Insulin là loại hoóc môn do tuyến tụy tiết ra để đưa đường glucose từ máu vào tế bào để cung cấp năng lượng cho tế bào hoạt động. Kháng insulin xảy ra khi các tế bào trong cơ thể không còn phản ứng hiệu quả với hoóc môn insulin. Hệ quả là khiến đường glucose trong máu khó hấp thụ vào tế bào, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Khi đó, cần nhiều hoóc môn insulin hơn để có thể hấp thụ đường glucose vào tế bào. Cơ thể sẽ phản ứng bằng cách cố gắng tiết ra nhiều insulin hơn.
Trên thực tế, có những người bị kháng insulin nhưng không hề bị tiểu đường. Tình trạng kháng insulin này có thể là tạm thời hay mạn tính.
Những vấn đề như thừa cân, lười vận động, ăn uống không lành mạnh hay dùng nhiều thuốc steroid đều có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến kháng insulin. Nếu kháng insulin trở thành mạn tính thì đường huyết trong máu sẽ tăng lên. Ở mức này, dù đường huyết cao bất thường nhưng dưới mức để xác định là tiểu đường. Tình trạng như vậy gọi là tiền tiểu đường.
Dù chỉ là tiền tiểu đường thì nguy cơ đau tim, đột quỵ ở người bệnh đã bắt đầu tăng lên. Nếu không kiểm soát đường huyết thì trong vòng 5 năm, người mắc có thể tiến triển lên tiểu đường loại 2.
Những người trên 45 tuổi, thừa cân, ít vận động, gia đình có người mắc tiểu đường, huyết áp cao, nồng độ cholesterol cao hoặc bệnh tim mạch là nhóm có nguy cơ cao bị kháng insulin, tiền tiểu đường hoặc tiểu đường loại 2, theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ.
Ngoài ra, tình trạng kháng insulin mà không mắc tiểu đường có thể do rối loạn nội tiết, rối loạn giấc ngủ, dùng một số loại thuốc như glucocorticoid, thuốc chống loạn thần hoặc thuốc điều trị HIV.
Để giảm nguy cơ kháng insulin, các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người hãy thường xuyên tập thể dục, ăn uống lành mạnh đồng thời kiểm soát cân nặng, theo Healthline.
Bình luận (0)