Thông tin trên được Phó chủ tịch Võ Văn Hoan nêu tại hội nghị triển khai kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, diễn ra chiều 26.11.2024.
Theo Nghị quyết 1278 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TP.HCM sắp xếp 80 phường để thành lập 41 phường mới, giảm 39 phường.
Như vậy, kể từ ngày 1.1.2025, TP.HCM có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 16 quận, 5 huyện và TP.Thủ Đức; 273 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 210 phường, 58 xã và 5 thị trấn.
Ông Hoan giao Sở Nội vụ biên soạn kế hoạch thực hiện, giúp cho ban điều hành báo cáo ban chỉ đạo và Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về kết quả phê duyệt của Trung ương và kế hoạch thực hiện.
Lãnh đạo TP.HCM cho biết việc sắp xếp đơn vị hành đã trao đổi từ lâu. Tuy nhiên, từ nay đến thời điểm hoạt động các phường mới vào tháng 1.2025 chỉ còn hơn 1 tháng, trong khi khối lượng công việc rất nhiều. "Phải làm việc khẩn trương, nghiêm túc, tuân thủ đầy đủ quy định, quy trình, hướng dẫn của TP.HCM", ông Hoan đề nghị 10 quận khẩn trương thực hiện, đảm bảo đúng tiến độ, gắn liền với quá trình chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ cơ sở.
Về thay đổi giấy tờ, ông Hoan khẳng định TP.HCM không có chủ trương buộc mọi người dân phải thay đổi giấy tờ ngay sau khi sáp nhập mà chỉ điều chỉnh khi cần thiết. Do vậy, cơ cơ quan, đơn vị cần sớm thông báo, hướng dẫn thừa nhận giá trị pháp lý các giấy tờ này, chỉ khi có sự kiện pháp lý thì mới điều chỉnh.
Riêng với ngành công an, ông Hoan đề nghị chủ động sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia cập nhật địa chỉ mới trên hệ thống, làm cơ sở để các ngành khác sử dụng. "Khi người dân có nhu cầu điều chỉnh, không được thu bất kỳ khoản phí nào", ông Hoan yêu cầu.
Không để lãng phí trụ sở hậu sáp nhập
Về sắp xếp lại cơ sở vật chất khi sáp nhập 2 - 3 phường, ông Hoan nhấn mạnh các trường học vẫn giữ nguyên, không nhập lại với nhau; trạm y tế nhập lại một đơn vị nhưng các cơ sở cũ vẫn phải phục vụ cho cả phường. Trụ sở đảng ủy, UBND phường có thể bố trí cơ quan hành chính một nơi, hoạt động cơ quan đảng, đoàn thể một nơi.
"Cơ sở vật chất được giao tiếp tục quản lý, sử dụng hiệu quả, không để lãng phí", Phó chủ tịch Võ Văn Hoan yêu cầu. Ông gợi mở có thể lấy trụ sở phường làm nơi sinh hoạt khu phố, sửa chữa lại để sử dụng, không bỏ hoang, không bỏ trống.
Liên quan đến sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, khi sáp nhập 80 phường còn 38 phường, TP.HCM dôi dư 1.022 người. Số lượng này được sắp xếp theo lộ trình chứ không phải làm ngay, đến năm 2029 sẽ hoàn thành. Cán bộ, công chức dôi dư ưu tiên bố trí công tác tại địa phương, nếu không còn chỗ thì chuyển lên cấp quận, thành phố nếu đủ điều kiện.
Với những trường hợp phải tinh giảm, TP.HCM áp dụng nhiều chính sách để hỗ trợ theo quy định của Trung ương, và chính sách hỗ trợ thêm dự kiến thông qua tại kỳ họp cuối năm của HĐND TP.HCM.
Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ công bố kế hoạch sáp nhập các phường sẽ diễn ra đồng loạt từ ngày 28 - 31.12.
Cần hướng dẫn cách đặt tên khu phố khi sáp nhập phường
Ông Võ Thành Khả, Chủ tịch UBND Q.8 cho biết khi sắp xếp lại khu phố, ấp trên địa bàn TP.HCM, quận thành lập 202 khu phố, đến nay đã bầu xong trưởng khu phố. Các khu phố thuộc phường sáp nhập, trùng tên số thứ tự. "TP.HCM nên có hướng dẫn thống nhất cách đặt tên khu phố theo thứ tự", ông Khả đề nghị.
Đối với trụ sở, ông Khả cho biết quận sẽ bố trí tạm vị trí phường mới để làm việc ổn định trong 2 - 3 năm, nếu sửa chữa lớn, nâng cấp hoặc xây dựng mới, phải dùng vốn đầu tư công. Tuy nhiên, việc sửa chữa lớn thì phải có bộ máy mới được thành lập.
Bình luận (0)