“Tôi được món quà là khả năng chạy những chặng đường dài và có lẽ xa hơn bất kỳ người nào trên trái đất. Sẽ là một gã ngu ngốc nếu tôi không sử dụng nó để làm điều có ích cho cộng đồng”, Pat Farmer (Úc) đã làm nên những chuyến siêu marathon từ ý nghĩ trên.
Rời khỏi nghị trường
Năm 2001, Pat Farmer trở thành đại biểu quốc hội Liên bang Úc và là thư ký quốc hội cho Bộ trưởng Giáo dục, Khoa học và Đào tạo. Gần một thập niên theo con đường chính trị, Pat Farmer nhận ra rằng việc ngồi trong các buổi họp và chỉ nói suông không đủ làm đổi thay cuộc sống đầy thiếu thốn bên ngoài. “Tôi đi nhiều nơi, tận mắt chứng kiến sự nghèo khó đang tồn tại trên thế giới này. Đó là cảnh rất đông người dân ở Ấn Độ, Nepal, Ai Cập, Peru không có điều kiện vệ sinh tốt bởi thiếu nước sạch. Là những đứa trẻ ở khu vực Đông Nam Á bị vật nhọn đâm phải khi đang xới tung những đống rác để lượm ve chai nhằm có tiền mua nước uống hay một cậu bé ở Đông Timor do làm việc quần quật đã chết lả ngay trước mắt tôi… Những hình ảnh đáng thương đó khiến tim tôi đau nhói. Nó thật sự ám ảnh tôi, khiến tôi suy nghĩ phải làm sao có một hành động ý nghĩa, phải chung tay góp sức với cộng đồng bằng cách quyên góp thật nhiều tiền để giúp đỡ người nghèo”, Pat Farmer chia sẻ.
|
Người đàn ông 50 tuổi này quyết định rời bỏ nghị trường, xắn tay làm công tác từ thiện với tâm niệm: nhiều người sử dụng bộ não hoặc tài năng sáng tạo để giúp đỡ người khác trong khi mình có đôi chân dẻo dai, từng chạy bộ nhiều lần trước đây và đã thể hiện tốt trong nhiều giải chạy marathon, sẽ thực hiện các chuyến chạy bộ để quyên góp từ thiện.
Sau nhiều chuyến marathon được xác nhận kỷ lục, năm 2011 Pat Farmer vang danh khi thực hiện thành công chuyến siêu marathon hơn 21.000 km, từ cực bắc đến cực nam trái đất trong vòng 10 tháng 13 ngày nhằm gây quỹ cung cấp, cải thiện nước sạch cho nhiều nơi nghèo khó khắp thế giới thông qua các hội chữ thập đỏ.
“Gã điên” Pat Farmer nhớ như in vào giữa tháng 1.2011, giữa cơn giá lạnh âm 10 độ C tại công viên Central Park (New York, Mỹ), nơi ông tập luyện nhằm chuẩn bị cho chuyến marathon lịch sử. Ông đeo 2 lốp xe nặng 30 kg gắn vào một cái đai trên lưng di chuyển từ giờ này sang giờ khác, từ ngày này sang ngày khác trên những lớp tuyết dày và trơn trượt với tổng chiều dài 25 km mỗi ngày.
Những người chứng kiến cảnh tập luyện của Pat Farmer ngỡ ông là gã… điên. “Nè, anh trai, anh đang tập luyện để tham gia lao động khổ sai hả?” hay “Anh bạn, có muốn tôi giúp anh tìm phần còn lại của chiếc xe không”… Mặc những lời trêu đùa của mọi người, Pat Farmer âm thầm tập luyện để thực hiện cuộc marathon lịch sử của mình.
10 tháng 13 ngày chạy từ cực Bắc đến cực Nam với vô vàn gian nan, thử thách được Pat Farmer ghi lại cặn kẽ trong cuốn nhật ký của mình. Trung bình mỗi ngày ông chạy 65 km, có những chặng lên tới 100 km. Trong suốt hành trình, người đàn ông này đã đương đầu với những cơn bão tuyết, suýt mất mạng khi bị lạc giữa sa mạc nóng như thiêu như đốt ở Peru cũng như lẩn tránh lũ gấu Bắc cực... Tháng 1.2012, Pat Farmer hoàn thành 21.000 km trước sự kinh ngạc đến khâm phục của nhiều người.
Trước đó Pat Farmer đã xác lập nhiều kỷ lục marathon như: chạy 83 ngày với 6.307 km trong vùng nhiệt đới, chạy 129 ngày băng sa mạc Simpson, chạy vòng quanh nước Úc trong 191 ngày…
Tiếp nối chuyện phi thường
Câu chuyện về sự dũng cảm với tinh thần từ thiện của Pat Farmer khiến cựu du học sinh Việt Nam tại Úc - Mai Nguyễn Đình Huy bỏ công việc để thuyết phục ông trở về Việt Nam cùng thực hiện chuyến marathon “Nối liền non sông Việt Nam” nhằm kêu gọi đóng góp cho Hội Chữ thập đỏ tiếp tục dự án cải thiện điều kiện nước sạch cho người dân Việt.
Không ngần ngại, Pat Farmer gật đầu đồng ý và hôm nay (9.12), ông cùng Mai Nguyễn Đình Huy bắt đầu chinh phục hành trình 3.200 km trong vòng 40 ngày, xuất phát từ Móng Cái (Quảng Ninh) và kết thúc tại Cà Mau. Chuẩn bị cho chuyến marathon này, Pat Farmer tập chạy từ 3-5 giờ mỗi ngày trong khi Đình Huy ngốn 5-6 tiếng mỗi ngày tập luyện.
“Điều duy nhất bây giờ tôi cân đo đong đếm chính là mình đóng góp được bao nhiêu cho những người thiếu thốn. Tôi đến Việt Nam chạy marathon xuất phát từ trái tim và mong nhận được sự hưởng ứng của mọi người dù các bạn chỉ đồng hành cùng chúng tôi 100 m hay 1 km…”, Pat Farmer chia sẻ.
Pat Farmer cho biết chương trình này không nhằm mục đích quyên tiền trực tiếp tại Việt Nam mà sẽ từ Úc và các nước khác thông qua Hội Chữ thập đỏ Úc. Sau đó, Hội Chữ thập đỏ Úc sẽ tài trợ lại các dự án nước sạch ở Việt Nam thông qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Hoàng Quỳnh
Bình luận (0)