Người bệnh tuyến giáp có cần kiêng bắp cải, bông cải?

Lê Cầm
Lê Cầm
29/03/2024 04:06 GMT+7

Bệnh lý tuyến giáp có nhiều mặt bệnh khác nhau như cường giáp, suy giáp, nhân giáp... Do đó, không phải tất cả người bệnh đều phải kiêng các thực phẩm như bắp cải, bông cải.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Mã Tùng Phát (Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết tuyến giáp là một tuyến nhỏ ở dưới cổ đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát quá trình chuyển hóa. Bệnh tuyến giáp là thuật ngữ chung chỉ những rối loạn hoóc môn do tuyến giáp sản xuất quá nhiều hoặc quá ít.

Cường giáp là hệ quả khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hoóc môn, đẩy nhanh quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Nguyên nhân chính do các tự kháng thể trong máu kích hoạt tuyến giáp, làm cho tuyến giáp phát triển và tiết ra quá nhiều hoóc môn tuyến giáp. Suy giáp xảy ra khi tuyến giáp không tiết đủ hoóc môn, từ đó làm chậm quá trình trao đổi chất trong cơ thể.

Ngoài ra, nhóm bệnh thứ 2 liên quan đến tuyến giáp là hình thái của tuyến giáp như teo nhỏ hay phình to. Trường hợp ở một số vị trí của tuyến giáp bị phình to có các cục u thường gọi là nhân giáp hay bướu giáp... Nguyên nhân do một nhóm tế bào hoạt động nhiều hơn tăng trưởng về số lượng, kích thước. Đa phần các nhân giáp lành tính, một số trường hợp nhỏ có thể ác tính. Theo nhiều thống kê ghi nhận, bệnh lý tuyến giáp xảy ra ở nữ nhiều hơn ở nam.

Người bệnh tuyến giáp có cần kiêng bắp cải, bông cải?- Ảnh 1.

Bông cải xanh chứa nhiều dinh dưỡng nhưng với người có nhân giáp nên hạn chế

LÊ CẦM

Nhiều người cho rằng người bệnh tuyến giáp không nên ăn các thực phẩm như đậu nành, bắp cải, bông cải trắng, bông cải xanh... Theo bác sĩ Phát, trong bông cải trắng, bông cải xanh bắp cải... chứa một số chất, các chất này có thể khiến quá trình tổng hợp hoóc môn giáp tại tuyến giáp bị suy giảm. Khi đó cơ thể sẽ bù trừ bằng việc giải phóng TSH để thúc đẩy việc sản xuất hoóc môn tuyến giáp, từ đó làm cho tế bào tuyến giáp tăng trưởng.

"Tuy nhiên bệnh lý tuyến giáp có cường giáp, suy giáp, nhân giáp... Do đó, với bệnh nhân có nhân giáp thì nên hạn chế sử dụng các thực phẩm này, còn đối với bệnh nhân cường giáp thì  có thể sử dụng bình thường không ảnh hưởng đến tình trạng bệnh. Đối với bệnh nhân suy giáp đã sử dụng đầy đủ thuốc thì việc sử dụng các thực phẩm trên với khẩu phần hợp lý cũng không ảnh hưởng nhiều", bác sĩ Phát chia sẻ.

Làm thế nào để phòng ngừa các bệnh lý về tuyến giáp?

Bác sĩ chuyên khoa 1 Đỗ Tiến Vũ (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM) chia sẻ: để phòng ngừa các bệnh lý về tuyến giáp, cần kiểm tra sức khỏe định kỳ và có chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Khi phát hiện những bất thường ở cổ hoặc bất cứ vấn đề liên quan đến sức khỏe, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra, tư vấn điều trị. Việc phát hiện và chữa trị sớm sẽ giúp ngăn bệnh diễn tiến nặng.

Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng lành mạnh cũng giúp hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh về tuyến giáp. Trong đó, iốt giúp cân bằng, kích thích sản sinh các nội tiết tố cần thiết, giảm sự hình thành các khối u tuyến giáp. Tuy nhiên, cơ thể không tự tổng hợp iốt mà phải cung cấp qua đường ăn uống.

Một số loại thực phẩm tốt cho người bệnh tuyến giáp có thể lưu ý để lựa chọn:

- Bổ sung trái cây và rau xanh: mồng tơi, diếp cá, rau muống,… giúp cải thiện các triệu chứng đau cơ, mệt mỏi, nhịp tim không đều.

- Nhóm axit béo, omega-3: có trong cá hồi, thịt bò, tôm,…

- Sữa chua ít béo: chứa nhiều iốt, vitamin D tốt cho tuyến giáp.

- Các loại hạt: hạnh nhân, hạt điều,… là nguồn cung cấp magiê cho cơ thể, giàu protein thực vật, vitamin B, vitamin E và các khoáng chất khác hỗ trợ tuyến giáp hoạt động hiệu quả.

- Bổ sung selen: có trong thịt bò, gà, cá, hàu, phô mai,…



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.