>> Người chuyển giới khóc cười 'thân sâu hồn bướm - Kỳ 1: 'Vác đơn' đi xin chuyển giới
|
Nhóm… ngoài vùng phủ sóng
Chính vì lẽ đó, phần lớn người chuyển giới gặp nhiều khó khăn trong quá trình tìm việc làm. Theo tiến sĩ Phạm Quỳnh Phương, mâu thuẫn giữa thể hiện giới và giới tính ghi trong lý lịch khiến nhiều người chuyển giới nữ phải làm những công việc dành cho nam giới. Điều này dẫn đến hệ quả họ không làm nổi (sức khỏe yếu), nên bị mất việc hoặc bỏ việc. Cứ thế, vòng luẩn quẩn thất học - không có việc làm - nghèo đói của họ tái diễn, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự kỳ thị của xã hội.
Được biết, công việc mưu sinh phổ biến của nhiều người chuyển giới từ nam sang nữ là hát đám ma, đám tiệc, làm xiếc. Để có tiền và đáp ứng thú tiêu khiển của khách, những người này chấp nhận biểu diễn những trò nguy hiểm như đốt lửa trên cơ thể, đổ sáp nóng vào miệng, nuốt lưỡi dao lam, nhai than hoặc nhai nhang đang cháy… Bên cạnh đó, có những người làm trong lĩnh vực trang điểm, hoặc cho thuê áo cưới, thời trang.
Còn những người chuyển giới từ nữ sang nam thì sao? Khoai (29 tuổi, ngụ ở quận 1, TP.HCM), một người khá nổi tiếng trong giới này, cho biết: Do khó kiếm việc, nhiều người bạn của Khoai phải chấp nhận lao động với mức thu nhập thấp hơn 50% so với đồng nghiệp. Đa phần trong số đó làm những công việc phổ thông, tay chân đơn giản.
Không được lên máy bay dù có bảo lãnh
Cát Thy (23 tuổi, tên thật là Nguyễn Chí Hùng), một người chuyển giới làm nghề xiếc - hát đám tại TP.HCM kể rằng, vào năm 2012, Cát Thy được tài trợ đi máy bay ra Hà Nội để tham gia chương trình Khát khao được là chính mình.
“Do chưa làm được chứng minh thư, tôi đã trình sổ KT3 và giấy khai sinh khi làm thủ tục ở sân bay. Nhưng vì tôi để tóc dài, mặc đồ nữ, trong khi trong giấy tờ tên tôi là nam, nên họ nhất quyết không cho tôi lên máy bay, dù lúc đó đã có người bên ban tổ chức đứng ra bảo lãnh. Sau đó, tôi đành phải chuyển sang phương tiện di chuyển khác”, Cát Thy ngậm ngùi tiếc nuối. Cát Thy còn tâm sự, những người chuyển giới như Thy gặp nhiều bất tiện, khó khăn khi đi thuê nhà hay đi khám chữa bệnh.
Năm nay đã 21 tuổi, nhưng Yuki (một người chuyển giới từ nam sang nữ, ngụ tại TP.HCM) mới đi làm chứng minh nhân dân (CMND) trong tháng 8 vừa rồi. Yuki bộc bạch: “Mình làm chứng minh thư lâu hơn người khác 4 ngày, vì người ta phải điện về phường hỏi thăm, xác minh có phải là mình tên Lê Thanh Tùng không, có cư ngụ ở đó không…”.
Yuki cho hay đã từng được đi lại bằng máy bay. Tuy nhiên, Yuki khẳng định thường phải có sự bảo lãnh của người quen hay tổ chức nào đó thì mới “bay” được.
Có lẽ một phần nhờ tính tình cởi mở, có kinh nghiệm thường xuyên đi máy bay nên Jessica (làm nghề trang điểm tại quận 6, TP.HCM) ít gặp khó khăn hơn bạn bè trong những chuyến bay nội địa lẫn quốc tế. Tuy vậy, Jessica vẫn có những kỷ niệm khó quên trong một số giao dịch dân sự khác.
