Theo lịch sử ghi lại, vào giai đoạn cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp cho xây dựng, mở mang các tuyến đường với tên gọi là "đường thuộc địa" (nay là quốc lộ 1). Đến năm 1919, để khai thác tài nguyên ở vùng Trung Lào, Pháp tiếp tục cho xây dựng tuyến đường sắt từ ga Tân Ấp (xã Hương Hóa, H.Tuyên Hóa, Quảng Bình) kéo dài đến biên giới Việt - Lào với tổng chiều dài gần 70 km.
Theo thời gian, mọi thứ đã thay đổi. Nhiều dấu tích của tuyến đường sắt khi xưa vẫn còn sót lại. Có nơi là cột trụ cho tàu đi qua nay đã đổ nát, rêu phong. Có nơi trước đây là nền sân ga, nay được người dân tận dụng để làm nhà...
Từng trải nghiệm chuyến tàu được mệnh danh là "không trung thiết lộ" này, cụ Hoàng Tài (năm nay 93 tuổi, xã Thanh Hóa, H.Tuyên Hóa) vẫn còn nhớ nhiều câu chuyện của những ngày tuyến đường sắt còn hoạt động.
"Nó được mệnh danh là không trung thiết lộ bởi Pháp xây rất quy mô, bên cạnh những tuyến đường sắt trên đất họ còn xây thêm một đoạn cáp treo để vượt núi, vận chuyển hàng hóa. Tôi từng có một lần trải nghiệm chuyến tàu này đi từ ga Tân Ấp đến xóm Cục", cụ Tài nhớ lại.
Thời trai trẻ, cụ Tài là một chiến sĩ công an địa phương nên đã có dịp chứng kiến tuyến đường sắt hoạt động đêm ngày. Đến nay, tại xã Thanh Hóa, không còn nhiều người được sống cùng thời và nhớ về những câu chuyện liên quan đến tuyến đường sắt này.
"Tôi không nhớ tàu dài bao nhiêu, nhưng nhớ là đầu kéo rất đẹp và được vận hành bằng than. Đến năm 1945, khi người dân giành được chính quyền đã cho phá bỏ đi nhiều công trình trên tuyến đường. Qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng ta tận dụng một số nơi để làm nơi cất giữ lương thực, quân nhu", cụ Tài kể tiếp.
Tuyến đường sắt dài gần 70 km đi qua nhiều cầu cống và đường hầm, đặc biệt nhất là hầm đường sắt Thanh Lạng (xã Thanh Hóa) có chiều dài 383 m, cao 4,5 m, rộng 4 m. Sau khi tuyến đường sắt hoàn toàn dừng hoạt động, hầm Thanh Lạng trở thành một địa điểm để cất giữ vũ khí, đạn dược, lương thực...
Theo tài liệu lịch sử ghi lại, khi đế quốc Mỹ biết được hầm Thanh Lạng là nơi cất giữ nguồn lương thực đã liên tục tổ chức nhiều đợt bắn phá bằng không quân. Ngày 20.8.1968, máy bay Mỹ đã đánh sập một đoạn dài 10 m ở phía cửa hầm.
Đến nay, những dấu tích về "không trung thiết lộ" vẫn còn sót lại phần lớn trên địa bàn 2 xã Thanh Hóa và Lâm Hóa (H.Tuyên Hóa). Trong đó, tập trung chủ yếu tại xã Thanh Hóa với hầm đường sắt Thanh Lạng, trụ bê tông... Ngoài ra, còn có một số hạng mục khác tại Bãi Dinh, La Trọng thuộc H.Minh Hóa.
Bình luận (0)