Người chăm giữ… xác người - Kỳ cuối: Chợ Rẫy ngày và đêm sinh tử mong manh
17/03/2018 09:32 GMT+7
Mỗi hơi thở tắt đi là một câu chuyện số phận được kể. Đó là câu chuyện tang thương của người đã mất, của người còn sống và là câu chuyện nghề thăng trầm của những người chăm giữ… xác người tại nhà vĩnh biệt.
Tự động phát
|
Nằm lặng lẽ trên đường Thuận Kiều, Q.11 (TP.HCM), khu nhà vĩnh biệt bệnh viện Chợ Rẫy toát lên một vẻ lạnh lùng khó tả. Không như những nơi khác, nhà vĩnh biệt này nằm biệt lập với khuôn viên bệnh viện, cách cổng chính vài trăm mét.
Do Khoa Giải phẫu bệnh của bệnh viện Chợ Rẫy phải xử lí một khối lượng công việc lớn, nên diện tích khu nhà vĩnh biệt này rộng đến hơn 300 mét vuông, với tổng cộng 5 nhân viên xử lí thi thể và 2 nhân viên bảo vệ kiêm làm thủ tục.
Một hơi thở tắt đi là một câu chuyện đời
Theo lời hẹn, chúng tôi đến nơi lưu trữ và xử lí thi thể của bệnh viện Chợ Rẫy vào một buổi tối. Bên trái cánh cổng sắt lớn là bảng đèn vuông vức đề dòng chữ “Nhà vĩnh biệt”. Ánh sáng tấm bảng chỉ phát ra vừa đủ, nhưng chắc cũng chẳng ai đi ngang muốn ngoái nhìn vào…
Với diện tích rộng hơn so với nhà đại thể của nhiều bệnh viện khác trong thành phố, cùng với những hàng đèn trắng toát mở dọc hành lang, càng tạo cho chúng tôi cảm giác lạnh lẽo khi bước vào.
|
|
Anh Trần Tánh (43 tuổi), nhân viên nhà vĩnh biệt bệnh viện Chợ Rẫy, đón chúng tôi khi vừa từ phòng đông xác bước ra. Vừa cởi đôi găng tay, anh vừa hỏi: “Đêm nay các anh ngủ lại đây phải không?”. Khi chúng tôi chưa kịp từ chối, anh đã cười: “Khỏi lắc đầu. Mười người vào đây là hơn 9 người về, có ai dám ở lại đâu”.
Anh Tánh làm việc tại nhà vĩnh biệt này đã hơn 10 năm nay. Một ngày của những nhân viên như anh lẫn nhân viên bảo vệ đều bắt đầu từ 6 giờ sáng hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Sau đó sẽ đến người khác vào thay thế và luôn giữ số lượng 2 người xử lí thi thể cùng 1 bảo vệ.
Với quy mô của bệnh viện Chợ Rẫy, anh Tánh cho biết: “3 người vậy mà nhiều hôm vẫn quá tải. Trung bình mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận 2 – 3 ca. Nhưng có hôm số lượng tăng vọt lên 8 – 9 ca, phải làm suốt cả ngày lẫn đêm. Các anh em khác vẫn phải đến “trực chiến” dù không phải ngày trực của mình”.
Mười năm gần như… ăn ngủ bên cạnh những thi thể, anh Tánh đã chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh đời. Anh tâm sự, mỗi một hơi thở tắt đi là một câu chuyện, một niềm thương tâm, cho cả người nằm kia lẫn người còn đang sống. Dù đã quen với sinh ly tử biệt, nhưng có nhiều điều vẫn ám ảnh trong đầu những con người làm công việc “rợn người” ở đây.
“Nhiều nhất ở đây là những người bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông, hoặc ẩu đả do mâu thuẫn, khiến các phần thân thể không còn nguyên vẹn. Có những vụ án lại liên quan đến người nổi tiếng gây xôn xao dư luận. Khó nhất vẫn là xác chết cháy với da thịt dễ bong ra và nặng mùi. Có cả trường hợp người nhà đến thấy xác người thân chết vì AIDS khô đen đã không dám nhận và bỏ về…”, anh Tánh bùi ngùi nhớ lại bao câu chuyện chẳng ai giống ai.
|
|
|
Sinh tử mong manh như chớp mắt
Những nhân viên như anh Tánh trước khi làm công việc “lạnh sống lưng” này, đều từng là nhân viên hộ lý, bảo vệ,… tại bệnh viện và được luân chuyển sang nhà vĩnh biệt. Anh vẫn còn nhớ hoài cảm giác khi lần đầu tiếp xúc với một xác người: “Lúc đầu tôi làm giữ xe tại bệnh viện, khi bệnh viện cần nhân sự thì chuyển tôi sang đây. Mới vào chỉ nhìn thôi tôi đã nhợn rồi, về thấy cơm không ăn nổi cả tháng trời”.
Ấy vậy mà chính anh Tánh cũng không nghĩ mình lại gắn bó với công việc suốt 10 năm. “Ban đầu chỉ đơn giản là mưu sinh. Khi làm rồi mới nghĩ nếu mình không làm thì ai làm. Tới lúc thấy những người còn sống rối bời trong mất mát, thấy những con người tận số nằm đó, chờ mình tắm rửa, trang điểm, thay quần áo tươm tất để ra đi, thì mình mới biết chẳng thể nào bỏ cái nghề này được nữa”, anh Tánh trầm ngâm.
Ông Nguyễn Văn Tám (59 tuổi), là người gắn bó với nhà vĩnh biệt bệnh viện Chợ Rẫy đã 20 năm nay, lại tiếp tục câu chuyện bằng những lần trang điểm cho xác chết.
