Bộ Y tế lần đầu tiên hướng dẫn điều trị bệnh béo phì

Liên Châu
Liên Châu
25/10/2022 12:15 GMT+7

Lần đầu tiên Bộ Y tế có hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh béo phì, dù căn bệnh này được Việt Nam được cảnh báo từ khoảng 15 năm trước.

Ăn nhiều, ít vận động tăng nguy cơ béo phì

Bộ Y tế vừa có Quyết định số 2892/QĐ-BYT ngày 22.10 về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì”. Hướng dẫn này được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước.

Phẫu thuật điều trị béo phì đã được thực hiện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong các năm gần đây

THẢO MY

Quyết định 2892 cũng bãi bỏ bài bệnh béo phì trong “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nội tiết - chuyển hóa” được ban hành tại Quyết định số 3879/QĐ-BYT năm 2014. Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế có hướng dẫn riêng về chẩn đoán, điều trị bệnh béo phì.

Các điều tra trong nước cho thấy, thấy tần suất thừa cân, béo phì trên người lớn ở Việt Nam tăng liên tục, từ 2,3% năm 1993 và tăng lên 15% vào năm 2015.

Rất đáng lưu ý, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường ở nhóm 5 - 19 tuổi đã tăng từ 8,5% năm 2010 lên thành 19% năm 2020. Trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.

Theo hướng dẫn, việc quản lý và điều trị béo phì không chỉ giảm cân đơn thuần mà còn cần giảm nguy cơ các biến chứng và cải thiện sức khỏe. Những điều này có thể đạt được bằng cách giảm cân vừa phải, cải thiện hàm lượng dinh dưỡng trong chế độ ăn uống và kể cả vận động và tập thể dục mức độ trung bình.

Điều trị thích hợp cho béo phì ngoài việc kiểm soát cân nặng nên bao gồm điều trị các biến chứng: quản lý rối loạn lipid máu, tối ưu hóa kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2, điều trị tăng huyết áp, quản lý rối loạn hô hấp (như hội chứng ngưng thở khi ngủ); chú ý đến kiểm soát cơn đau và nhu cầu vận động trong viêm khớp, quản lý rối loạn tâm lý xã hội, bao gồm rối loạn cảm xúc.

Mục tiêu thực tế điều trị là giảm cân 5 - 15% trong khoảng thời gian 6 tháng, mức giảm này đã được chứng minh mang lại lợi ích sức khỏe. Có thể cân nhắc giảm cân nhiều hơn (20% trở lên) đối với những người có mức độ béo phì cao.

Theo hướng dẫn, điều trị béo phì có các phưpng pháp như dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Quá trình điều trị còn bao gồm việc tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng vận động thể lực ở múc phù hợp.

Lưu ý về nguyên tắc chỉ định thuốc, phẫu thuật

Hướng dẫn lưu ý, thuốc điều trị béo phì được xem xét để giảm cân nặng và cải thiện chuyển hóa và/hoặc các chỉ số sức khỏe khi liệu pháp thay đổi hành vi sức khỏe đơn thuần để giảm cân, điều trị béo phì không hiệu quả.

Chỉ định của phẫu thuật giảm cân chỉ áp dụng khi thất bại với các điều trị không phẫu thuật ở người bệnh có BMI từ 35 kg/m2 trở lên hay BMI từ 30 kg/m2 trở lên bệnh lý đồng mắc liên quan béo phì.

Mỗi phương pháp phẫu thuật béo phì đều có ưu, nhược điểm riêng. Tùy từng trường hợp bệnh nhân cụ thể phẫu thuật viên sẽ tư vấn và lựa chọn phẫu thuật phù hợp.

Chẩn đoán béo phì, căn cứ trên chỉ số cơ thể (BMI)

BMI (kg/m2) = cân nặng (kg)/chiều cao (m2)

Béo phì gây ra các vấn đề trầm trọng đến sức khỏe, là thủ phạm gây hơn 200 bệnh khác nhau, như bệnh tim mạch, đột qụy, đái tháo đường, thoái hóa khớp, gan nhiễm mỡ và nhiều bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa.

Béo phì có thể do một trong các nguyên nhân về dinh dưỡng, di truyền, nội tiết, mô bệnh học. Một số loại thuốc có thể gây béo phì. Nguyên nhân khác như lối sống tĩnh tại, lười hoạt động thể lực; bỏ hút thuốc lá hoặc hút thuốc khi mang thai cũng gây béo phì. Tuy nhiên, béo phì có thể do có nhiều nguyên nhân phối hợp.

(Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì, Bộ Y tế)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.