Người dân chạy xe máy về quê giữa lúc TP.HCM giãn cách: Chốt chặn mướt mồ hôi thuyết phục

15/08/2021 15:18 GMT+7

Từ sáng đến trưa 15.8, nhiều người dân đã lỉnh kỉnh đồ đạc, quyết định đi xe máy về quê mặc dù TP.HCM đang giãn cách xã hội. Dòng người đổ về cửa ngõ trên xa lộ Hà Nội (đoạn gần bến xe miền Đông mới - TP.Thủ Đức) khiến chốt chặn ngay cửa ngõ này ùn tắc.

12 giờ trưa, phía trước Bến xe Miền Đông Mới (TP.Thủ Đức) có rất đông người dân chất đầy đồ đạc trên xe muốn được về quê. Lực lượng chức năng ở chốt kiểm soát dịch Covid-19 TP.HCM phải liên tục giải thích, hướng dẫn, hỗ trợ người dân trở về nơi cư trú, tránh tình trạng tập trung đông người giữa lúc TP.HCM đang giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.

Bản tin Covid-19 ngày 15.8: TP.HCM giãn cách xã hội đến 15.9, bối rối ở chốt kiểm tra di biến động dân cư

Đánh liều đi về

Mệt mỏi vì nắng nóng, anh Hồ Chí Dũng (26 tuổi, TP.Thủ Đức) để chiếc xe chất đầy đồ đạc, có cả quạt máy, nồi cơm điện ở một góc rồi tìm một chỗ mát để ngồi. Anh kể hơn 6 giờ sáng, anh Dũng cùng 2 người anh em đồng hương đã bắt đầu xuất phát từ một nhà trọ ở Q.9 (cũ), tuy nhiên không được lực lượng chức năng giải quyết cho qua chốt kiểm soát để trở về Bình Định.
Mới vào TP.HCM làm công nhân gần 1 năm thì gặp dịch Covid-19, anh bị kẹt lại suốt 3 tháng qua. Không có thu nhập, gia cảnh dưới quê nghèo khó, anh nói mình không thể nào trụ lại được ở đây.
Không ít người thất vọng vì không được qua chốt kiểm soát và được lực lượng chức năng giải thích, hỗ trợ quay trở lại - Ảnh: AN BIÊN
“Nói thật là tôi thiếu trọ 3 tháng rồi, lúc trả trọ vẫn không có tiền đề gửi người ta nên hẹn lại hết dịch thì trả. May là chủ thương nên thông cảm cho mình. Bây giờ không được về quê, trọ thì trả, quay lại tôi biết ở đâu đây? Về không được, ở cũng không xong”, anh thở dài.
Trong khi những người ở cùng khu vực của anh đều đã được lực lượng chức năng hỗ trợ để về lại nhà trọ thì anh Dũng vẫn còn ở đây “để xem tình hình như thế nào”. Anh nói mình sẽ ở lại, hy vọng có thể được giải quyết để chạy về vì với anh, đó là cách giúp anh sống lúc này.
Lực lượng chốt trực vất vả hướng dẫn người dân quay về nơi ở - Ảnh: AN BIÊN
Cũng giống như anh Dũng, chị Đặng Thị Xuyến (21 tuổi, Q.Thủ Đức) cũng vẫn ở lại để chờ. Mệt mỏi, chị gục đầu xuống xe để nghỉ ngơi. Chỉ vào những đồ đạc được chất đầy trên chiếc xe, chị nói sáng nay mình hẹn về quê cùng với một người bạn, tuy nhiên cũng không được lực lượng chức năng giải quyết cho về Bình Định.
“Đường cùng rồi, mấy tháng nay tôi không đến xí nghiệp may làm được, mẹ hối về quá nên tôi cũng nôn. Hôm qua đọc tin tức thấy TP.HCM giãn cách 1 tháng nữa, tôi chịu không nổi nên mới đánh liều đi về. Ráng chờ chút coi qua được không chứ ở lại nằm một chỗ không làm ăn được gì thì lấy gì sống”, chị ngao ngán.
Anh Hồ Chí Dũng (26 tuổi, TP.Thủ Đức) để chiếc xe chất đầy đồ đạc, có cả quạt máy, nồi cơm điện ở một góc rồi tìm một chỗ mát để ngồi. Anh kể hơn 6 giờ sáng, anh Dũng cùng 2 người anh em đồng hương đã bắt đầu xuất phát từ một nhà trọ ở Q.9 (cũ) trở về Bình Định - Ảnh: AN BIÊN
Mệt mỏi, nhiều người ngủ luôn trên xe - Ảnh: AN BIÊN

