Người cựu binh và hơn 15.000 lá thư báo tin liệt sĩ

27/07/2012 11:26 GMT+7

(TNO) Gần 30 năm nay, ông Đào Thiện Sính (65 tuổi) trú ở thị trấn Khánh Vĩnh (H.Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) đã lặn lội đến hơn 200 nghĩa trang trên nhiều vùng miền đất nước, từ Quảng Trị đến Cà Mau rồi lên cả Tây nguyên, để tìm người anh trai hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ. Trên bước đường tìm "tung tích" người anh, ông vô tình trở thành người báo mộ cho các gia đình liệt sĩ.

(TNO) Gần 30 năm nay, ông Đào Thiện Sính (65 tuổi) trú ở thị trấn Khánh Vĩnh (H.Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) đã lặn lội đến hơn 200 nghĩa trang trên nhiều vùng miền đất nước, từ Quảng Trị đến Cà Mau rồi lên cả Tây nguyên, để tìm người anh trai hi sinh trong chiến tranh chống Mỹ. Trên bước đường tìm "tung tích" người anh, ông vô tình trở thành người báo mộ cho các gia đình liệt sĩ.

Ông Sính sinh ra và lớn lên ở H.Ninh Giang (Hải Dương). Năm 20 tuổi, ông nhập ngũ, chiến đấu ở các mặt trận Tây nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam, chiến trường Campuchia.

Người anh trai ông là Đào Chí Nguyện (SN 1937) cũng vào Nam tham gia chiến đấu nhưng đã không trở về.

Năm 1983, ông Sính xuất ngũ, về địa phương và bắt đầu hành trình tìm anh và đồng đội. Ông nói: “Mới đầu, tôi cũng chỉ có ý định là đi tìm anh trai mình thôi. Nhưng rồi, trên đường đi, tôi gặp những người có chồng con hi sinh trong chiến tranh đang từng ngày mong ngóng tin tức người thân. Họ cũng như tôi. Từ đó, ngoài tìm anh, tôi tìm luôn những liệt sĩ khác và coi đó là cách để mình tri ân những đồng đội đã ngã xuống”.

Người cựu binh gửi hơn 15.000 lá thư báo tin liệt sĩ
Ông Đào Thiện Sính đang viết thư báo tin gửi đến thân nhân các liệt sĩ - Ảnh Nguyễn Chung

Người cựu binh gửi hơn 15.000 lá thư báo tin liệt sĩ
Cựu binh Đào Thiện Sính tại nghĩa trang Long Khánh (Đồng Nai) - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mỗi lần ra đi, người cựu binh già chỉ mang theo vài bộ quần áo bỏ trong chiếc ba lô đã sờn và chút tiền đủ chi tiêu dọc đường. Đến từng nghĩa trang, ông Sính lại dò tìm từng phần mộ, rồi ghi những thông tin tìm được, viết tay từng lá thư báo tin cho thân nhân liệt sĩ. Sau này, để công việc nhanh hơn, ông photo sẵn mẫu thư, khi cần chỉ điền thêm thông tin trên bia mộ và gửi.

Hội Cựu chiến binh H.Khánh Vĩnh xác nhận, trong những năm qua, ông Sính đã gửi hơn 15.000 thư báo tin liệt sĩ. Còn ông Sính thì cho biết, tính theo thư hay điện thoại của người thân các liệt sĩ hồi âm cho ông, đến nay có khoảng 30% trường hợp từ tin báo của ông, gia đình các liệt sĩ đã tìm được phần mộ thân nhân đưa về quê nhà.

Ông Sính cho biết, trên bước đường tìm anh, tìm đồng đội, nhiều tối ông gối đầu lên ba lô, ngả lưng nằm trong các nghĩa trang, cứ thao thức mãi, không sao ngủ được. Tuy đến nay ông vẫn chưa có tung tích gì về người anh trai, nhưng mỗi khi lá thư báo tin của mình góp phần đưa đồng đội trở về với gia đình điều đó cũng khiến ông cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Ông nói: “Nhiều đồng đội, trong đó có anh tôi đã ngã xuống trong chiến đấu. Tôi may mắn hơn khi còn sống trở về. Vì thế, tôi sẽ còn đi tìm anh và đi tìm đồng đội”.

Nguyễn Chung

>> Kỷ niệm ngày thương binh - liệt sĩ 27.7: Về “làng 4 nhất”
>> Nhân kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7)
>> Nhân ngày 27.7: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
>> Kỷ niệm 58 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2005)
>> Ngày 27.7, tổ chức lễ cầu siêu cho các liệt sĩ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.