Người bán hàng livestream bối rối khai thuế

09/07/2024 06:26 GMT+7

Trong khi các cơ quan quản lý tuyên bố quyết liệt tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng thì ở chiều ngược lại, những người kinh doanh online muốn khai thuế thực tế không hề dễ dàng.

Bán hàng livestream vào tầm ngắm

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 56/CĐ-TTg về việc tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng, lực lượng chức năng trên cả nước đã đồng loạt triển khai các hoạt động để thực thi.

Người bán hàng livestream bối rối khai thuế- Ảnh 1.

Kinh doanh bán hàng livestream sẽ phải thực hiện khai báo thuế đầy đủ

Sỹ Đông

Tại Cà Mau, Đội QLTT số 6, Cục QLTT tỉnh Cà Mau vừa phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Nguyễn Mai Store do bà N.T.M, sinh năm 1993, làm chủ. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định hộ kinh doanh Nguyễn Mai Store thực hiện kinh doanh chủ yếu trên Facebook theo hình thức livestream chốt đơn qua hai tài khoản chính mang tên "Nguyễn Mai Store Cà Mau" với 6.800 lượt thích, 10.000 lượt theo dõi và "Nguyễn Mai Store" với 1.300 lượt thích, 1.600 lượt theo dõi. Mỗi phiên livestream, các tài khoản này đều có hàng trăm lượt comment, chốt đơn sản phẩm.

Thách thức quản lý thuế từ những phiên livestream trăm tỉ

Các sản phẩm được giới thiệu trên livestream chủ yếu là quần áo, túi xách, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm. Bước đầu lực lượng chức năng nhận định phần lớn hàng hóa tại cơ sở kinh doanh có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, một số mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ.

Tại Long An, Đội QLTT số 1, Cục QLTT Long An phối hợp với Công an xã Đức Hòa Hạ đã tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh có trụ sở trên địa bàn xã Đức Hòa Hạ, H.Đức Hòa. Đây là điểm kinh doanh bán hàng bằng hình thức livestream trực tuyến trên mạng xã hội Facebook, TikTok. Kiểm tra thực tế tại địa chỉ này, lực lượng chức năng phát hiện 2.000 sản phẩm quần áo may sẵn chưa qua sử dụng không rõ nguồn gốc nơi sản xuất hàng hóa và xuất xứ hàng hóa. Người đại diện pháp luật của cơ sở kinh doanh cho biết số quần áo may sẵn trên được mua trực tiếp từ người quen trên mạng xã hội, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, không có hợp đồng, hóa đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa theo quy định pháp luật.

Tại Lào Cai, Đội QLTT số 5, Tổ thương mại điện tử, Cục QLTT Lào Cai phát hiện hộ kinh doanh T.T kinh doanh trang sức thời trang (đồ mỹ ký) bằng hai hình thức truyền thống và livestream bán hàng trên TikTok. Kết quả kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh T.T kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gồm 419 sản phẩm trang sức thời trang không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ tài liệu chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.

Trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo QLTT nhận định: "Ngày nay thương mại điện tử đã và đang phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng lớn trong thương mại toàn cầu. Tại VN, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số cũng đã phát triển tích cực, trở thành kênh phân phối quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân và góp phần phát triển các dịch vụ tài chính, dịch vụ thanh toán điện tử…

Các hoạt động kinh doanh bán hàng bằng hình thức phát video trực tuyến (livestream) trên mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok... ngày càng phát triển nhanh chóng; tác động, ảnh hưởng nhanh tới xã hội. Tuy nhiên sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số cũng đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Do đó, việc tăng cường quản lý là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay để bảo vệ người tiêu dùng và để chống thất thu thuế".

Bối rối kê khai thuế

Trước sự quyết liệt của cơ quan quản lý, nhiều cá nhân bán hàng online cũng muốn kê khai thuế nhưng bối rối không biết bắt đầu từ đâu.

