Người cấy chip Neuralink vào não chơi cờ trên máy tính

Trí Đỗ
Trí Đỗ
21/03/2024 18:10 GMT+7

Ngày 20.3, công ty khởi nghiệp chip não Neuralink của tỉ phú Elon Musk phát trực tiếp một đoạn phim ghi lại cảnh một bệnh nhân được cấy ghép chip não đã sử dụng ý nghĩ của mình để chơi cờ trên máy tính, theo AFP.

Anh Noland Arbaugh, 29 tuổi, bị liệt phần thân từ vai trở xuống sau một tai nạn khi đi lặn vào 8 năm trước, đã có màn chơi cờ vua trên máy tính xách tay và di chuyển con trỏ bằng con chip do Công ty Neuralink cấy vào não của anh. Bộ cấy chip này cho phép mọi người điều khiển con trỏ máy tính hoặc bàn phím chỉ bằng suy nghĩ của họ.

Vào tháng trước, tỉ phú Elon Musk cho biết rằng Arbaugh đã nhận được một bộ phận cấy ghép từ công ty Neuralink và có thể điều khiển chuột máy tính bằng suy nghĩ của mình.

Người được ghép chip Neuralink đầu tiên chơi cờ bằng suy nghĩ

Đề cập quy trình cấy ghép, anh Arbaugh nói trong video phát trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội X của ông Elon Musk: “Ca phẫu thuật cực kỳ dễ dàng”. “Tôi thực sự đã được xuất viện một ngày sau đó. Tôi không bị suy giảm nhận thức”, anh nói thêm.

"Về cơ bản, tôi đã từ bỏ việc chơi trò chơi đó, nhưng tất cả các bạn (Neuralink) đã cho tôi khả năng làm lại điều đó và chơi liên tục trong 8 giờ", anh Arbaugh chia sẻ về trò chơi Civilization VI.

Người cấy chip Neuralink vào não chơi cờ trên máy tính- Ảnh 1.

Anh Noland Arbaugh (thứ hai từ trái sang) chơi cờ trên máy tính xách tay và di chuyển con trỏ bằng thiết bị Neuralink.

NEURALINK

Giải thích thêm về trải nghiệm của mình với công nghệ mới, anh Arbaugh nói rằng con chip không hoàn hảo và có một số vấn đề, theo Reuters.

“Tôi không muốn mọi người nghĩ rằng đây là thành công cuối cùng, mà vẫn còn rất nhiều việc phải làm nhưng con chip đã thay đổi cuộc đời tôi”, anh nói thêm.

Theo ông Kip Ludwig, cựu Giám đốc bộ phận kỹ thuật thần kinh tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ, đây là một bước phát triển tích cực đối với bệnh nhân khi họ có thể giao tiếp với máy tính, điều mà trước khi cấy ghép chip họ không thể làm được. “Đó chắc chắn là một điểm khởi đầu tốt” ông nói.

Tuy nhiên, ông Ludwig cũng cho rằng những gì Neuralink thể hiện không phải là một “bước đột phá”. Theo ông, vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận, cần phải tìm hiểu nhiều thứ ở cả phía Neuralink và phía đối tượng được cấy ghép, để có thể tối đa hóa lượng thông tin cần thiết.

Công nghệ của Neuralink hoạt động thông qua một thiết bị có kích thước bằng 5 đồng xu xếp chồng lên nhau, được đặt bên trong não người thông qua phẫu thuật xâm lấn.

Công ty khởi nghiệp Neuralink do ông Musk đồng sáng lập vào năm 2016 nhằm mục đích xây dựng sự kết nối trực tiếp giữa não bộ con người và máy tính. Trước đó, lĩnh vực này được biết đến chính thức là nghiên cứu giao diện não-máy (brain-machine) hoặc giao diện não-máy tính (brain-computer interface).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.