Thế nhưng, dường như mọi thứ đều không như ý muốn. Để rồi người đàn bà ấy phải sầu tủi, trách hờn và phải tự ôm trọn mối tình “câm”. Khi niềm đau đã quá dày, khi mọi thứ đã trở thành thứa thải, nhân vật trữ tình xem nỗi buồn đó là liều thuốc, và gia vị sống của đời mình sau những bầm dập, ngả nghiêng của “mệnh số”.
"Có một ngày em tự cưới nỗi buồn/ Hồi tưởng thanh xuân/ đôi lần mơ ước/ Khi tóc còn xanh/ từng mong có được/ Chàng hoàng tử yêu em/ như cổ tích chuyện tình"
"Mấy chục năm rồi/ em quen với lỡ làng/ Nuôi tuổi thơ con giữa dòng đời xô đẩy/ Em kiêu hãnh như bông sen giữa bùn lầy kia vậy/ Cứ tỏa ngát một mình không cần biết cô đơn"
Điều đáng trân trọng ở nhân vật trữ tình - người đàn bà trong thơ Hoa Mai là dù có trách móc với người tình của mình nhưng đó là lời trách móc nhẹ nhàng, không phải kiểu hằn học, chua ngoa. Có chăng cũng chỉ là những lời “kể”, sự nuối tiếc một thuở đã qua...
"Ngày xưa anh hiền lành lắm/ Dù nghèo nhưng rất thương em/ Mỗi lần làm em giận dỗi/ Là anh thức trọn cả đêm"
"Rồi tiền làm anh thay đổi/ Gái đẹp làm anh bạc lòng/ Coi em thành người xa lạ/ Chung nhà chồng vợ như không"
Đau đớn vì đổ vỡ, xót xa vì tình chồng vợ bất thành, người đàn bà đành ôm trọn nỗi sầu đơn chiếc. May thay, người đàn bà này còn có những đứa con bên cạnh. Em/ người đàn bà gạt đi những giọt tủi hờn và gồng mình đứng dậy, “tỉnh mộng”, khôn ngoan hơn, mạnh mẽ hơn và bạo liệt hơn:
"Em tỉnh mộng sau những ngày chao đảo yêu anh/ Thấy nắng đỏ bình minh vẫn ngoan hiền trong mắt/ Anh không còn là hoàng tử em mong được gặp/ Và tay em lại nắm chặt tay mình"...
Đọc thơ Hoa Mai, người đọc không khó để nhận ra thiên tính nữ với đầy đủ những cung bậc, sắc thái của một người đàn bà cá tính, thông minh, sắc sảo, trải đời nhưng đôi lúc cũng cả tin và khờ dại. Để rồi, đành tự mình phải tìm cách “hóa giải”.
Sau tất cả, nhà thơ cũng sâu sắc nhận ra:
"Tình chôn đầy đáy giếng/ Mà dây gầu mỏng tang/ Nên lời yêu khuỵu xuống/ Quyện vào đời đa mang" (Một ngày).
Tìm về ký ức đã xa cũng là hành động tìm lại mình. Những buồn vui một thuở được chị nhìn nhận lại một cách nghiêm túc để vững tâm mà sống cho hôm nay và cả ngày mai. Với nhà thơ Hoa Mai, những gì đã đi qua dù vui hay buồn, dù khổ đau hay hạnh phúc, dù bất chợt thoáng qua hay âm ỉ day dứt thì đó cũng là liều thuốc tốt nhất của đời mình để rồi thăng hoa thành những vần thơ có sức lay động lòng người.
Thơ Hoa Mai là những lời trần tình của một người đàn bà đa cảm, người đàn bà ấy đã nếm đủ mọi mặn nhạt, cay đắng của cuộc đời. Bằng cảm quan và sự rung động tinh tế của trái tim nữ giới, Hoa Mai đã thể hiện rất rõ ràng, thành thật sự yêu ghét, nhớ nhung, giận hờn...
Người đàn bà trong thơ Hoa Mai luôn chịu nhiều những thua thiệt, để rồi lúc nào, bao giờ và ở đâu người đà bà ấy cũng cảm thấy đắng đót, cô đơn.
"Giường đơn bốn phía rỗng không/ Câu thơ quá lửa đơm bông mới vừa/ Một mình mình với đêm thưa/ Môi khờ vẽ một đường tơ thêu người/ Đêm nghiêng về phía tình trôi/ Gối đơn nửa chiếc bóng vời vợi xa" (Lục bát đêm).
Sau những tai ương, bất trắc, không mấy bình yên thì chính những đứa con là động lực giúp chị bình tâm mà sống quãng đời còn lại phía trước. Tuy nhiên, có một thứ nữa cũng không kém phần quan trọng để chị bám víu, gửi gắm, vững tin hơn đó là chị nương tựa vào những câu thơ. Do vậy, tất cả những gì khó nói, những gì cần bày tỏ chị đều gửi vào thơ. Hành trình cuộc đời chị là minh chứng rõ ràng nhất cho điều vừa nói.
