Người chăn nuôi miền Bắc 'ngóng' hỗ trợ từ ngân hàng

18/09/2024 09:29 GMT+7

Sau bão số 3, nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng như nuôi trồng thủy sản tại miền Bắc chịu thiệt hại nặng nề. Các hộ mong muốn được ngành ngân hàng hỗ trợ nhằm nhanh chóng tái đàn.

"Không còn gì cả, làm lại từ đầu"

Trao đổi với Thanh Niên ngày 15.9, ông Lương Văn Tuân (trú thôn Bắc Kênh Cầu, xã Đồng Than, H.Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) cho biết, gia đình ông nuôi hơn 300 con lợn gồm cả lợn nái và lợn thịt, chủ yếu là lợn thịt.

Đợt bão số 3 vừa qua, trang trại lợn bị ngập sâu, cả gia đình kịp thời di dời đàn lợn nái, song không kịp chạy hết đàn lợn thịt khiến 80 con lợn thịt bị chết. Mỗi con khoảng 30 kg, tương ứng giá cả hiện tại khoảng hơn 3 triệu đồng/con.

Lợn chết, ông Tuân đành bán lại cho người mua dùng làm thức ăn chăn nuôi với mức giá rẻ như cho, khoảng 250.000 - 300.000 đồng/con. Thiệt hại do lợn chết và cơ sở vật chất trong đợt lũ này khoảng gần 300 triệu đồng.

Người chăn nuôi miền Bắc 'ngóng' hỗ trợ từ ngân hàng- Ảnh 1.

Gia đình ông Hoàng Ngọc Đoàn thiệt hại khoảng 14 - 15 tỉ đồng sau bão số 3

Ảnh: Đan Thanh

"Ban đầu, gia đình tôi chỉ nuôi 15 con lợn nái với khoản đầu tư 180 triệu đồng và gột dần lên, lợn nái đẻ lợn con lại nuôi gối đầu. Đến nay, tổng vốn đầu tư khoảng gần 1 tỉ đồng. Gia đình đang vay ngân hàng 700 triệu đồng và số tiền lãi phải trả hàng tháng là hơn 7 triệu đồng. Năm nay, như thế này là không còn lợn thịt để bán dịp tết nữa, thiệt đơn, thiệt kép. Gia đình trước mắt sẽ mất nguồn thu, nợ nần ngân hàng cũng phải tính toán vay mượn, chỗ nọ đập chỗ kia hoặc làm các việc khác để kiếm tiền trả lãi hàng tháng", ông Tuân rầu rĩ.

Gia đình ông Hoàng Ngọc Đoàn (trú khu Bãi Già, xã Tàm Xá, H.Đông Anh, Hà Nội) có trang trại chăn nuôi gà tới 80.000 con trên diện tích 2,6 ha. Bão số 3 quét qua khiến trang trại gà của gia đình gần như mất sạch, trở về vạch xuất phát.

"Tổng thiệt hại khoảng 14 - 15 tỉ đồng, trong đó tiền gà khoảng 11 - 12 tỉ đồng; còn lại là các thiết bị đi theo, thức ăn và trứng còn tồn trong chuồng. Gia đình tôi không còn một cái gì, phải làm lại từ đầu. Trang trại có 15 công nhân, mấy hôm nay mọi người đều mệt mỏi, uể oải bởi công tác dọn dẹp sau lũ. Tuy nhiên, dự kiến dọn dẹp cũng phải 10 ngày nữa mới xong. Hiện tại, khó khăn chồng chất, tôi chỉ muốn thu dọn khẩn trương, sau đó vay mượn bà con lấy tiền tái đàn; nếu không tái đàn trở lại 80.000 thì tái đàn khoảng 10.000, 20.000 con. Với lượng tái đàn 20.000 con, vốn liếng cần khoảng 3 - 4 tỉ đồng", ông Đoàn ước tính.

