Người dân gặp khó khi đất sản xuất, đất ở thành rừng đặc dụng

Khánh Hoan
Khánh Hoan
26/03/2024 08:46 GMT+7

Hàng trăm hecta đất rừng sản xuất, thậm chí đất ở của người dân ở H.Yên Thành (Nghệ An) bị quy hoạch vào rừng đặc dụng, 8 năm sau lại phải xin ra khỏi diện này vì không phù hợp.

Năm 2013, UBND H.Yên Thành có tờ trình gửi UBND tỉnh Nghệ An đề nghị thẩm định quy hoạch rừng đặc dụng (RĐD) gắn với di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan với diện tích hơn 1.372 ha nằm trên địa bàn 9 xã của huyện này. UBND tỉnh Nghệ An sau đó đã quyết định phê duyệt hơn 1.019 ha RĐD nằm trong tổng thể quy hoạch bảo tồn và phát triển RĐD tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

Người dân gặp khó khi đất sản xuất, đất ở thành rừng đặc dụng- Ảnh 1.

Người dân gặp khó khi đất sản xuất, đất ở thành rừng đặc dụng- Ảnh 2.

Rừng sản xuất ở H.Yên Thành đã được quy hoạch thành rừng đặc dụng

KHÁNH HOAN

Thế nhưng sau đó nhiều diện tích quy hoạch RĐD được phát hiện nằm trong đất rừng sản xuất, đất ở đã cấp sổ đỏ cho người dân. Điển hình tại xã Xuân Thành có 509,26 ha đất được quy hoạch thành RĐD nhưng trong đó chỉ có 35,43 ha rừng tái sinh tự nhiên, còn lại là rừng sản xuất và đất ở của người dân. Toàn bộ diện tích này đã được quy hoạch khu du lịch tâm linh sinh thái Chùa Gám và RĐD. Anh Thái Duy Hiển (ngụ xóm Bùi Sơn, xã Xuân Thành) có 9.700 m² đất ở và đất trồng cây lâu năm do bố mẹ anh để lại bị quy hoạch thành RĐD. Thế nhưng sau khi đã quy hoạch nhiều năm, anh Hiển mới biết đất của mình đã thành RĐD vì không thấy ai đến đo đạc, thông báo bồi thường thu hồi đất.

Bản đồ quy hoạch cụ thể RĐD thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ H.Yên Thành quản lý cho thấy nhiều khu vực quy hoạch RĐD đã trùm lên đất ở của người dân, trụ sở của chính quyền địa phương. Tại xã Vĩnh Thành có 14,9 ha quy hoạch RĐD nhưng chỉ 5,07 ha đất có rừng, còn lại 9,23 ha đất thổ cư và đất sản xuất của người dân. Xã Bắc Thành quy hoạch 147,8 ha RĐD nhưng chỉ có 80,3 ha là đất rừng phòng hộ chuyển sang, ngoài ra phần quy hoạch RĐD còn bao trùm lên cả 18,26 ha đất khác như đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, đất nghĩa trang… của người dân.

Ông Phan Hoàng Thụ, Chủ tịch UBND xã Xuân Thành, cho biết cần phải phân định rõ RĐD và rừng sản xuất. Do RĐD được bảo vệ nghiêm ngặt, không được khai thác lâm sản nên người dân trồng rừng bị thiệt thòi. Nếu đất sản xuất đã giao cho người dân thì khi chuyển sang RĐD phải bồi thường cho người dân vì họ đã bỏ tiền, bỏ công trồng rừng nhưng không được khai thác. Nhiều khu dân cư nằm trong khu vực quy hoạch RĐD cũng không được cấp đổi sổ đỏ, khiến người dân gặp khó. "Việc này người dân đã nhiều lần kiến nghị lên xã, lên huyện, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả", ông Thụ nói.

Tại xã Tăng Thành có 101,5 ha đất rừng sản xuất của người dân bị quy hoạch thành RĐD. Ông Đào Văn Khai, Chủ tịch UBND xã Tăng Thành, cho hay xã có 7 xóm thì 3 xóm có rừng, ngoài rừng dẻ nguyên sinh tại xóm 2, còn lại hầu hết là rừng sản xuất của người dân được nhà nước giao từ năm 1992 và đã được trồng, khai thác nhiều năm qua. Việc quy hoạch rừng sản xuất của người dân vào RĐD đã ảnh hưởng đến sinh kế của người dân khi họ trồng keo nhưng không được khai thác.

XIN RA KHỎI RỪNG ĐẶC DỤNG

Năm 2021, UBND H.Yên Thành có tờ trình gửi UBND tỉnh Nghệ An đề nghị được chuyển đổi 353,22 ha ra khỏi RĐD để phù hợp với điều kiện hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Dương, Phó chủ tịch UBND H.Yên Thành, cho biết sau một thời gian thành RĐD, thực tế đã nảy sinh một số bất cập như nhiều diện tích đất rừng đã giao, cấp sổ đỏ cho dân nên nếu thành RĐD phải bồi thường để thu hồi; RĐD được bảo vệ nghiêm ngặt nên việc sử dụng vào mục đích xây dựng điểm du lịch cũng gặp trở ngại. Ông Dương cũng cho hay UBND H.Yên Thành vừa phối hợp cơ quan chuyên môn rà soát lại, phân loại rừng và đã trình UBND tỉnh Nghệ An để trình ra Bộ NN-PTNT đề nghị xem xét chuyển đổi hơn 353 ha ra khỏi RĐD.

Trong khi đó, ông Nguyễn Danh Hùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An, cho biết để chuyển đổi từ RĐD sang các loại rừng khác thì thủ tục và quy trình rất phức tạp vì phải thông qua nhiều cơ quan, bộ ngành trước khi được Chính phủ phê duyệt.

Năm 2010, tỉnh Nghệ An đề nghị Chính phủ phê duyệt bổ sung hơn 2.379 ha rừng tại H.Nam Đàn thành rừng đặc dụng (RĐD). Sau đó, do RĐD được quy hoạch chồng lên đất rừng sản xuất của người dân nên mới đây UBND tỉnh Nghệ An đã đề nghị Chính phủ đưa gần 500 ha RĐD tại huyện này về lại rừng sản xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.