Người biểu tình cố thủ ở sân bay Hồng Kông

10/08/2019 06:40 GMT+7

Gần 1.000 người biểu tình mặc đồ đen ngồi cố thủ tại sân bay của Hồng Kông , hô hào khẩu hiệu phản đối chính quyền đặc khu.

Cuộc biểu tình ngồi không được cấp phép dự kiến dài từ ngày 9 - 11.8 nhằm “giúp khách quốc tế hiểu rõ tình hình Hồng Kông”, theo Reuters. Trong đó, phe phản đối tiếp tục yêu cầu được quyền bầu cử trực tiếp lãnh đạo đặc khu, điều tra những vụ cảnh sát “dùng vũ lực quá mức” với người biểu tình và hủy bỏ hoàn toàn dự luật dẫn độ. Cơ quan quản lý sân bay Hồng Kông khẳng định sân bay sẽ hoạt động bình thường và cảnh sát tăng cường lực lượng để đảm bảo an ninh. Hôm qua, nhiều hành khách nước ngoài đến sân bay chụp ảnh, đọc biểu ngữ và tờ rơi, một số tỏ ra lúng túng, lo ngại nguy cơ bạo động hoặc chuyến bay bị gián đoạn trong khi số khác ủng hộ phong trào biểu tình.
Ngoài ra, hàng loạt cuộc tuần hành phản đối chính quyền đặc khu cũng được lên kế hoạch trong 2 ngày cuối tuần này. Dù vậy, trong buổi họp báo hôm qua, Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga tiếp tục khẳng định sẽ không thỏa hiệp và cảnh báo làn sóng biểu tình sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế. Cùng ngày, chính quyền Hồng Kông bất ngờ bổ nhiệm cựu Phó cảnh sát trưởng Lưu Nghiệp Thành (Alan Lau) phụ trách chiến dịch ứng phó biểu tình. Nổi tiếng với chủ trương cứng rắn, ông Lưu từng giám sát các chiến dịch an ninh trong các cuộc biểu tình xảy ra bạo lực năm 2014 và 2016. Bên cạnh đó, Cơ quan Hàng không dân dụng Trung Quốc yêu cầu Hãng Cathay Pacific Airways của Hồng Kông đình chỉ công tác tất cả nhân viên tham gia hoặc ủng hộ biểu tình, theo tờ South China Morning Post. Nếu không, giới chức sẽ cấm toàn bộ chuyến bay của hãng này đến đại lục. Trước tình hình căng thẳng, bộ ngoại giao một số nước bao gồm Mỹ và Úc hôm qua cảnh báo công dân phải thận trọng khi đến Hồng Kông.
Cùng ngày, tranh cãi dữ dội bùng phát liên quan đến vụ rò rỉ thông tin cá nhân của bà Julie Eadeh, phụ trách phòng chính trị của Lãnh sự quán Mỹ tại Hồng Kông. Trong bài viết chỉ trích việc bà Eadeh gặp gỡ một số nhân vật thuộc phe biểu tình, tờ Đại Công báo, bị cho là ủng hộ chính phủ trung ương, đăng tải nhiều chi tiết cá nhân của nhà ngoại giao này, bao gồm cả gia đình và con cái. Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cáo buộc chính quyền Trung Quốc đứng sau vụ rò rỉ, đồng thời nhấn mạnh đây là hành động không thể chấp nhận, vi phạm các nguyên tắc ngoại giao. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Mỹ “kích động bất ổn, can thiệp vào nội bộ nước khác”.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.