Ăn vội vì đặc thù công việc
Ăn vội, dùng bữa qua loa luôn tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh về tiêu hóa, đường ruột, bệnh béo phì nhưng nhiều người buộc phải ăn vội vì đặc thù công việc như tài xế, công nhân… đến cả nhân viên văn phòng.
Từng có thời gian chạy xe công nghệ, Trần Đình Yên (24 tuổi, ngụ Đồng Tháp) cho biết, việc ăn uống nhanh hay chậm sẽ tùy vào người chạy và thói quen của họ. Nhưng đa phần, đàn ông sẽ có thói quen ăn nhanh.
Ăn nhanh, nuốt vội tiềm ẩn bệnh về tiêu hóa, đường ruột |
Shutterstock |
“Tôi thường ăn ít hơn 10 phút. Thông thường, tài khoản người chạy sẽ được điểm cao hơn nếu chạy vào giờ trưa nên chúng tôi sẽ tránh ăn vào những giờ đó mà tranh thủ ăn trước hoặc sau. Lúc này, ăn cũng thư thả hơn”, Yên nói thêm.
Làm công việc văn phòng nhưng Trịnh Tuấn Nhi (23 tuổi, quê Đồng Nai) thường dành 15 - 20 phút cho bữa ăn trưa. Đó là vào những ngày thông thường, còn khi nhiều việc, cô vừa làm vừa tranh thủ ăn trong khoảng 10 phút.
“Thời gian nghỉ trưa của nhân viên văn phòng thường không nhiều. Do đó, chúng tôi phải ăn nhanh để còn thời gian chợp mắt. Những ngày cuối tháng và cuối năm, lượng công việc nhiều hơn, chúng tôi cũng chỉ ăn qua loa”, Nhi nói thêm.
Phạm Thanh Thiện (26 tuổi, tiếp viên hàng không) từng chia sẻ, thời gian ăn uống trong mỗi chặng bay của anh thường diễn ra 7 - 10 phút. Do đặc thù công việc phải luôn quan sát, hỗ trợ hành khách nên mọi người sẽ tranh thủ dùng bữa nhanh nhất có thể. Bù lại, vào ngày nghỉ, Thiện dành nhiều thời gian tập luyện thể thao để bảo vệ sức khỏe.
Tài xế, người chạy xe công nghệ thường có thói quen ăn nhanh |
Thanh Dung |
Bữa ăn nên kéo dài hơn 20 phút
Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, khoa Dinh dưỡng - tiết chế Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, cơ thể cần đến 15 - 20 phút để các thụ thể ở dạ dày đáp ứng với sự căn của dạ dày khi chứa thức ăn, cũng như các hormone truyền tín hiệu đến não cho biết thức ăn đã được tiêu hóa một phần ở ruột.
“Khi ăn vội, cơ thể không kịp đưa tín hiệu đến não cho biết đã đủ no. Điều này dẫn đến người ăn vội, ăn quá nhanh có nguy cơ ăn nhiều hơn nhu cầu cơ thể, dẫn đến khả năng béo phì gấp 3 lần so với người ăn chậm hơn. Người ăn nhanh cũng có tình trạng trào ngược dạ dày cao hơn”, bác sĩ Lâm Vĩnh Niên nói.
Người ăn vội dễ mắc bệnh béo phì gấp 3 lần người ăn chậm |
Shutterstock |
Bác sĩ Lâm Vĩnh Niên khuyến cáo: “Mỗi bữa ăn nên kéo dài hơn 20 phút, lý tưởng là khoảng 30 phút để não bắt kịp tín hiệu của dạ dày. Nhai kỹ 15 - 30 lần cho mỗi lượng thức ăn trong miệng để dạ dày làm việc nhẹ nhàng hơn. Bạn có thể buông muỗng, đũa và đặt tay xuống bàn giữa mỗi lần đưa thức ăn vào miệng. Để giảm lượng ăn vào ở mỗi bữa, bạn cũng có thể uống vài ngụm nước khi ăn”.
Với những người đang có thói quen ăn nhanh, hãy dùng đồng hồ để kiểm soát thời gian ăn. Còn nếu buộc phải ăn vội, bạn nên chọn kích thước bữa ăn từ trung bình đến nhỏ, nhất là phần ăn ở cửa hàng ăn nhanh vì thường có năng lượng rất cao. Nên chọn món ăn lành mạnh nhiều rau xanh, uống nước lọc hay thức uống không thêm đường, hạn chế đồ chiên xào, dầu mỡ.
Bình luận (0)