Người 'bám dính' nghiệp vận động đọc sách

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
14/04/2019 06:53 GMT+7

Trở về từ Nhật Bản, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương không từ chối bất cứ việc gì, ở đâu, miễn là có thể qua đó vận động người dân đọc sách.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương trải một tấm ni lông xuống đất ở chợ quê mình (Bắc Giang), xung quanh tíu tít người mua rau, mua thịt, mua giò để bán sách. Ngày Tết Kỷ Hợi vừa qua của ông là thế. Anh mong muốn sẽ có nhiều người mua sách khi sắm tết.
“Khi về quê tôi thấy người dân không quan tâm văn hóa đọc. Chợ bán nhiều thứ nhưng không có sách. Tôi mang sách ra đấy bán, cũng để đo phản ứng trong gia đình. Nhiều người bảo mình hâm, thần kinh. Nhưng mấy ngày bán sách cũng thấy có biến chuyển, trẻ em đến xem, rồi bán được 10 - 15 cuốn. Có nhiều người hỏi sách nấu ăn, sách tín ngưỡng, nhưng tôi không có. Như vậy, ít nhiều họ bắt đầu muốn tìm hiểu”, anh nhớ lại khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên.

Phân hóa rõ văn hóa đọc

Thực trạng đọc sách ở VN hiện nay thế nào?
Vấn đề lớn nhất là làm sao cho càng nhiều người hiểu việc đọc là cần thiết càng tốt. Những người hiểu thì đã hiểu rồi, họ không đặt câu hỏi đọc sách để làm gì. Nhưng có những người khi được hỏi anh chị có đọc sách không, anh chị có mua sách không, anh chị có mua sách cho con không thì người ta sẽ hỏi lại mình làm thế để làm gì, đọc sách có mang lại cơm áo gạo tiền hay giúp con tôi vào trường chuyên lớp chọn, đỗ đại học không. Tức là nhận thức về đọc sách bị vênh rất lớn.
Anh có thể nói rõ thêm về hiện trạng này?
Nhìn vào lịch sử cũng là như thế, việc đọc sách ở VN chưa bao giờ là việc của số đông. Chỉ 5% dân số biết chữ năm 1945. Cứ cho là cả 5% biết chữ đó đều đọc sách đi thì chỉ có 5% đọc sách thôi. Một đất nước chỉ có 5% dân số đọc sách thì đó là bi kịch, có thể coi là một dân tộc mù chữ còn gì. Chỉ có 5% đọc sách thì nguy cơ là 5 người nói có 95 người còn lại không hiểu.
Đầu thế kỷ 20, chúng ta có ông Nguyễn Văn Vĩnh, ông Phạm Quỳnh và nhiều trí thức viết về những điều rất hay, đến giờ vẫn còn giá trị nhưng người ta phải đọc người ta mới chịu ảnh hưởng. Nhưng đọc còn phải hiểu vì không phải ai đọc cũng có khả năng hiểu. Muốn hiểu thì phải có nền tảng, nền tảng đó phải xây dựng từ việc đọc sách. Không nên lẫn lộn hai việc đó. Biết chữ mà không biết đọc thì chỉ đọc được âm lên thôi mà không hiểu nghĩa của nó, không có khả năng hiểu văn bản. Những người muốn có khả năng đọc hiểu tốt phải rèn luyện đọc nhiều thể loại phong phú.
Người 'bám dính' nghiệp vận động đọc sách1
Nguyễn Quốc Vương trong một buổi giao lưu giới thiệu sách