Jessica kể: “Hồi trước mới công khai, chuyện giấy tờ của tôi rất bế tắc. Tôi không dám làm thẻ ngân hàng, mọi thứ đều nhờ người khác đứng tên. Đến lúc tôi phải trực tiếp ra giao dịch, người ta đọc tên Nguyễn Hữu Toàn, ai cũng nhìn khiến tôi run lắm! Tôi không giấu họ rằng tôi là người chuyển giới. Không biết nhờ sự thẳng thắn như vậy, nhờ ngoại hình đặc biệt so với giấy tờ hay nhờ trời thương mà sau này, người ta luôn ưu tiên cho tôi”.
Chưa tính hết khía cạnh nhạy cảm về giới?
Bà Đinh Hồng Hạnh, chuyên viên tư vấn thuộc Tổ chức Bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới Việt Nam (Trung tâm ICS) cho rằng: Người chuyển giới đã và đang phải chịu sự kỳ thị, nạn bạo hành và phân biệt đối xử vì sự thể hiện và khao khát được là chính mình. Sự bất công này khiến người chuyển giới, trong đó có những người có tài năng và nghị lực, bị ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe tâm thần, bị rủi ro cao về sức khỏe, không có cơ hội tìm kiếm việc làm để đóng góp hữu ích cho xã hội.
“Một vấn đề rất quan trọng là người chuyển giới phải được đảm bảo quyền tiếp cận công bằng đến các dịch vụ công, đặc biệt là các dịch vụ hành chính về làm các giấy tờ nhân thân, quyền được chăm sóc sức khỏe. Có rất nhiều người chuyển giới tại TP.HCM không thể đi được máy bay, hay những phương tiện vận chuyển yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân khác, vì không có CMND, passport”, đại diện Trung tâm ICS nhìn nhận.
Đề cập đến trường hợp người chuyển giới Trâm Anh (Nguyễn Văn Hiếu) đang bị điều tra về hành vi mua bán trái phép chất ma túy, bà Đinh Hồng Hạnh nhận định: “Trường hợp chuyển giới này đã phẫu thuật ngực, nên không thể giam chung với đàn ông. Tuy nhiên, người này chưa phẫu thuật cắt bỏ bộ phận sinh dục nên cũng không thể giam chung với phụ nữ. Khi căn cứ vào giấy tờ tùy thân để giam chung với phạm nhân nam thì có thể xảy ra việc người này bị lạm dụng tình dục… Những trường hợp như vậy cho thấy luật pháp chưa tính đến hết các khía cạnh nhạy cảm về giới cho người chuyển giới”. Đại diện Trung tâm ICS kiến nghị, trong trường hợp tạm giữ hình sự hoặc thi hành án phạt tù với người chuyển giới, cần có khu giam giữ riêng cho họ. Cũng theo trung tâm này, nhằm tháo gỡ những bất cập, khó khăn của những người chuyển giới trong cuộc sống hằng ngày, pháp luật nên chăng có sự điều chỉnh một số quy định, chẳng hạn cho phép có thêm mục “khác” hoặc “chuyển giới” trong mục giới tính trên các giấy tờ tùy thân của họ… |
Như Lịch
>> Cần sớm có quy định về giam giữ người chuyển giới!
>> Video clip: Người chuyển giới nhọc nhằn mưu sinh
>> Nước mắt của người chuyển giới - Kỳ 1: Ngậm đắng nuốt cay để 'lộ diện
>> Nước mắt của người chuyển giới - Kỳ 2: Bấp bênh tìm việc mưu sinh
>> Nước mắt của người chuyển giới - Kỳ 3: Ma trận rào cản làm sao phá bỏ?
>> Gỡ rối pháp lý cho người chuyển giới
>> Gỡ rối pháp lý cho người chuyển giới - Kỳ 2: Giới y học nói gì ?
>> Gỡ rối pháp lý cho người chuyển giới - Kỳ 3: Cơ quan chức năng cũng khổ
>> Gỡ rối pháp lý cho người chuyển giới - Kỳ 4: Ngoài vòng pháp luật
>> Gỡ rối pháp lý cho người chuyển giới - Kỳ 5: Bộ Y tế hứa tháng 6
Bình luận (0)