Người cuối trong 'tứ trụ bầu sô' đã ra đi

27/07/2016 06:09 GMT+7

Trong lĩnh vực sân khấu - ca nhạc - kịch nghệ ở miền Nam trước và sau năm 1975 có 4 ông bầu sô được xưng tụng là 'vua đại nhạc hội'. Chiều 25.7, người cuối cùng trong 'tứ trụ' này cũng đã ' Vĩnh biệt đời xinh đẹp'.

Nhắc đến “tứ trụ bầu sô” với danh xưng “nhất Biếu (Hoàng Biếu), nhì Giao (Ngọc Giao), tam Ngọc (Duy Ngọc), tứ Đặng (Sỹ Đặng)” thì bất cứ nhà tổ chức đại nhạc hội nào ở Sài Gòn trước đây cũng đều thán phục. Mỗi người trong nhóm họ còn được tôn là “vua đại nhạc hội” bởi suốt gần 3 thập niên của thế kỷ trước (60, 70, 80) họ thâu tóm hết các hoạt động sân khấu ca nhạc ở các rạp hát nổi tiếng như Quốc Thanh, Quốc Tế, Trần Hưng Đạo, Hào Huê, Hoàn Kiếm... Không chỉ sở hữu các rạp hát, 4 ông “vua” này còn điều phối cả những ca sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ như: Elvis Phương, Thái Châu, Duy Quang, Phương Đại, Thái Thanh, Phương Dung, Thanh Thúy, Khánh Ly, Giao Linh, Lệ Thu, Thanh Tuyền, Mộng Tuyền...
Trong 4 bầu sô này thì Hoàng Biếu và Sỹ Đặng đã mất khá lâu, Duy Ngọc mất đầu năm nay (ngày 25.1), người duy nhất còn lại là Ngọc Giao cũng ra đi lúc 19 giờ 20 ngày 25.7.
Nhớ hôm gặp lão nghệ sĩ trong cuộc họp mặt Tao ngộ bằng huynh cận Tết Bính Thân (2016), ông vỗ vai người viết: “Này, “tứ trụ bầu sô” của Sài Gòn xưa giờ chỉ còn có mình tớ thôi đấy, liệu mà viết đi”. Ông cười đầy hào sảng, thân hình đẫy đà với mái tóc dài trắng như cước. Ở tuổi 76 trông ông vẫn tráng kiện lắm. Ông cho tôi số điện thoại. Chưa kịp gọi thì ông đã ra đi...
Người Huế thành danh tại Sài Thành
Ông tên thật là Nguyễn Ngọc Giao, sinh tại làng Phù Lễ (Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) trong một gia đình nghèo có đến 7 anh chị em. Tuổi thơ cơ cực đã tôi luyện cho Ngọc Giao một cá tính ngang tàng nhưng cũng đầy chất nghệ sĩ (thích ca hát, chơi đàn, làm thơ, viết văn) ngay từ khi còn bé. 20 tuổi, Ngọc Giao vào Sài Gòn lập nghiệp, và dù chưa qua một trường lớp đào tạo chính quy nào về nghề báo nhưng ông vẫn trở thành một cây bút viết sân khấu, điện ảnh sắc sảo, được nhiều người biết đến tên tuổi. Nghề báo tạo cho ông nhiều mối quan hệ với giới văn nghệ sĩ, cùng với niềm đam mê nghệ thuật. Và ông nghiễm nhiên trở thành một phần trong thế giới showbiz thời bấy giờ. Nhờ các mối quan hệ và sự quen biết giới ca sĩ nên chỉ trong một thời gian ngắn, ông đứng ra thành lập đoàn nghệ thuật mang tên Ngọc Giao.
Các đêm diễn của đoàn Ngọc Giao (vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần tại rạp Olympic - nay là Trung tâm văn hóa TP.HCM) luôn thu hút đông đảo khán giả không thua kém gì hoạt động của đàn anh Hoàng Biếu đang nổi danh lúc đó. Tên tuổi của Ngọc Giao dần khẳng định trong làng ca nhạc Sài Gòn.
