'Người đàn bà và chiếc dương cầm' - neo đậu những yêu thương, day dứt

01/05/2023 16:14 GMT+7

Người đàn bà và chiếc dương cầm (Nhà xuất bản Dân Trí, 2023) là tuyển tập truyện ngắn mới của nhà văn Vũ Ngọc Giao vừa ra mắt bạn đọc. Tác phẩm thu hút độc giả bằng một giọng văn riêng, vừa kể chuyện vừa gieo vào lòng người những bâng khuâng, cảm động, day dứt và yêu thương.

Là cây bút mới xuất hiện nhiều trên trang sáng tác của các báo, tạp chí trung ương và địa phương trong những năm gần đây, nữ nhà văn Vũ Ngọc Giao được độc giả nhớ đến bởi những truyện ngắn đậm chất nhân văn, được viết bằng giọng văn rất riêng, giàu nữ tính, dịu dàng mà cuốn hút, bởi niềm tha thiết với những mảnh đời, cảnh đời éo le dường như chiếm trọn từng câu chữ văn chương của chị.

"Mười tám tuổi tôi bắt đầu viết. Tôi viết cho những con sóng ngoài khơi đêm ngày miệt mài vỗ dưới chân chùa đá. Tôi viết cho mẹ, người con gái đã cưu mang đứa bé bị bỏ rơi trên chiếc thuyền thúng ngày xưa. Tôi viết cho người đàn ông một cánh tay tật nguyền đã ôm trọn mẹ. Và, tôi viết cho những cơn mưa trắng rừng, trong căn nhà chênh vênh bên triền dốc có đứa trẻ lớn lên, không như những đứa trẻ khác, nó được sinh ra hai lần… Đứa trẻ đó là tôi" - đoạn trích từ truyện ngắn Người gõ chuông chùa đá được Vũ Ngọc Giao chọn in bìa sau cuốn sách chính là những gửi gắm chân thành, "rút ruột" của tác giả với từng tác phẩm của mình.

'Người đàn bà và chiếc dương cầm' - neo đậu những yêu thương, day dứt - Ảnh 1.

Bìa cuốn sách 'Người đàn bà và chiếc dương cầm' của tác giả Vũ Ngọc Giao (NXB Dân trí, 2023)

H.M

Có thể thấy rằng, những nhân vật của Vũ Ngọc Giao hầu hết là những người dân bình thường bé mọn, họ có thể là bất kỳ ai đó xung quanh chúng ta, hàng ngày ta vẫn gặp, nhưng những bộn bề cuộc sống khiến chúng ta ít lưu tâm; hay nói đúng hơn, trong xã hội hiện đại thực dụng mà người ta phần lớn chỉ hướng sự chú ý vào những người giàu có, vai vế, chạy theo những danh xưng sắc màu hào nhoáng, thì Vũ Ngọc Giao đặc biệt dành tình cảm của mình cho những người nghèo hèn, thua thiệt, ẩn lặng. Một người mẹ là công nhân cắt cỏ, phải làm tăng ca, đêm về đan lát thêm kiếm tiền nuôi hai đứa trẻ (Gió thổi từ phía sông); một người đàn bà điên với đứa con hoang ra đời đêm mưa ngay ở chợ, với cái tên Lủng có được nhờ… những vết lủng trên chiếc quần ống thấp ống cao (Sông góa); một người đàn ông ngày trước là đứa trẻ bị bỏ rơi, lại nhận nuôi một đứa trẻ tật nguyền, hàng ngày trong căn nhà gỗ cô đơn trên đồng cỏ, người cha đẩy xe lăn cho cô con gái (Chiều ở xóm Địa Đàng); hay trong Gò đất hoang là cảnh đời của người đàn ông tên Lăng, vì tình thương mà nhặt con Lá về nuôi, "một con bé tật nguyền tay chân ngắn ngủn, đầu to như cái cối", miệng cười rớt dãi chảy. Rồi thì con Lá muốn có em, ông lại nuôi thêm thằng Cỏ, cũng là đứa trẻ bị bỏ rơi như vậy. Thằng Cỏ lành lặn tay chân nhưng lại có vấn đề thần kinh, thấy ai cũng đòi "đập chết"...

