“Lên nhà chào ông bà để về đồn Khang ơi!”. Sau tiếng "dạ" rõ to, cậu bé chạy thoăn thoắt lên cầu thang nhà sàn, vòng tay chào ông bà, rồi chạy xuống, trèo lên yên xe máy của thượng úy Phạm Đức Tính, Đồn biên phòng Thông Thụ.
Chiếc xe máy của thượng úy Tính chạy qua những con dốc ngoằn ngoèo ở bản Mường Piệt (xã Thông Thụ, H.Quế Phong, Nghệ An) để đón đứa con nuôi khác của Đồn biên phòng Thông Thụ là Quang Nhật Linh (12 tuổi) về đồn, sau khi cả Ngân Trần Khang và Linh tranh thủ nghỉ hè về thăm ông bà.
Từ hơn một năm nay, hai cậu bé mồ côi này có thêm gia đình mới với những người cha mới ở Đồn biên phòng Thông Thụ.
Những đứa trẻ mất cha
Ngân Trần Khang mất cha khi lên 4 tuổi. Mẹ của Khang ôm hai đứa con 4 và 1 tuổi quay về nhà bố mẹ đẻ ở bản Mường Phú (xã Thông Thụ) gửi con, rồi vào miền Nam làm thuê kiếm sống, xây dựng gia đình mới. Cuộc sống ở vùng biên viễn này bám vào nương rẫy, phải cưu mang thêm hai cháu nhỏ khiến vợ chồng bà Lô Thị Hoa càng thêm khó khăn. “Để kiếm cái ăn phải vào rừng, nhưng có cháu nhỏ, mình phải trông nó, không đi rừng được, nên rất khổ”, bà Hoa kể. Việc học hành của cháu cũng gần như “mặc kệ nhà trường”. “Tui có biết chữ đâu mà bày vẽ cho cháu”, bà Hoa nói.
Căn nhà sàn trông nghèo nàn nằm dưới chân núi là của vợ chồng ông Quang Văn Bình, ông nội của Quang Nhật Linh. “Bà nội nó đang phải đi rừng”, ông Bình nói trong tiếng thở dốc vì bệnh hen phế quản. Bố của Linh mất năm 2018 vì bị tảng đá trên núi lăn đè trúng khi đang làm ruộng. Người mẹ trẻ đưa hai con về gửi bố mẹ chồng đã ở tuổi 70, rồi ra Bắc làm thuê. “Trước nó cũng ngoan, nhưng từ ngày bố nó chết, tính khí nó rất khác, rất bướng bỉnh”, ông Bình nói về đứa cháu nội. Cuộc sống nghèo khó, sức khỏe yếu nên ông bà ăn gì cháu ăn nấy. Việc học hành của cháu, ông bà nội cũng đành phó mặc được gì hay nấy, tương lai của Linh lúc đó như vô định.
|
Những người cha mới
Tháng 8.2019, Khang và Linh được Đồn biên phòng Thông Thụ đến nhà đón về nuôi. Thượng úy Phạm Đức Tính kể, ngày mới về đồn, hai đứa rất nhút nhát. Ở được vài ngày, dù cuộc sống ở đồn sướng hơn rất nhiều ở nhà, nhưng cả hai nhớ nhà, nằng nặc đòi về. Những người bố mới ở đồn phải gần gũi tâm sự, động viên, tìm mọi cách làm cho cả hai vui, lúc đó mới chịu ở lại. “Cuộc sống ở nhà tự do, thích đi chơi đâu thì đi, lên đồn không có bạn để chơi, giờ giấc nghiêm ngặt, chưa thích nghi được nên ban đầu các cháu khó chịu”, anh Tính kể.
Không có người kèm cặp, hỗ trợ nên việc học của Khang và Linh đều bị hổng. Lớp 5, nhưng Linh chưa thông thạo các phép nhân, chia có nhiều chữ số; còn Khang học lớp 3, nhưng phép tính lớp 2 vẫn chưa rành. Để các con theo kịp chương trình, anh Tính cùng các đồng đội ở Đồn biên phòng Thông Thụ kiên trì thay nhau dạy lại kiến thức bị hổng cho các cháu. “Dạy không khéo, nóng tính lên nạt, hai đứa lại khóc, đòi về, vì thế anh em trong chi đoàn phải rất nhẹ nhàng, khéo léo, không để các cháu bị tổn thương”, Bí thư Chi đoàn Phạm Đức Tính kể.
Buổi sáng, Linh và Khang được “bố” chở đến trường và trưa lại được đón về. Dần dà, cả hai thích ứng được thời gian biểu sinh hoạt hơi “khắc nghiệt” ở đồn. Kết thúc năm học vừa qua, từ học sinh đứng cuối lớp, Khang và Linh đã vươn lên tốp đầu.
Căn phòng của Khang và Linh nằm ở tầng trệt, rộng rãi và sạch sẽ, có 2 phòng vệ sinh khép kín ở sát phía sau. Gần bên giường là 2 chiếc bàn học xinh xắn, được xếp đặt rất gọn gàng. “5 giờ sáng, nghe kẻng báo thức, cả hai đều bật dậy, sau đó có mặt rất sớm ở sân để cùng tập thể dục với các chú, các bác”, anh Tính kể. Cuối tuần, Khang và Linh được chở về nhà thăm ông bà, đến chiều chủ nhật lại lên đồn.
Thiếu tá Hồ Đăng Thảo, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Thông Thụ, chia sẻ đồn muốn hỗ trợ để bù đắp những mất mát của các cháu. Về đây, các cháu được yêu thương như con cái trong nhà. Ngoài Khang và Linh, đồn còn đỡ đầu, hỗ trợ kinh phí cho 3 em khác (ở tại gia đình) có hoàn cảnh khó khăn và sẽ nhận nuôi các cháu học hết lớp 12.
Bình luận (0)