Quay về lại cùng muôn vàn lo lắng

Mới lên TP.HCM làm công nhân chưa được 3 tháng, đi làm không được bao lâu thì dịch ập tới khiến vợ chồng anh Trần Đặng (39 tuổi) thất nghiệp. Bao nhiêu chi phí phải trả trong khi “chân ướt chân ráo” lên đây chưa kiếm được đồng nào khiến 2 vợ chồng lao đao. Chịu hết nổi, thêm việc hay tin TP.HCM vẫn tiếp tục giãn cách khiến họ quyết định trả trọ để về Huế.
Khi được lực lượng chức năng yêu cầu trở về, anh Đặng và vợ hoang mang vì trọ cũng đã trả, đồ đạc thì chất đầy xe. Anh nói chủ trọ của mình khá khó tính, bây giờ về không biết có thuê lại được không.
“Nhưng bây giờ không cho qua thì làm đành chịu, nhưng thực lòng cũng không biết tính sao. Mấy tháng nay tôi không làm ra tiền thì làm sao sống nổi. Hai đứa con thì ở quê sắp vào năm học mới mà giờ không có tiền đóng học phí rồi”, nghĩ về hoàn cảnh sắp tới, anh rưng rưng. Khi được lực lượng chức năng thông báo những người dân nào ở Q.12 thì chuẩn bị về lại, hai vợ chồng nhanh chóng trở về, mang theo muôn vàn nỗi lo lắng.
Vợ chồng anh Trần Đặng (39 tuổi) thất vọng quay xe về
Hai cô gái đi xe máy về Hà Tĩnh sau khi được lực lượng chức năng giải thích quyết định quay trở lại TP - Ảnh: CAO AN BIÊN
Trong khi đó, anh Trần Văn Đức (30 tuổi, TP.Thủ Đức) chở vợ và con trên xe cùng nhiều đồ đạc để về lại Nghệ An. Một chiến sĩ công an tiến lại xe của gia đình anh giải thích và khuyên hai vợ chồng quay về. Không giấu được thất vọng, tuy nhiên anh vẫn nghe theo lời khuyên của lực lượng chức năng.
“Biết trước là khó lắm, nhưng cả nhà cũng phải ráng thử, cuối cùng không được thật. Có thằng em cũng về với tôi, nhưng quá giang xe người ta. Lúc nãy người ta trở về trước, còn mỗi mình nó nên cũng ráng tìm xe cho nó cái đã rồi về. Về rồi không biết những ngày tới sống sao, sống như vậy đến bao giờ...”, anh Đức giãi bày.
Sau khi dòng người đi xe máy được hỗ trợ quay lại, đến hơn 13 giờ 30 phút, trước Bến xe Miền Đông Mới thưa người dần - Ảnh: CAO AN BIÊN

Chỉ khai báo "di biến động dân cư" ở các chốt kiểm soát Covid-19 cửa ngõ

Hơn 13 giờ 30 phút, trước Bến xe Miền Đông Mới thưa người dần, đa phần những người đi xe máy muốn về quê thời điểm này - lúc TP.HCM đang giãn cách xã hội đều nghe theo lời khuyên của lực lượng chức năng. Buồn bã cùng nỗi lo lắng về tương lai... bỗng trĩu nặng trên con đường quay trở trở lại nhà trọ của mỗi người. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.