Khánh Hòa) là một trong số những người gắn bó với việc nuôi ngựa ở đây gần 25 năm. Con đường dẫn đến chuồng ngựa trở nên thân thuộc đến độ ông nhắm mắt vẫn có thể đi đến nơi và tưởng chừng mỗi chú ngựa được ông chăm sóc, ông đều nằm lòng từng nếp ăn, nếp ngủ của nó. Mặc bộ quần áo công nhân màu xanh còn đượm mùi ngựa, ông Đền luôn nở nụ cười tự hào như làm tan đi những vết nhăn vì tuổi tác. “Ở đây, mỗi người phụ trách chăm sóc 50 - 60 con ngựa. Ngựa được chăm sóc kỹ từ miếng ăn, giấc ngủ, nhưng chúng cũng thiệt thòi vì không được sinh sản. Khi phải chia tay những chú ngựa đã “hoàn thành nhiệm vụ”, phải ra đi để nhường chỗ cho ngựa trẻ, khỏe hơn là lúc người nuôi ngựa có nhiều cảm xúc rất khó diễn tả”, ông Đền chia sẻ.

Th.S Dương Hữu Thái - Phó viện trưởng Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) cho biết hiện nay các loại huyết thanh IVAC khai thác từ ngựa gồm: kháng độc tố uốn ván, kháng dại và kháng độc tố rắn (gồm rắn hổ đất, cạp nong, lục tre). Muốn có huyết thanh sản xuất các loại vắc xin, IVAC phải đưa kháng nguyên (độc tố uốn ván, vi rút dại, nọc rắn) vào cơ thể ngựa một liều thích hợp để cơ thể ngựa sinh ra một chất chống lại kháng nguyên đó. Khi máu ngựa có một lượng kháng thể đủ để tinh chế được vắc xin thì tiến hành lấy máu theo tỉ lệ 1,5% trọng lượng cơ thể ngựa. Trung bình mỗi ngựa sẽ được khai thác huyết thanh từ 3-5 năm, mỗi năm 9 lần. Sau khi lấy máu, các nhân viên sẽ chắt lấy huyết thanh (tỉ lệ huyết thanh trong máu ngựa chiếm 65%), hồng cầu sẽ được tiêm lại vào cơ thể ngựa. Với đàn ngựa hiện có, mỗi năm trại cung cấp từ 7.000 - 10.000 lít huyết thanh thô cho IVAC để tinh chế, sản xuất vắc xin nhằm phục vụ nhân dân.

Nguyễn Chung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.