Công an TP.Hà Nội vừa tháo dỡ 39 chốt phân vùng chống dịch theo Chỉ thị 20. Trước đó, ông Lê Hồng Sơn, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Hà Nội, cho biết người dân khi di chuyển trong các khu vực vùng xanh gồm 19 quận, huyện, thị xã trong trạng thái bình thường mới theo đánh giá của Sở Y tế, sẽ có thể không phải xuất trình giấy đi đường.
“Điều vui nhất sau gần 2 tháng nghỉ dịch”
Theo ghi nhận của Thanh Niên, trưa 16.9 chốt trực loại 1 nằm trên đường Cầu Diễn, trục QL32 (P.Phúc Diễn, Q.Bắc Từ Liêm) vẫn hoạt động, việc kiểm tra giấy đi đường vẫn diễn ra bình thường. Mỗi phương tiện đi qua đều phải dừng lại để lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường.
|
|
Ông Nguyễn Trọng Kim (73 tuổi, ở Q.Bắc Từ Liêm) qua chốt kiểm tra và xuất trình sổ khám bệnh cho công an trực chốt. Sau khi kiểm tra, công an cho ông đi qua và nhắc ông hạn chế ra đường vì dịch Covid-19 vẫn nguy hiểm, một số nơi vẫn thực hiện Chỉ thị 16.
“Tôi từ đợt giãn cách ở nhà nhưng giờ đau khớp quá phải đi lấy thuốc. Tôi có thẻ khám bệnh nhưng không có giấy đi đường nhưng may mắn cũng được đồng chí công an tạo điều kiện cho qua”, ông Kim nói.
Đến 17 giờ cùng ngày, PV ghi nhận chốt kiểm soát trên đã được dỡ bỏ, người dân được đi lại thoải mái, không cần xuất trình giấy đi đường.
|
Chị Đỗ Thị Hoa Hồng (22 tuổi, ở Q.Cầu Giấy) cảm thấy vui mừng khi biết tin sẽ được đi lại trong quận, không cần giấy đi đường. Trước đó, công việc chị Hồng không được phép ra đường trong thời gian giãn cách nên chị làm ở nhà trong gần 2 tháng, chỉ đi chợ theo thời gian ghi trên phiếu.
“Nếu được đi lại thoải mái tôi sẽ đi siêu thị mua đồ ăn thay vì đi chợ vì siêu thị có nhiều đồ đa dạng, có nhiều thứ tôi muốn mua. Tôi cảm thấy rất mừng với thông tin sẽ có thể được đi lại vì cảm giác mọi thứ đang dần ổn định trở lại. Quận “vùng xanh” chỗ tôi ở nếu được mở lại bình thường là điều vui nhất nhận được sau 2 tháng nghỉ dịch”, chị Hồng cho biết.
|
Cũng theo chị Hồng, việc nới lỏng quy định phòng dịch và được phép ra đường là tín hiệu đáng mừng để cuộc sống trở lại bình thường. “Thời gian tới nếu được ra đường tôi sẽ đến công ty làm trực tiếp cho thoải mái, đồng nghiệp có gì còn hỗ trợ chứ làm ở nhà bí bách quá. Tôi luôn đeo khẩu trang khi đến chợ hay đi tiêm vắc xin, nơi có nhiều người cũng chủ động sát khuẩn cho yên tâm”, chị Hồng cho hay.
Sẽ đi làm trở lại kiếm thêm thu nhập
Chị Phạm Thị Trang (24 tuổi, ở Q.Bắc Từ Liêm) phấn khởi sau khi biết tin sẽ có thể cơ quan chức năng không kiểm tra giấy đi đường khi ra ngoài. Từ đợt giãn cách, chị chuyển sang làm ở nhà nên lương giảm 50%. Việc làm online thu nhập giảm xuống nên cuộc sống của chị khó khăn vì phải lo tiền trọ, tiền ăn, điện nước. Chị mong sẽ mau kiểm soát dịch, được đi lại thoải mái, đến công ty làm việc để công việc đạt hiệu quả hơn.
|
“Nếu đi lại thoải mái tôi sẽ được đến công ty làm việc thay vì ở nhà. Lúc đó thu nhập cũng ổn định hơn. Hơn nữa việc tư vấn khách hàng trực tiếp sẽ hiệu quả hơn thay vì qua điện thoại như bây giờ. Gần nhà tôi có chốt kiểm tra nên từ đợt giãn cách tôi không đi đâu, chỉ đến hàng quán gần nhà mua đồ ăn, rau củ”, chị cho biết.
Anh Nguyễn Mạnh Kim (38 tuổi, ở Q.Nam Từ Liêm) chia sẻ nếu không cần giấy đi đường ở các quận “vùng xanh”, việc đi lại sẽ thoải mái hơn nhưng vẫn phải tuân thủ, thực hiện các biện pháp phòng dịch.
|
“Giấy đi đường cũng gắn liền với tôi mấy tuần nay rồi, việc nới lỏng sẽ giúp tôi đi lại thoải mái hơn nhưng không vì thế mà đi ra ngoài nhiều vì dịch bệnh vẫn luôn nguy hiểm. Hy vọng nếu đi lại không cần giấy đi đường mọi người sẽ không chủ quan, không đi ra ngoài quá nhiều nếu không có việc cần thiết”, anh nói.
|
|
Sáng 16.9, trao đổi với báo chí, ông Lê Hồng Sơn, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Hà Nội, cho biết sau khi thành phố quyết định nới lỏng một số hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn, việc kiểm tra, kiểm soát giấy đi đường sẽ được điều chỉnh theo hướng thuận tiện hơn cho người dân.
Cụ thể, ông Sơn cho biết người dân khi di chuyển trong các khu vực vùng xanh gồm 19 quận, huyện, thị xã trong trạng thái bình thường mới theo đánh giá của Sở Y tế, sẽ có thể không phải xuất trình giấy đi đường.
Tuy nhiên, ở vùng đỏ, người dân vẫn phải tuân thủ nghiêm quy định giãn cách theo Chỉ thị 16, chỉ ra đường khi thật cần thiết và phải kiểm soát chặt, phải có giấy đi đường.
|
Bình luận (0)