Mong ngân hàng giãn nợ, cho vay mới

Nhiều năm làm nghề nuôi cá, nhiều ngư dân tại Quảng Ninh không lường được bão số 3 lại có sức công phá lớn đến vậy. Chị Ngô Thị Thúy (trú khu phố Thống Nhất 2, xã Tân An, TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) xót xa chia sẻ, đầu tư nhiều ô nuôi cá, thiệt hại của gia đình chị sau bão lên tới gần 12 tỉ đồng. Qua một đêm bão, những gì còn lại chỉ là ít cá con giữ được tại lồng.

"Giờ đây, chúng tôi không biết xoay xở thế nào vì mọi tài sản đã bị cuốn trôi. Vẫn biết bão qua đi, mọi người sẽ tiếp tục gắn bó với biển để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, nhưng làm sao mà không đau đớn, xót xa được", chị Thúy nghẹn ngào.

Người chăn nuôi miền Bắc 'ngóng' hỗ trợ từ ngân hàng- Ảnh 2.

Nhiều hộ chăn nuôi bày tỏ mong muốn được ngân hàng hoãn, giãn nợ và cho vay mới để nhanh chóng tái đàn

Ảnh: Đan Thanh

Vay Agribank 4 tỉ đồng để đầu tư vào bè cá, giờ đây gia đình chị Thúy chỉ mong được ngân hàng hoãn nợ, giãn nợ và cho vay mới để có thể hồi phục. Chị Thúy tin rằng, chỉ cần ngân hàng tin tưởng cho vay vốn, nhanh chóng mua cá con thả kịp thời thì chỉ 2 năm, gia đình chị có thể có tiền trả nợ ngân hàng.

Ông Đoàn thì kể, gia đình ông đang nợ BIDV và Agribank tổng cộng 20 tỉ đồng, mỗi tháng trả lãi đều đặn 200 triệu đồng. Ông đang đề nghị ngân hàng đánh giá tình hình hiện trạng để xem xét hỗ trợ, tạo điều kiện cho gia đình được hoãn, giãn nợ, nếu được vay thêm vốn với lãi suất ưu đãi thì quá tốt.

"Có đủ tiền, tôi mong muốn ngay lập tức tái đàn trở lại với số lượng 80.000 con gà, tương ứng số vốn cần khoảng 11 - 12 tỉ đồng. Đủ tiền thì tôi sẽ mua luôn gà đã có thể đẻ trứng với mức giá 150.000 đồng/con để khai thác ngay; nếu không đủ tiền, tôi đành mua gà con, nuôi khoảng 5 tháng sau gà sẽ bắt đầu đẻ trứng", ông Đoàn nói.

Tại buổi làm việc giữa Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước các chi nhánh tại Quảng Ninh và Hải Phòng mới đây, đại diện các ngân hàng cho biết đang nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp để có thể hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn sau bão số 3.

Phó thống đốc thường trực Đào Minh Tú đánh giá, nhiều khách hàng, doanh nghiệp thiệt hại mà không có khả năng trả nợ và gần như mất trắng tài sản, không có nguồn nào bù đắp. Đây là vấn đề lớn đặt ra với các cấp, các ngành, đặc biệt với ngành ngân hàng. Cần có những chính sách đảm bảo kịp thời, phù hợp và giải quyết ngay những nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài, góp phần ổn định cuộc sống cũng như khắc phục hậu quả do bão để lại.

Trước đó, ngày 9.9, Ngân hàng Nhà nước có công văn yêu cầu triển khai các giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành; thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay...

Theo Báo cáo về công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão mà Bộ NN-PTNT gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 14.9, bão số 3 gây nhiều thiệt hại về nông nghiệp.

Điển hình như 3.269 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi, tập trung tại: Quảng Ninh 2.637, Hải Dương 434...

21.786 con gia súc, 2.621.106 con gia cầm bị chết, tập trung tại: Hải Phòng 1.062.690, Hải Dương 388.605, Thái Nguyên 280.625, Quảng Ninh 262.222…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.