Đọc là chuyện rất lớn của dân tộc

Thế theo anh, người VN giờ đọc những gì?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương sinh năm 1982 tại H.Tân Yên, Bắc Giang; là dịch giả và nhà nghiên cứu tự do, cố vấn về sách cho Công ty sách Quảng Văn. Từng du học 8 năm tại Nhật Bản, đã dịch và xuất bản gần 50 cuốn sách về giáo dục, văn hóa, trong đó có: Giáo dục VN học gì từ Nhật Bản, Môn Sử không chán như em tưởng, Phẩm cách quốc gia, Đi tìm triết lý giáo dục VN, Phẩm cách phụ nữ, Hướng dẫn học tập môn xã hội... Anh cũng hoạt động trong tư cách là diễn giả về chủ đề giáo dục và khuyến học.
Có thể thấy bằng bình dân học vụ, bằng giáo dục phổ thông, chúng ta có 95% dân số biết chữ - một con số rất lớn. Nhưng do hậu quả lịch sử, nhiều người VN biết chữ mà không đọc sách. Họ chỉ đọc văn bản hành chính liên quan đến mình và sách giáo khoa. Tuy nhiên để hiểu biết về thế giới hiện thực thì sách giáo khoa là không thể đủ. Như vậy lại là vấn đề thứ hai, 95% dân số biết chữ nhưng không phải ai cũng biết đọc. Biết chữ là tiền đề thứ nhất để phát triển văn hóa đọc. Biết đọc là tiền đề thứ hai. Vậy, ta phải làm thế nào để người biết chữ đọc sách, chứ không phải chỉ là một nhóm nhỏ.
Anh nhận định như thế nào về việc đọc của cha ông trước đây so với hiện nay?
Lịch sử dân tộc cho thấy có những cuộc mở rộng phạm vi đọc. Trước tiên là đọc sách Trung Quốc, sau đó là đọc sách Pháp, đọc sách của người Việt viết và sách của thế giới. Chủ thể đọc trước đó chỉ là người đi thi và giới tinh hoa, sau đó mở rộng ra là trung lưu thành thị, giờ cần mở rộng ra nữa là bình dân thành thị và người sống ở nông thôn. Phải làm sao để người dân có năng lực đọc hiểu và có thói quen đọc thì những cái tốt mới lan tỏa trong đời sống dân chúng.
Chúng ta đang thấy chuyện người dân biết chữ nhưng không đọc sách. Nhưng cũng có chuyện người nông dân có nhiều phát minh sáng chế, trong khi còn nhiều nhà nghiên cứu lại không phát minh ra điều gì nhiều nhặn lắm?
Người nông dân có thể ít học trong trường, nhưng họ có phát minh sáng chế, thì thứ nhất phải ghi nhận sự say mê của họ. Thứ hai là họ có năng khiếu liên quan cái đó. Nhưng điều quan trọng hơn, với tố chất đó, với sự say mê đó, mà họ được học hành bài bản, có tài liệu và là người ham mê đọc sách thì phát minh sáng chế của họ không chỉ là cải tiến ứng dụng trong phạm vi nhỏ. Nó có thể trở thành sản phẩm được quốc tế công nhận, ảnh hưởng tới cộng đồng lớn hơn.
Người 'bám dính' nghiệp vận động đọc sách2
Nguyễn Quốc Vương (trái) và tác giả Nhật Bản Ishikawa Koji giới thiệu về truyện tranh Nhật
Vậy theo anh có cần ngợi ca chuyện đó?
Phát minh sáng chế phải luôn là đỉnh cao có tính tiên phong. Vì thế, nếu không đọc sách chúng ta thậm chí còn không biết mình đứng ở đâu trên con đường đó. Không nên ca ngợi người nông dân thuần túy như vậy mà lẽ ra phải tạo điều kiện cho họ có phát minh sáng chế tốt hơn. Tại sao không tạo điều kiện cho họ học để có thể phát triển hơn. Để chế tạo một cái máy, kinh nghiệm cũng tốt nhưng nếu không học cơ chế động lực, thì liệu tiêu chuẩn an toàn có đảm bảo không, tiêu chuẩn môi trường có ổn không. Hay ta chỉ tạo lại cái thế giới đã làm từ lâu rồi? Nông dân sáng chế máy gặt, nhưng máy đó có “ăn” được máy gặt của Nhật không, có được cấp bằng sáng chế không, có được thế giới công nhận không. Câu chuyện nằm ở đấy.
Chắc cũng sẽ có người nói với anh, đầy người không đọc sách mà vẫn giàu phải không?
Đúng thế, nhiều người nói với tôi, có người không đọc sách gì cả vẫn giàu. Tôi nói, nếu nghĩ thế là sai lầm. Tôi thường bảo nếu họ - người đó có học, có đọc sách họ còn giàu hơn nữa, có tầm và tâm hơn nữa. Những người giàu nhất hiện nay trên thế giới đó là những người có tài sản liên tục sinh sôi, trong khi những người giàu ở mình tài sản của họ thường gắn với bất động sản. Bất động sản khó tạo ra giá trị gia tăng lớn, và khi gặp biến động có thể mất đi giá trị. Như vậy, những người đã có tài năng thiên bẩm hoặc may mắn mà có học, có đọc thì họ còn thành công hơn nữa chứ.
Nhiều người đang nhìn câu chuyện giàu chỉ là kiếm tiền thôi. Nhưng các doanh nhân lớn trên thế giới sau khi có tiền đều dùng tiền để tạo ra một giá trị nào đó ngoài tiền. Chẳng hạn, họ xây thư viện, họ đầu tư vào trường học, nghiên cứu y học… Giá trị tiền họ tạo ra là bất tử còn nếu chỉ dừng lại ở kiếm tiền thì là mức cực kỳ sơ khai trên thế giới.
Anh có đơn cử trường hợp nào không?
