Trận gặp Đức, họ thể hiện rất rõ đặc điểm này. Mãi đến vòng bán kết, Anh mới bị thủng lưới lần đầu tiên, cũng là bàn thua duy nhất tính đến lúc này.
Ý thì quá đáng gờm, như mọi người đã thấy. Vả lại, trận chung kết EURO 2020 có tầm quan trọng mang tính lịch sử, nên chắc chắn “Tam sư” sẽ càng cẩn thận. Ý dĩ nhiên cũng không ham hố trình diễn, không cần tấn công ào ạt. Azzurri không bao giờ là như vậy. Thế nên, xác suất đá luân lưu 11 m của trận chung kết EURO 2020 là rất cao.
Tiện thể, cũng nên nhớ lại chút lịch sử thú vị. Trận đấu đầu tiên ở hai giải bóng đá lớn (EURO, World Cup) phải phân cao thấp bằng loạt sút luân lưu 11 m, cũng chính là một trận chung kết EURO. Đấy là vào năm 1976, với cú sút quyết định nổi tiếng đến tận bây giờ: “cú Panenka”, của cầu thủ Tiệp Khắc Antonin Panenka.
Tiệp Khắc đoạt được danh hiệu vô địch quan trọng duy nhất xưa nay không chỉ nhờ tài sút 11 m. Họ còn để lại cho đời “cú Panenka” huyền thoại. Khi ấy, Đức là đội thua. Và kể từ đó, không bao giờ người Đức thua trên chấm 11 m luân lưu nữa. Vì từ sau cái thua quá “đau” ấy, người Đức luôn tập và chuẩn bị rất công phu, để dự phòng những lúc phải đá luân lưu về sau.
Xin nhắc lại. Nếu không thua trong màn đấu súng năm xưa, thì Đức đã có kỳ tích 3 lần liên tiếp vô địch EURO (1972, 1976, 1980) rồi. Ở tuổi 24, người sút hỏng duy nhất bên phía Đức là Uli Hoeness từ đó không bao giờ xuất hiện trong màu áo Mannschaft nữa.
Thế còn người Ý? Ngôi sao Roberto Baggio sút hỏng quả luân lưu 11 m khiến Ý thua Brazil trong trận chung kết World Cup 1994. Sáng hôm sau, trẻ con Ý vẽ hình Baggio trên vỉa hè, ghi tên anh vào đấy rồi chà đạp và phun nước bọt. Huyền thoại Baggio thì ai cũng biết. Nhưng cái trọng tội kia thì không thể tha thứ, đâu ra đấy! Chỉ có một lần khác trận chung kết World Cup phải phân cao thấp bằng loạt luân lưu 11 m. Đó là năm 2006. Ý gặp Pháp. Và Ý… đâu thể thua lần nữa.
Người Anh thì chẳng bao giờ xem việc đá hỏng 11 m là một cái tội. Lạ hơn, họ cũng chẳng bao giờ kết tội những cầu thủ mắc lỗi cá nhân dẫn đến bàn thua. Tóm lại, ở cái nền bóng đá được xem là số 1 về tinh thần fair-play ấy, có khi cầu thủ sút hỏng 11 m hoặc tự chuyền bóng vào lưới nhà lại… càng nổi tiếng. Vì trước tiên, họ phải được bênh vực, che chở, tha thứ. HLV sẽ nói những điều tốt đẹp nhất có thể về họ. Đại khái đấy là cầu thủ vĩ đại, ngoài cái “tai nạn” vừa xảy ra, mà suy cho cùng thì ai cũng có thể mắc phải. Và cứ thế, những kẻ “tội đồ” trong làng bóng Anh chẳng bao giờ áy náy, tìm cách sửa mình.
Đội Anh cũng đã từng thắng luân lưu, nhưng đấy là chuyện hiếm hoi. Vấn đề ở đây: đá luân lưu 11 m là nhược điểm muôn thuở của bóng đá Anh. Và đấy là câu chuyện có nguyên nhân chứ không phải “lời nguyền” hay “số phận” gì.
Bình luận (0)