Ngày 10.4, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) tăng lãi suất huy động từ 0,1 - 0,2% ở kỳ hạn 4 và 5 tháng, lên 3,6 - 3,7%/năm; trong khi kỳ hạn 1 tháng giảm 1,1%, xuống còn 3,2%/năm. Các kỳ hạn còn lại có lãi suất từ 3,4 - 5,5%/năm.
Cùng ngày, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tăng lãi suất tiết kiệm thêm 0,3% ở các kỳ hạn từ 12 - 36 tháng. Lãi suất huy động từ 12 - 18 tháng lên 4,8 - 4,9%/năm, lãi suất huy động kỳ hạn 24 - 36 tháng tăng lên 5,2 - 5,3%/năm. Các kỳ hạn dưới 12 tháng có lãi huy động từ 2,4 - 4,4%/năm. Đây là lần điều chỉnh lãi suất thứ 2 trong tháng của VPBank, nâng mức tăng lên 0,5%. Tương tự, Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLong Bank) tăng thêm 0,2 điểm % lãi suất cho tiền gửi các kỳ hạn từ 6 - 36 tháng. Kỳ hạn 6 tháng, nhà băng này huy động 4,4%/năm, 8 tháng lên 4,8%/năm, 12 tháng 5,1%/năm, 15 tháng 5,2%/năm, từ 18 - 36 tháng lên 5,5%/năm…
Trước đó, một số ngân hàng tăng lãi huy động như Techcombank tăng thêm 0,15% ở các kỳ hạn, dao động từ 2,3 - 4,6%/năm; Eximbank tăng thêm 0,2%, lên 2,6 - 4,8%/năm… Trong khi đó, một số ngân hàng giảm lãi tiết kiệm dù đang huy động ở mức thấp như Vietcombank, Nam A Bank, SCB…
Ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm khi người dân giảm gửi tiền
Động thái quay đầu của lãi suất tiết kiệm đến từ việc lượng tiền tiết kiệm bắt đầu giảm do lãi suất xuống thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến 25.3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023. Như vậy, lượng tiền gửi của các cá nhân, tổ chức giảm hơn 101.600 tỉ đồng, xuống còn 13,272 triệu tỉ đồng. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng từ cuối tháng 3 đến nay đã giúp lãi huy động chặn đà đi xuống và có xu hướng tăng trở lại.
Trên thị trường mở, một lượng tiền lớn bắt đầu được bơm trả lại hệ thống ngân hàng. Ngày 11.3 trở đi, Ngân hàng Nhà nước hút về một lượng tiền lớn, mỗi phiên đầu lên đến gần 15.000 tỉ đồng thông qua tín phiếu kỳ hạn 28 ngày. Những ngày này, lượng tín phiếu đến ngày đáo hạn nên Ngân hàng Nhà nước bơm trả lại hệ thống.
Bình luận (0)