Ông chủ Honda xuất thân là thợ cơ khí trong xưởng máy. Trong quá trình làm việc, ông tự học và có nhiều phát minh sáng chế. Bản thân ông ấy cũng nói nếu được học cơ bản thì còn thành công hơn nữa. Ông chủ Panasonic chỉ học hết tiểu học, sau đó ông mở ra trường đại học tư. Ông còn làm sách, mở nhà xuất bản. Ông cũng muốn mở con đường thuận lợi cho những người khác đi xa hơn nhiều. Câu chuyện của họ là như thế.
Để sống như một con người thì chỉ tiền không thôi là chưa đủ. Bởi nhà giàu cũng khóc. Khi có tiền cũng vẫn phải dạy con, phải sống với đồng nghiệp, phải đối mặt với cái chết. Và những thứ đó khi không có học người ta không thể suy nghĩ sâu sắc được. Không đọc thì đời sống tinh thần không thể phong phú được. Đấy là lý do văn hóa đọc luôn gắn với tầng lớp tinh hoa, tầng lớp thượng lưu, với những người sáng tạo giá trị mới.
Anh nói nhiều người hỏi đọc sách thì con có vào được trường chuyên lớp chọn hay không. Thế ở trường chuyên lớp chọn, việc đọc đang như thế nào?
Có một thực tế, trong trường học, tình trạng giáo viên và học sinh không đọc sách rất nhiều. Lý do rất đơn giản, nếu người ta chỉ chú ý đến việc học để thi thì hiệu quả nhất là đọc sách giáo khoa và sách bài tập vì làm thế sẽ dễ đạt mục đích thi đỗ. Còn nếu để khai mở trí tuệ và phát triển tư duy thì phải đọc nhiều, để có lựa chọn và phê phán. Nếu học kiểu luyện thi thì chỉ đọc những cái liên quan đến thi và tập trung vào cái đó. Nên có chuyện sáng học ở trường, chiều học nhà cô, tối luyện thi chỉ đọc những thứ để thi. Như thế, đọc ông Tô Hoài sẽ chỉ đọc Vợ chồng A Phủ, không cần đọc cái gì khác của Tô Hoài nữa. Như vậy, cả trò cả thầy đều không đọc. Thầy đọc thiết kế bài giảng và sách để dạy tốt, trò đọc sách tham khảo để thi. Hết.
Anh còn thấy điều gì nghịch lý nữa?
Thư viện chỉ để trưng bày sách, trong khi đáng lẽ nó phải là trung tâm đọc nhiều nhất. Có những nơi đầu tư rất nhiều nhưng không đầu tư thư viện. Nhiều nơi đầy người có tâm xung phong đến làm chương trình về đọc sách thì trường lại hờ hững hoặc từ chối. Họ quan niệm đọc và học là hai cái tách rời. Trong khi, đố ai tìm được trên thế giới một đất nước nào không có nền tảng văn hóa đọc mà lại có các nhà khoa học tiên tiến, hay có đất nước nào có GDP tốt mà người dân không đọc sách.
Xin cảm ơn anh!
Là trí thức trẻ, nhiệt huyết với giáo dục ở VN
TS Phạm Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Ảnh: NVCC
Quốc Vương là trí thức trẻ, nhiệt huyết với giáo dục ở VN. Từ nhiệt huyết của bản thân, Vương tương tác với tri thức bên ngoài, đặc biệt học ở Nhật, Vương đã viết rất nhiều sách về giáo dục trong xã hội đương đại. Đều là sách tốt, có ý nghĩa thiết thực. Vương nhiều lần nói về những bài học giáo dục ở Nhật Bản. Những yêu cầu về hình mẫu giáo dục, các quy chuẩn, thì con người đều làm được. Các nước làm được thì VN cũng làm được. Chỉ là nhanh hay chậm. Và đương nhiên, cũng như các vấn đề văn hóa, kinh tế, xã hội, chúng ta sẽ nhìn thấy ngày càng văn minh hơn, tốt đẹp hơn! Vương cũng như tất cả mọi người đang góp phần làm việc đó! Nhật, cũng như các nước phát triển như Hàn Quốc, Mỹ, Singapore... làm được thì mình cũng làm được!
TS Phạm Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Thực hiện sứ mệnh quảng bá văn hóa
Ông Trịnh Minh Tuấn, Giám đốc Công ty sách Quảng Văn
Ảnh: NVCC
Ngay lần đầu nói chuyện, Vương và tôi đã cùng bàn về Nguyễn Hiến Lê. Chúng tôi đặt ra câu hỏi là tại sao chúng ta không xuất bản sách, không diễn giảng, không viết báo, không lập trường… để truyền bá tri thức, văn hóa, hướng tới kiến tạo một xã hội thịnh vượng và văn minh. Vì vậy, chúng tôi tìm đến với nhau để đồng hành thực hiện sứ mệnh quảng bá văn hóa thông qua hoạt động xuất bản theo nghĩa rộng, có nghĩa là bao gồm cả sách, báo, giáo dục, các di sản văn hóa… VN và thế giới.
Theo tôi, do VN chưa hình thành “văn hóa đọc” và chưa có một nền xuất bản trưởng thành nên chúng tôi cần hành động. Những việc nhỏ như cùng con đọc sách, bán sách ở chợ quê, diễn giảng, tặng sách cho trẻ em miền núi, nông thôn hay gây quỹ cộng đồng để xuất bản sách… nhìn thoáng qua có vẻ đơn lẻ nhưng đều là những bước đi có chủ đích nằm trong kế hoạch “trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”.
Những sự kiện liên quan văn hóa đọc mà Vương đã, đang thực hiện liên tục ở nhiều không gian khác nhau đã hình thành những cộng đồng; đã tạo ra những biến chuyển tuy không ồn ào nhưng mạnh mẽ dưới tầng sâu. Tôi tin, Vương, chúng tôi và cả những nhà xuất bản khác không cô đơn trên con đường này.
Ông Trịnh Minh Tuấn, Giám đốc Công ty sách Quảng Văn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.