Azerbaijan bắt đầu chiến dịch "chống khủng bố" vào ngày 19.9 sau khi một số binh sĩ nước này thiệt mạng trong một vụ tấn công mà theo chính quyền Baku là xuất phát từ quân ly khai ở Nagorno-Karabakh. Đây là vùng đất được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan nhưng đa số dân là người gốc Armenia, với chính quyền riêng và nhận được sự hậu thuẫn của chính quyền Armenia.
Xung đột leo thang nhanh chóng
Ông Nikol Pashinyan, Thủ tướng Armenia, cho biết quân đội Azerbaijan ngày 20.9 đã pháo kích dữ dội vào Stepanakert, thành phố chính của Nagorno-Karabakh, mà theo ông với ý đồ kích động chiến tranh. Nhà lãnh đạo yêu cầu lực lượng gìn giữ hòa bình Nga hãy thực hiện phận sự, trong khi cảnh báo nguy cơ binh biến nhằm vào Yerevan.
Phe ly khai Armenia ở Nagorno-Karabakh đồng ý ngừng bắn
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Azerbaijan tuyên bố quân đội nước này "tiếp tục triển khai thành công" hoạt động chống khủng bố ở Nagorno-Karabakh. Quân đội của chính quyền Baku cho hay đã vô hiệu hóa các vị trí chiến đấu, phương tiện quân sự, pháo binh và những bệ phóng tên lửa phòng không, các trạm tác chiến vô tuyến-điện tử và khí tài khác thuộc về Armenia. Tuy nhiên, chính quyền Yerevan khẳng định Nagorno-Karabakh không có lực lượng quân đội chính quy của Armenia.
Theo số liệu của Armenia, hơn 30 người thiệt mạng và ít nhất 200 người bị thương trong chưa đầy 24 giờ kể từ khi Azerbaijan phát động chiến dịch quân sự. Về phần mình, ông Ruben Vardanyan, cựu quan chức chính quyền của người thiểu số Armenia ở Nagorno-Karabakh, nói rằng đã có hàng trăm người bị thương và gần 100 người tử vong.
Bộ Quốc phòng Nga thông báo lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã sơ tán hơn 2.000 dân thường, bao gồm hơn 1.000 trẻ em, khỏi "những khu vực nguy hiểm nhất" của Nagorno-Karabakh, theo TASS.
Thỏa thuận ngừng bắn
Trong lúc tình hình leo thang nhanh chóng, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã điện đàm thúc giục Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev hãy lập tức "ngừng ngay các hành động thù địch" ở Nagorno-Karabakh. Ông Blinken cũng nhấn mạnh Washington ủng hộ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Armenia. Tuy nhiên, Tổng thống Aliyev cho biết chỉ chấm dứt chiến dịch chống khủng bố nếu lực lượng ly khai hạ vũ khí, AFP đưa tin.
Đến chiều qua, lực lượng ly khai của "Cộng hòa Artsakh", vốn kiểm soát cả thủ phủ Stepanakert ở Nagorno-Karabakh, tuyên bố ngừng bắn và hạ vũ khí từ 16 giờ hôm 20.9. "Thông qua vai trò trung gian của bộ chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở Nagorno-Karabakh, hai bên đã nhất trí ngừng mọi hành động thù địch từ 13 giờ ngày 20.9 (giờ địa phương, 16 giờ cùng ngày theo giờ VN)", Reuters dẫn thông tin từ lực lượng này.
Trước khi hạ vũ khí, phía "Cộng hòa Artsakh" cho biết quân đội Azerbaijan đã chọc thủng các phòng tuyến của lực lượng này và chiếm một loạt các cứ điểm trên cao, cũng như những giao lộ chiến lược của khu vực.
Bộ Quốc phòng Azerbaijan cũng xác nhận thông tin về lệnh ngừng bắn. Theo bộ này, lực lượng Armenia ở Nagorno-Karabakh đồng ý "hạ vũ khí, từ bỏ các vị trí chiến đấu và cứ điểm quân sự và giải giới lực lượng tại địa phương". Toàn bộ vũ khí và khí tài được chuyển giao cho quân đội Azerbaijan.
Cuộc gặp đầu tiên nhằm thảo luận nội dung ngừng bắn giữa giới hữu trách Nagorno-Karabakh và Azerbaijan diễn ra ở TP.Yevlakh (Azerbaijan) ngày 21.9. Trong quá trình này, lực lượng gìn giữ hòa bình Nga vẫn tiếp tục duy trì trật tự cho Nagorno-Karabakh, theo Bộ Quốc phòng Nga.
Armenia và Mỹ diễn tập quân sự
Reuters dẫn lời một phát ngôn viên không nêu tên của quân đội Mỹ cho biết cuộc tập trận chung giữa nước này với lực lượng Armenia vẫn được triển khai như dự kiến không bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh. Cuộc diễn tập chung có tên Đối tác Đại bàng 2023, kéo dài từ ngày 11-20.9 tại hai khu huấn luyện gần thủ đô Yerevan. Nội dung của cuộc diễn tập nhằm chuẩn bị cho Armenia tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình, và điều này được cho là đã "chọc giận" Nga. Moscow hiện duy trì căn cứ quân sự ở Armenia và có lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nagorno-Karabakh. Đầu năm nay, Armenia từ chối tổ chức cuộc tập trận của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), liên minh do Nga dẫn đầu và bao gồm các thành viên cũ của Liên Xô.
Bình luận (0)