Người 30 năm đoán chính xác bầu cử tổng thống Mỹ chọn ông Trump

25/09/2016 14:00 GMT+7

Những người ủng hộ ứng viên tổng thống Donald Trump có thể yên tâm phần nào khi nhận “lá phiếu” đặc biệt từ giáo sư Allan Lichtman, người hơn 30 năm đoán chính xác tổng thống Mỹ đắc cử.

Từ năm 1984 tới nay, ông Allan Lichtman, giáo sư tại Đại học American ở thủ đô Washington đã dự đoán chính xác mọi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Và trong cuộc bầu cử khó đoán năm nay, người được ông chọn là Donald Trump.

Những dự đoán của ông Lichtman không hề dựa trên những kết quả thăm dò, không dựa vào nhân khẩu học ở các bang và càng không mang định kiến cá nhân. Thay vào đó, ông thiết lập một hệ thống mệnh đề đúng/sai, đặt tên là “Chìa khóa vào Nhà Trắng” để đưa ra lựa chọn, theo The Washington Post ngày 23.9.

tin liên quan

Lý do Donald Trump có thể thắng Hillary Clinton

Ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump đang nắm giữ một số lợi thế để thực hiện cuộc “lội ngược dòng” trước đối thủ Hillary Clinton bên đảng Dân chủ, theo CNN.

Ông Lichtman, giáo sư sử học chính trị 69 tuổi, cũng giải thích về sự lựa chọn của mình trong quyển sách “Dự đoán Tổng thống kế tiếp: Chìa khóa vào Nhà Trắng 2016”.

Chìa khóa vào Nhà Trắng là một hệ thống dự đoán dựa trên lịch sử. Tôi khởi nguồn hệ thống này bằng việc quan sát mọi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ từ năm 1860 đến 1980, và từ đó dùng công cụ này để đoán chính xác cả 8 kỳ bầu cử từ năm 1984 đến 2012”, Giáo sự Lichtman nói với mục blog chính trị The Fix của The Washington Post.

Theo lý giải của giáo sư Lichtman, hệ thống ấy gồm 13 câu hỏi đúng/sai, và cái “đúng” luôn ủng hộ khả năng tái đắc cử của đại diện đảng cầm quyền đương nhiệm. Theo ông, đây là năm khó đoán nhất, dù mệnh đề “đúng” đang thuộc về đảng Dân chủ của Tổng thống Barack Obama và ứng viên Hillary Clinton.

Giáo sư sử học chính trị Allan Lichtman là người đoán chính xác cả 8 cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong suốt 32 năm qua AFP

Tất cả các điểm mấu chốt nhất đều phản ảnh lý thuyết cơ bản rằng các cuộc bầu cử tổng thống đều ưu tiên đánh giá hiệu suất làm việc của đảng cầm quyền. Nếu 6 hoặc hơn 13 câu “sai”, đại diện của đảng cầm quyền sẽ thua. Ngược lại nếu ít hơn 6/13 câu “sai”, ứng viên của đảng đó sẽ thắng.

Khi được hỏi về việc liệu có thể đánh giá đảng Dân chủ sẽ chắc ăn năm nay hay không, nếu dựa vào thực tế tỉ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống đương nhiệm Obama là 58%, giáo sư Lichtman không đồng tình. Ông cho rằng lý thuyết ấy phải xét đến chuyện ông Obama hay bất kỳ người đương nhiệm nào có tiếp tục tranh cử hay không, và ông ta có sức hút cỡ nào. Trên thực tế, ông Obama không thể tranh cử năm nay, trong khi bà Clinton, theo ông Lichtman là không có sức hút.

Ngược lại khi nhắc đến ông Donald Trump, giáo sư Lichtman lại cho rằng ứng viên đảng Cộng hòa này là trường hợp khó đoán nhất từ năm 1984. Theo ông Litchtman, ông Trump đi ngược lại hoàn toàn với những chính trị gia tranh cử trong lịch sử Mỹ, với một phong cách lạ lẫm là biến bản thân trở nên thu hút bằng những câu chuyện... của người khác, đơn cử trường hợp kích động bà Clinton nói về chuyện nơi sinh của tổng thống Obama. Ngoài ra, ông Trump cũng là người đầu tiên mời thế lực bên ngoài vào can thiệp bầu cử Mỹ (?), như lần “mời” tin tặc Nga tấn công email của bà Clinton, hay tạo ra một hình ảnh nước Mỹ khép kín, độc tài trong quan hệ ngoại giao...