Linh cữu nghệ sĩ Ngọc Giao quàn tại tư gia số 031 lô 8, cư xá Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Di quan lúc 7 giờ ngày 29.7 và hỏa táng tại Bình Dương.
Sau năm 1975, Ngọc Giao thành lập đoàn ca múa nhạc mang tên Trường Sơn. Qua sự điều phối của ông, Trường Sơn không ngừng lớn mạnh kéo theo sự đầu quân của các ca sĩ nổi tiếng như Chế Linh, Duy Khánh, Anh Khoa và nhiều ca sĩ khác, quân số có lúc lên đến hàng trăm người. Vì đông nghệ sĩ về đầu quân quá nên năm 1977 ông chia ra thành hai đoàn hát là Ngọc Giao 1 và Ngọc Giao 2.
Nặng tình với anh em nghệ sĩ
Ngọc Giao là người đầu tiên đưa quân đi lưu diễn từ nam ra bắc bằng đường bộ lẫn đường thủy. Dù có khi phải cầm đồ, cầm xe hơi, bán cả quần áo để trả lương cho ca sĩ nhưng với ông đó là “chữ tín” với anh em, đồng nghiệp. Ông chia sẻ: “Làm bầu là cái nghiệp, ai cũng có lúc “lên voi, xuống chó”, như ông bầu “vua” Hoàng Biếu có khi còn phải dỡ mái tôn lợp nhà đem đi bán lấy tiền mướn xe chở đội quân đi diễn. Đến nơi khác chưa có cơm cho công nhân ăn, phải tạm cầm mấy cái ampli, tối diễn chờ lấy tiền bán vé để chuộc lại. Còn ông bầu Duy Ngọc từng phải trốn nợ vì thua độ đá gà, nằm lì ở nhà bạn, trên chiếc ghế bố rách tả tơi, nhưng ai cũng phải giữ cái tình với những anh em nghệ sĩ đã không quản vất vả, đói khổ chia sẻ với mình...”.
Sau 1975, chỉ có Ngọc Giao mới dám liều đem quân ra bắc lưu diễn, lần đầu đoàn đặt chân đến Hà Nội đã gặp phải nhiều sóng gió, nhưng nhờ tên tuổi của Ngọc Giao lúc này đã lan truyền khắp nước nên ông được nhiều bạn bè trong giới giúp đỡ. Rạp Hồng Hà các đêm đoàn Ngọc Giao đến diễn đều bán sạch vé. Dân Hà Nội nườm nượp kéo nhau đi xem lối diễn xuất rất “lạ” của các ca sĩ trong nam, nhất là kiểu hát “bốc lửa” của các ca sĩ trẻ. Qua những buổi diễn này, nhiều đơn vị, kể cả tư nhân và nhà nước, đều tìm đến ký hợp đồng diễn xuất với đoàn.
Năm 2001, Ngọc Giao chính thức giã từ kiếp bầu sô của mình để quay về làm một người lao động bình thường. Ông về Q.2, TP.HCM mở một quán cà phê và... làm thơ: “Mấy mươi năm dở khóc dở cười/Bao năm lặn lội/Cuộc đời được thua/Đời nghệ sĩ/Cánh chim bằng đã mỏi/Đường giang hồ/kiểm lại đời ta... Ta về đây/Vĩnh biệt đời xinh đẹp/Mệt quá rồi, muốn ngủ chưa yên” (trích trong tập Thôi đành cho gió thổi vèo cuốn đi - thơ Nguyễn Ngọc Giao).
Tuy đã “rửa tay gác kiếm”, nhưng mỗi lần các nghệ sĩ lão thành của Sài Gòn xưa họp mặt trong Tao ngộ bằng huynh (6 lần tổ chức) đều thấy Ngọc Giao xuất hiện giữa anh em bạn bè. Sáng 26.7, nghe người viết báo tin, chú Trương Phước Hoài (hội trưởng Tao ngộ bằng huynh) sửng sốt: “Anh Ngọc Giao mất rồi thật sao?”. Quả vậy, ai mà biết ông đã nói trong lặng thầm: “Ta về đây/Vĩnh biệt đời xinh đẹp...”. Xin vĩnh biệt “con ngựa già bất kham”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.