Chị N.T.D.H, 32 tuổi, hiện cư ngụ tại xã Phước Kiển, H.Nhà Bè (TP.HCM), không giấu được vẻ mệt mỏi sau một đêm gần như thức trắng để bán hàng livestream. Chị H. kể: "Trước đây tôi từng bán hàng livestream một thời gian nhưng từ khi lấy chồng, sinh con, tôi tạm nghỉ, đến nay mới bắt đầu bán lại được khoảng chừng 1 tháng. Tôi nghe nói nhà nước đang siết chặt loại hình kinh doanh online nên khá lo lắng. Tôi chỉ kinh doanh nhỏ lẻ mặt hàng quần áo, mua đi bán lại kiếm chênh lệch, các quy định khai thuế hay đăng ký kinh doanh tôi đều không nắm rõ, bây giờ muốn khai báo để tuân thủ quy định cũng không biết làm thế nào".

Cùng mưu sinh bằng nghề bán hàng livestream, chị Đoàn Phụng, 25 tuổi, ngụ TP.Thuận An (Bình Dương), chia sẻ: "Em nghe nói bán hàng online phải đăng ký kinh doanh, khai báo thuế, nhưng khi em đi hỏi một số nơi để đăng ký hộ kinh doanh thì người ta bảo phải có địa chỉ đăng ký là nhà phố hoặc căn hộ có chức năng kinh doanh. Em chỉ kinh doanh tại căn hộ thuê để vừa ở vừa bán hàng livestream, làm sao đăng ký kinh doanh được?".

Trò chuyện với PV Thanh Niên, nhiều người bán hàng livestream đều rất hoang mang khi đề cập đến vấn đề doanh thu. Anh B.H.A, ngụ Q.Bình Thạnh (TP.HCM), chuyên bán hàng thức ăn chế biến tại nhà, bộc bạch: "Tôi có tìm hiểu quy định về nộp thuế, nếu doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì không phải đóng thuế, nhưng làm sao để xác định được con số này thì không phải đơn giản. Nếu căn cứ vào lượng đơn hàng thông qua các công ty giao nhận thì có thể đạt trên 100 triệu đồng/năm nhưng tôi cho rằng như vậy vẫn không chính xác, vì có khi người bán bị "bom" hàng, khách đặt rồi nhưng không nhận hàng. Hơn nữa, lợi nhuận từ việc bán hàng online rất thấp, cạnh tranh rất lớn để giữ được khách quen, thực tế tôi chỉ lấy công làm lời, nếu đóng thuế nữa thì phải nói là lỗ vốn luôn".

Trao đổi với PV Thanh Niên, anh Vũ Đình Giang, giám đốc một công ty dịch vụ kế toán tại Q.12 (TP.HCM), cho biết: "Khoảng 1 tháng nay, lượng khách liên hệ hỏi về dịch vụ đăng ký kinh doanh có tín hiệu tăng lên, trong đó có khá nhiều người đang là cá nhân bán hàng livestream. Tuy nhiên, thực tế có những quy định khiến cho nhiều người muốn tuân thủ việc khai báo thuế nhưng lại lâm vào cảnh luẩn quẩn. Điểm chung của những người này là không có địa điểm cố định phù hợp quy định để đăng ký hộ kinh doanh. Chúng tôi tư vấn cho họ giải pháp là thuê văn phòng "ảo" với chi phí từ 350.000 - 400.000 đồng/tháng, phù hợp cho các doanh nhân online, công ty mới thành lập, doanh nghiệp vừa hoặc nhỏ, những người có thể không đủ khả năng thuê văn phòng thực tế. Tuy nhiên, chi phí này vẫn khiến nhiều cá nhân đắn đo, cân nhắc".

LS Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, nhận định: "Thỉnh thoảng có vài câu chuyện cá nhân, tổ chức nào bị truy thu thuế "khủng" nổi lên lại thu hút sự quan tâm của dư luận, nhưng rồi vẫn không giải quyết được vấn đề chung của việc khai báo thuế hiện nay. Nếu chỉ kêu gọi sự tự nguyện thì rất khó, vì thế ngành thuế cần đảm bảo có các quy định công bằng hơn".

Với việc livestream bán hàng, Bộ Tài chính cần có những quy định cụ thể, chính sách rõ ràng, thu như thế nào, căn cứ vào đâu để xác định thuế…; từ đó cán bộ thuế cũng như người kinh doanh hiểu rõ để tránh thất thu thuế và đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ cho người tham gia.

LS Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.