“Người đã mất rất nhợt nhạt, ngoài vệ sinh sạch sẽ chúng tôi cũng làm cả công việc trang điểm cho họ. Tô môi, sơn móng tay, đánh phấn, chải tóc cho thi thể, chúng tôi đều làm cả. Cũng là người cũ dạy người mới vậy thôi! Trang điểm xác sẽ khó hơn một chút vì da mặt họ ít ăn phấn. Nam lại dễ hơn nữ vì chỉ cần hồng hào một chút, không cần quá đậm”, ông Tám cho biết.
Ông cũng chia sẻ, tuy trang điểm xác là theo yêu cầu của người thân, nhưng cũng có ca tự ông làm vì thấy cần làm, như một cách an ủi họ về thế giới bên kia. Ông đã từng tắm xác, trang điểm cho nhiều người mẫu, diễn viên xấu số. Nhưng dù là ai, ông cũng tự dặn lòng phải làm bằng tất cả sự thành tâm, vì “nhắm mắt rồi thì ai cũng như ai”.
Hơn 20 năm làm nghề, ông Tám cảm thấy cách nhìn nhận cuộc sống của mình đã thay đổi nhiều. Ông bộc bạch: “Ngày nào cũng thấy chết chóc, tôi mới nhận ra sinh tử cuộc đời nhiều khi mong manh như chớp mắt! Nóng vội một giây trên đường hay thiếu kiềm chế rồi gây gổ, cuối cùng chỉ còn lại tang thương. Xưa tôi nóng tính, làm nghề rồi tự dưng đằm lại. Hơn thua làm chi rồi chết cũng xuôi tay chẳng mang theo được gì”.
|
|
|
“Mày ôm xác rồi về ôm vợ làm sao”
Câu chuyện về những người làm cái nghề “hiếm người làm” cứ trải dài với tất cả vui buồn đan xen. Dù ít dù nhiều thì cũng hệt như nhau, họ đều đã từng chạnh lòng vì miệng đời tiếng vào lời ra.
“Bạn bè, người thân ai cũng nói, bộ hết nghề làm rồi sao mà chọn nghề này! Riết rồi tự tôi cũng ít khi nào tới nhà bạn bè, họp mặt toàn hẹn ra ngoài thôi. Có người hiểu, người không, nhưng thường họ vẫn đùa: “Tối ngày mày ôm xác không rồi về ôm vợ làm sao?”. Nhiều khi họ đùa, nhưng tự dưng mình vẫn suy nghĩ nhiều…”, anh Tánh nói mà cúi đầu, nhìn chăm chăm vào hai bàn tay mình đang nắm lại.
Ở nhà xác bệnh viện Chợ Rẫy, bộ phận bảo vệ sẽ kiêm cả công việc giấy tờ, hướng dẫn thủ tục cho thân nhân. Cũng là những con người “ngày ngày mở mắt ra là thấy xác”, ông Bùi Đức Tuyên (56 tuổi), bảo vệ tại đây, lại trải lòng về những câu chuyện cùng thân nhân.
Ông cho biết, đa phần gia đình không ai muốn giám định, mổ xẻ gì cả nên sẽ làm ầm lên. Khi đó, ông phải cố gắng giải thích cho họ hiểu về thủ tục và quyền lợi, phải bình tĩnh dù cho họ có bức xúc to tiếng bao nhiêu.
|
|
|
|
“Phải đặt mình vào hoàn cảnh của họ thì mới hiểu cái buồn vì mất mát lớn thế nào và ứng xử phù hợp. Khi mình an ủi được họ, giúp họ giảm đi phần nào nỗi đau, tự mình cũng thấy vui”, ông Tuyên bộc bạch.
Theo ông, khó khăn nhất có lẽ là với những gia đình người dân tộc, cụ thể là người Chăm. Ông cho biết: “Giờ tốt của họ thường rất ít, nên có nhiều ca chuyển đến đây, xác định chỉ còn 3 tiếng nữa phải chôn, vậy là anh em lo mà chạy. Họ có những tục riêng mà nếu không hiểu sẽ lớn chuyện, nên mình càng phải giữ bình tĩnh và kỹ lưỡng”.
Nói rồi ông chỉ tay vào phòng bảo vệ và cười: “Đó, trong phòng không dám để cái gì cả. Ly thủy tinh, vật sắc nhọn đều cất hết. Vì nhiều lúc họ đụng cái gì là họ cầm phang hết”.
Nơi nhà xác lạnh lẽo với nhiều thăng trầm, buồn vui như thế, nhưng chúng tôi vẫn thấy cạnh bờ tường những chậu hoa kiểng, những giàn nho, giậu bạc hà xanh mướt. Một góc còn có chiếc lồng nuôi gà, cái hồ nuôi cá. Ông Tám giải thích: “Niềm vui của anh em trong đây đấy! Thê lương ảm đạm quá thì mình tự tìm cái gì đó làm vui”.
Khi chúng tôi đang huyên thuyên với ông về giàn hoa kiểng, tiếng chuông điện thoại bỗng vang lên inh ỏi từ phòng bảo vệ. Như đã quá quen, ông Tám rảo bước nhanh vào bên trong để cùng đồng nghiệp chuẩn bị làm nhiệm vụ.
Chúng tôi nhìn theo, lòng mông lung nhiều suy nghĩ. Vậy là lại một hơi thở nữa vừa tắt lịm, lại những phận đời nữa sắp được kể ra.
Lại một câu chuyện nghề nữa đang đến với những người sống cùng… người chết.
xác chết
Thi hài
trường đại học y dược
phẫu thuật
TP.HCM
giữ xác người
người giữ xác chết
Hiến xác
Sài Gòn
Phạm Hữu
Bình luận (0)