Đứa bé bị bố mẹ 'bán' ở ga Hàng Cỏ: Cả đời tìm kiếm bố mẹ ruột

Hoài Nhân
Hoài Nhân
14/10/2019 08:30 GMT+7

Thông tin tìm kiếm bố mẹ của anh Vũ Trọng Thuân (41 tuổi) được cư dân mạng xã hội chia sẻ nhiều với hy vọng anh có thể tìm thấy ba mẹ ruộtcủa mình.

Sống với bố mẹ nuôi từ nhỏ, ký ức anh không hề có hình ảnh nào về bố mẹ ruột của mình. Kể với PV Thanh Niên, anh Thuân cho biết những thông tin anh có được chỉ là lời kể của bà ngoại nuôi và 2 người cậu.
Khoảng cuối 1983 đầu 1984, bà ngoại nuôi của anh là Trần Thị Hơn (SN 1922, mất năm 2012) cùng 2 người cậu đi buôn từ Nam Định ngang qua Hà Nội. Tới ga Hàng Cỏ thì gặp và mang anh về. Bà Hơn và một người cậu nay đã qua đời, cậu còn lại tuổi cao nên trí nhớ cũng không còn tỏ tường.

Bố quàng khăn len, hôn lên má từ biệt con

Nóng trên mạng xã hội: Cả đời tìm kiếm bố mẹ ruột,  đau đáu về nguồn cội

Anh Thuân (trước đây tên Công) hàng chục năm qua vẫn đau đáu về nguồn cội

Ảnh: Hoài Nhân

“Hôm ấy, khi tới ga Hàng Cỏ thì bà ngoại nuôi gặp bố mẹ tôi dắt theo 5 đứa con, trong đó có tôi. Bấy giờ, bố mẹ tôi hỏi bà ngoại nuôi: “Bác có nuôi không? Tôi bán cho một cháu”. Bà tôi suy nghĩ, bởi con gái và con rể của bà (bố mẹ nuôi của anh Thuân) vừa mất đứa con đầu lòng cách đó không lâu. Đứa trẻ qua đời ngay sau sinh, khiến con gái và con rể bà suy sụp, nên bà muốn tìm một đứa bé cho con gái”, anh Thuân kể lại và nói tiếp: “Bà ngoại nuôi tôi nhìn 5 anh em tôi rồi chỉ tay vào tôi, nói con trai nhìn lanh lẹ nên chọn. Bố mẹ ruột tôi nói giá 100 đồng. Bà trả giá 90 đồng. Hai bên đồng ý, rồi có dắt vào công an ở gần ga để xác nhận. Bố mẹ ruột tôi trình bày rằng hoàn cảnh khó khăn, đông con, không có điều kiện nuôi. Những thông tin còn lại mà tôi nghe kể được, đó là quê bố mẹ ruột tôi ở Phủ Lý, Hà Nam. Bố tôi tên Văn, mẹ tôi tên Lễ. Tôi tên Công, bấy giờ khoảng 4 - 5 tuổi. Còn tên anh chị em thì không biết”.
Hai người cậu cũng từng kể, mẹ ruột của anh lưng hơi khòm, có vẻ bị dị tật ở chân nên đi bước thấp bước cao. Trước khi chia tay, bố ruột anh Thuân còn quàng lên cổ anh một chiếc khăn len, rồi hôn vào má anh một cái. Chiếc khăn kỷ vật và tờ giấy xác nhận cho con nuôi của chính quyền bấy giờ, theo thời gian đã thất lạc.

Từng thấy tìm con tên Công trên ti vi

Sau khi bà Hơn mang anh Thuân về Nam Định, anh đã sống với ba mẹ nuôi của mình là ông Vũ Minh Thư (SN 1955) và bà Trần Thị Cúc (SN 1962). “Hoàn cảnh khó khăn, tôi không được đến trường đi học. Đến giờ tôi cũng chỉ có thể đọc sơ sơ mặt chữ, chứ không viết được. Vì vậy, việc tìm bố mẹ ruột càng khó khăn hơn”, anh Thuân chia sẻ.
Sau khi nhận nuôi anh Thuân, ông Thư và bà Cúc sinh được 6 người con nữa. Sau đó, cả nhà chuyển hẳn vào ấp Nam Hà, xã Xuân Bảo, H.Cẩm Mỹ, Đồng Nai. Anh Thuân cho biết, trong thời gian ở cùng bố mẹ nuôi, anh không nghe ông bà nhắc gì đến chuyện năm xưa ở ga Hàng Cỏ. Tuy nhiên, khi lớn dần, anh được nghe bà Hơn và các cậu kể lại. Kể từ đó anh vẫn luôn đặt câu hỏi về gia đình máu thịt của mình. Họ còn hay mất, đang làm gì và ở đâu?
“Năm 2000 hay 2001, tôi thấy trên ti vi đang phát tin tìm người thân, có bố mẹ tìm con trai tên Công. Tôi càng suy nghĩ, biết đâu bố mẹ ruột cũng đang cố gắng tìm tôi”, anh Thuân cho biết. Về sau, anh có nhờ người cậu ở Nam Định đăng tin tìm bố mẹ lên mạng xã hội nhưng thông tin gốc mơ hồ, cùng với việc anh không biết chữ, không rành sử dụng mạng xã hội nên tin tức về bố mẹ vẫn bặt vô âm tín.
“Tôi hiện đã có vợ và 3 con. Tôi cũng không trách móc bố mẹ, bởi con người ai cũng sẽ có những biến cố trong đời mà chúng ta không thể lựa chọn khác. Tôi chỉ muốn gặp lại đấng sinh thành, tìm lại cội nguồn tổ tiên họ hàng. Cũng có thể, tôi sẽ phụng dưỡng được cho bố mẹ nếu họ đương lúc già yếu…”, anh Thuân bộc bạch và mong muốn ai có thông tin vui lòng gọi trực tiếp cho anh: 0979388219.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.