Tuy nhiên, dựa vào tính đúng/sai của 13 câu hỏi thuộc hệ thống dự đoán, Lichtman cho rằng ông Trump chính là người sẽ thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Đơn giản, đảng Dân chủ của bà Clinton lúc này đã ít nhất chắc chắn “sai” 5/13 câu.

Câu 1 nói về uy tín của đảng cầm quyền và những gì họ thể hiện ở cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, đảng Dân chủ đã không cho thấy sự gia tăng trong Hạ viện.

Câu số 3, Tổng thống đương nhiệm Obama không tái tranh cử. Câu số 7, không có thay đổi nào trong chính sách lớn ở nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama. Câu số 11, không thành công trong những chính sách đối ngoại chủ yếu. Và câu 12, bà Hillary Clinton không phải là một Franklin Roosevelt, theo ông Lichtman.

Giáo sư Lichtman cho rằng bà Clinton không được lòng cử tri như ông Barack Obama, dù uy tín của ông Obama và đảng Dân chủ có cao đi nữa Reuters

Ngoài ra, ông Lichtman cũng lập luận rằng trong quy tắc của mình, đảng cầm quyền sẽ bị thêm một câu “sai” nếu ứng viên của đảng thứ ba nhận hơn 5% phiếu ủng hộ. Trong trường hợp năm nay, Gary Johnson của đảng Tự do có lúc đạt tỉ lệ ủng hộ 12-14%, điều này đồng nghĩa nhiều khả năng đảng Dân chủ của bà Clinton sẽ dính thêm một điểm “sai” nữa.

Cuối cùng, tương tự lập luận của nhiều chuyên gia về cuộc bầu cử năm nay, nếu ông Trump không thể thắng đi nữa, thì bà Clinton vẫn có thể tự thua. Riêng ông Lichtman, ký ức về cuộc bầu cử đầu tiên của ông vào năm 1968 vẫn hiển hiện: Nhiều người bạn của ông ở thế hệ trẻ theo chủ nghĩa tự do, đã không bầu cho Hubert Humphrey chỉ vì ông là một phó tổng thống của đảng cầm quyền Dân chủ, và họ bầu cho Richard Nixon bên đảng Cộng hòa.
13 mệnh đề trong hệ thống dự đoán của giáo sư Lichtman

- Mức độ tin tưởng của cầm quyền: Sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, đảng cầm quyền giữ số ghế ở Hạ viện nhiều hơn cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ trước đó hay không

- Tranh cãi: Không có tranh cãi nào nghiêm trọng trong sự đề cử của đảng cầm quyền

- Đảng cầm quyền: Ứng viên của đảng cầm quyền tiếp tục tranh cử tổng thống

- Đảng thứ ba: Không có đảng thứ ba hoặc ứng viên độc lập nào đáng kể

-Kinh tế ngắn hạn: Nền kinh tế không bị suy thoái trong thời gian diễn ra tranh cử

- Kinh tế dài hạn: Tăng trưởng kinh tế bình quân trong nhiệm kỳ này cân bằng hoặc cao hơn so với hai nhiệm kỳ trước

- Thay đổi chính sách: Đảng cầm quyền tác động đến những thay đổi lớn trong chính sách quốc gia

- Bất ổn xã hội: Không có bất ổn xã hội nào diễn ra dai dẳng trong nhiệm kỳ này

- Bê bối: Chính quyền đương nhiệm gặp bê bối dai dẳng

- Thất bại về ngoại giao/quân sự: Đảng cầm quyền không gặp thất bại lớn nào về quan hệ đối ngoại và quân sự

- Thành công về ngoại giao/quân sự: Đảng cầm quyền đạt thành tựu lớn về ngoại giao và quân sự

- Sức hút của chính quyền đương nhiệm: Ứng viên của đảng cầm quyền đang là người hùng dân tộc hoặc có sức hút lớn trong nước

- Sức hút của đảng đối lập: Ứng viên của đảng đối lập không phải là người có sức hút, hoặc không phải là người hùng dân tộc

* Nếu các mệnh đề này bị đánh giá “sai” từ 6 câu trở lên, đại diện của đảng cầm quyền sẽ thua cuộc. Nếu ít hơn 6 câu “sai”, ứng viên của đảng cầm quyền thắng cuộc, theo thang đo của ông Lichtman.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.