Những nhân vật của Vũ Ngọc Giao đa phần là những người kém cỏi, nghèo khó, thua thiệt, nhưng họ lại chính là những tấm lòng vàng của nhau. Nhà văn nhìn thấy ở họ vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp của sự nín nhịn, hi sinh, bao dung và chia sẻ. Điểm sáng lấp lánh trong những câu chuyện chính là ở vẻ đẹp của những tấm lòng, của trái tim, điều mà đời sống xung quanh ta không thiếu, nhưng lại dễ bị phủ mờ bởi lớp bụi của sự lãng quên và vô cảm. Người đàn ông trong Gió thổi từ phía sông sẵn lòng dắt hai đứa trẻ ngóng mẹ về nhà, anh mua cho cô bé con búp bê biết hát, trong khi cô bé thèm con búp bê nhưng lại mong mẹ đan áo để có tiền mua máy bay cho em… Trong Sông góa, chú Nhân - người đàn ông tự nhận là cha của con Lủng, cho nó được sống yêu thương, bớt đi nỗi tủi hờn vì mẹ điên, con hoang; đến khi chú chết, thì người cha thật mới xuất hiện. Người tốt và biết nhẫn nhịn hi sinh vì đứa trẻ tội nghiệp như chú Nhân đã mang đến sự cảm hóa, khi người cha thật sự thốt lên trong đám tang của chú: "Anh vì thương con tui bơ vơ mà chịu tiếng đời"…

Ở một mảng khác, Vũ Ngọc Giao viết về những góc khuất đầy ám ảnh trong mỗi con người. Những truyện ngắn Người đàn bà và chiếc dương cầm, Người gõ chuông chùa đá, Vũ điệu thiên sứ, Dốc sông trăng, Cõi trống… với những nhân vật nặng trĩu tâm trạng, mang đến nhiều suy tư về lẽ đời được - mất, có - không. Với cách viết nhập thân, vắt kiệt cảm xúc của mình, Vũ Ngọc Giao khiến người đọc bước vào thế giới của những nhân vật mà chị kể chuyện bằng tâm thế trong veo nhưng không kém phần day dứt.

"Chiều vắt nốt những giọt nắng trên màn trời đã ngả sang màu lam thẫm, góc sân chùa chùm vô ưu thẫm lại đợi một cơn xao động là lả tả rơi, ông nhón tay vớt cánh hoa lềnh bềnh trên mặt nước, gương mặt trầm ngâm im bóng dưới lòng hồ vỡ tan. "Bốn mươi măn rồi sao!", ông ngước nhìn cội sung cũng xấp xỉ ngần ấy năm. Trong thinh lặng có tiếng chân lạo xạo trên sỏi, khẽ khàng rồi dừng lại. "Con về đây!"… Những câu văn trong Người gõ chuông chùa đá buồn và dịu dàng như một bài thơ, "bài thơ" ấy ca ngợi tình mẹ, tình cha, những con người yêu nhau không đến được với nhau nhưng họ lại luôn ở bên cạnh nhau và cùng chung một tình thương với đứa trẻ bị bỏ rơi. Cách viết đó là đặc trưng riêng và cũng là phong cách định hình của Vũ Ngọc Giao.

Nỗi buồn dịu dàng này cũng gặp trong Tiếng đàn của cha. Người đàn ông cô đơn với đứa con gái không còn mẹ, một đêm mưa gió cho một phụ nữ với một đứa trẻ khác trú nhờ. Dường như hơi ấm của người đàn bà có đôi mắt đen u uẩn ấy làm ngôi nhà quạnh quẽ sáng bừng lên, nhưng rồi người đàn bà ra đi, đi tìm người cha cho đứa trẻ dù người ấy do bị tai nạn vào đầu mà đã thành kẻ nhớ nhớ quên quên. Một chút luyến ái cảm thương nảy sinh che chở cũng chỉ dừng ở đấy, bởi ai cũng phải sống trọn với nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, nói đúng hơn, với cái đạo làm người của mình.

Nhân vật của Vũ Ngọc Giao thường biết cảm thông cho nhau, biết dịu nhẹ với nhau, vì nhau mà sống. Các nhân vật đều sống đẹp, hay nói cách khác, qua cái nhìn của tác giả, con người trong nhân gian đều lấp lánh yêu thương. Nếu có gì xấu xa, tệ hại, thì điều đó cũng bị lu mờ, bị tiêu tan vì cái đẹp, cái tốt. Có thể nói truyện ngắn của Vũ Ngọc Giao có phần lý tưởng hóa con người và cuộc sống, dù nhìn ở góc độ nào, nhưng chính điều đó khiến bạn đọc cảm động, yêu những con chữ của tác giả, mong ước rằng đời cũng sẽ đẹp như thế, mình cũng sẽ biết sống như thế. Không có gì vô lý ở đây cả, bởi cái lý lớn nhất là sống có tình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.