"Thơ tôi đấy/ chênh vênh mùa trở gió/ mượn nồng nàn, sưởi ấm những lòng đêm/ Nên viết mãi/ sợ tim mình cạn máu" (Sợ mai tim cạn máu).
Nhà thơ Mai Hoa khai thác tình yêu trong trạng thái luôn vận động. Phần nhiều cái nhận được về mình là những hoang hoải buồn, sự thất vọng và những hoang mang.
"Cả một đời bươn bả ngược xuôi/ tìm hạnh phúc/ thấy toàn giông bão/ Đâu trái thị vào tay hoàng tử/ đành hao gầy/ mờ mịt lối/ tái sinh" (Thừa thãi mình ta).
Giữa biển đời mênh mông, với bao chao đảo, lại là người phụ nữ nên hơn ai hết chị muốn có nơi neo đậu bình yên. Song, đường đời có bao giờ bằng phẳng như ý con người ta muốn? Đôi lúc tưởng có thể gục ngã bởi những chấn thương tinh thần quá lớn. Nhà thơ thấu hiểu về thân phận đàn bà với những yếu mềm vốn dĩ nhưng cố tỏ ra mạnh mẽ trước bão giông. Hoa Mai có sự ví von thân phận người phụ nữ với những hình ảnh gần gũi mà ấn tượng, giản dị mà sâu sắc.
Thơ Hoa Mai, đậm đặc những nỗi buồn. Khắc khoải, dằn vặt, suy tư, lo âu, trăn trở nhưng may thay chị không tuyệt vọng. Trái tim ấy lại luôn mải miết kiếm tìm niềm vui, niềm hạnh phúc quanh mình. Dù đó có thể là những điều không như ý nguyện. Tuy vậy, với chị thì đó cũng phần nào an ủi, vỗ về những thua thiệt mà chị đã gánh chịu lâu nay.
"Người đàn bà gởi vào thơ giai điệu nhớ nhung/ Thấy con tim vẫn như hình trong trẻo/ Cơm áo đau thương nhọc nhằn mọi nẻo/ Vẫn giữ lành một góc trinh nguyên"
Hoa Mai viết về những sự vật, sự việc, hiện tượng hay những câu chuyện tình yêu tưởng chừng như bình thường, xưa cũ nhưng bao giờ chị cũng tạo ra được những nét mới có duyên, rất thần thái. Bởi nhà thơ tạo ra được “tạng” thơ riêng của mình: buồn nhưng không phải sầu thảm, khóc lóc; buồn nhưng đẹp và có cái cao sang của người giàu cảm xúc và có cá tính sáng tạo. Nhà thơ sáng tác linh hoạt ở tất cả các thể loại thơ. Tuy nhiên, thế mạnh của Hoa Mai vẫn là những bài thơ viết theo thể tự do phù hợp với giọng tự thoại, tự vấn thể hiện đầy đủ những giằng xé bên trong tâm hồn nhân vật người đàn bà thơ.
Nếm trải những thất bại ê chề trong đời sống vợ chồng, nhà thơ chợt nhận ra thứ tình yêu ấy chỉ là bổn phận, là nghĩa vụ. Và kể từ khi tan vỡ hạnh phúc lứa đôi, chị xem như mình “khóa cửa” trái tim yêu theo nghĩa trần trụi thông thường vì sự phù phiếm của nó. Hoa Mai hướng đến một tình yêu “lý tưởng”, thứ tình yêu ấy nó tinh khiết lắm, vượt thoát ra khỏi những tầm thường, bởi không phải là thứ tình yêu nam - nữ, xác thịt thông thường. Nhà thơ hướng về nó, nghĩ về nó, hành động bằng cả lý trí, niềm tin và sự yêu thương hết mực. Đối tượng mà nhà thơ hướng đến và xuyên suốt trong hành trình thơ sau này của chị đó chính là người tình “lý tưởng” đó. Và cho dù ở một góc nào đó của khoảng lặng đời mình, chị vẫn luôn mãi hướng về họ với một sự tri âm, tri kỷ.
Cúc tần còn đợi ngón quen cũng là bài thơ chất chứa nhiều nỗi niềm của nhà thơ. Đó là sự nhắc nhớ, nhắn gửi, tỏ bày. Đọc lên nghe có gì đó nghèn nghẹn và nhói buốt.
Đọc Người đàn bà cưới nỗi buồn và những tập thơ khác của Hoa Mai, thấy thơ chị luôn day dứt trong niềm suy tưởng, trong những dự cảm và chiêm nghiệm về con người, cuộc đời và tình yêu. Đó là một cuộc hành trình dài với bao giọt nước mắt, nỗi đau nhưng cũng chứa chất khát vọng giao hòa, luôn vươn đến điều tốt đẹp.
Bình luận (0)