Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: TTXVN |
|
Theo dự thảo luật trình Ủy ban TVQH, vốn đầu tư công gồm các nguồn vốn của nhà nước: ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, ODA, tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước. Báo cáo của Ủy ban Kinh tế nhận xét, so với quy định hiện hành, dự án luật đã chặt chẽ hơn khi quy định tất cả chương trình, dự án đầu tư công đều phải thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư, thay vì chỉ những chương trình, dự án quan trọng quốc gia mới phải được QH phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự thảo luật cũng bổ sung QH phê duyệt danh mục dự án nhóm A trong trung hạn…
Nhiều ĐB đặt vấn đề giám sát cộng đồng rất hiệu quả với đầu tư công, vì vậy luật cần quy định rõ phương thức giám sát cộng đồng như thế nào để đảm bảo hiệu quả.
ĐB Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH, cho rằng, các vùng đặc biệt khó khăn, người dân, ngay cả chính quyền cấp xã biết rất ít về dự án đầu tư công. Nếu chỉ quy định giám sát công khai (trong điều 9) là chưa đủ. Theo dự thảo luật, mức độ công khai giao Chính phủ cụ thể hóa, nhưng phải bổ sung thêm các khâu trong quá trình tổ chức, thực hiện đầu tư công. “Có 4 khâu cần được công khai, minh bạch (trừ các vấn đề an ninh, quốc phòng) vì đây là tiền của nhà nước, nhân dân. Từ khâu lựa chọn dự án, đấu thầu, quá trình tổ chức thực hiện như tiến độ vì sao tắc; khâu nghiệm thu. Tôi đi đường từ Tây Bắc, Tây nguyên, tiền đã giải ngân hết rồi nhưng không thấy xây dựng gì cả, tiền đã duyệt rồi đi đâu, phải được công khai hóa. Nhiều xã, huyện không xác định được nghiệm thu như thế nào, đến xã được thừa hưởng công trình cũng không biết. Công trình của xã do Bộ Y tế quản lý, nhưng tỉnh, huyện, xã đều không biết”, ông Phước nói.
Phân rõ trách nhiệm QH và Chính phủ
Thay mặt Chính phủ góp ý kiến về dự thảo luật, Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh đề nghị Ủy ban TVQH xem xét giao Chính phủ quyết định thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án nhóm A về trung hạn và định kỳ báo cáo QH.
ĐB Ksor Phước cho rằng QH nên quyết định chính sách, chủ trương chung, còn việc quyết định với các dự án cụ thể thì “để Chính phủ quyết định” vì “Có những cái quyết định là của QH, nhưng QH đâu có điều hành mà Chính phủ điều hành hằng ngày”.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng cơ quan tập thể chỉ quyết định chủ trương, người quyết định dự án là cá nhân. Dự án quan trọng quốc gia đặc biệt thì QH quyết định chủ trương, nhưng đi liền với đó Thủ tướng Chính phủ ký quyết định dự án.
Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu lưu ý, trong dự thảo, Thủ tướng ủy quyền cho các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án. Phải làm rõ trách nhiệm cụ thể, bởi nếu “ủy quyền” thì Thủ tướng sẽ phải chịu trách nhiệm với các dự án này, mọi việc sẽ dồn lên Thủ tướng.
Tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt Sáng 21.2, tại phiên thảo luận về việc chuẩn bị trình QH ban hành nghị quyết tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm (LPTN) tại kỳ họp thứ 7, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cho biết ngày 20.12.2013, Bộ Chính trị đã có Thông báo 149 về việc tạm dừng LPTN đối với các chức danh chủ chốt do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn để sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 của QH. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đồng ý tạm dừng việc LPTN tại kỳ họp thứ 7 của QH để chờ sửa Nghị quyết 35. Về đối tượng LPTN, ông Ksor Phước đề nghị "Nên giảm bớt ở khối dân cử, vì khối hành pháp mới phải thực thi trực tiếp nhiệm vụ, va chạm hằng ngày với dân. Ngoài ra, nên mở rộng thêm đối tượng LPTN là giám đốc các sở, ngành". Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tán thành đề xuất trên và lưu ý: “Kỳ họp tới sẽ trình QH cho ý kiến để hoàn thiện Nghị quyết 35 rồi mới thực hiện tiếp việc LPTN. Sau khi sửa Nghị quyết 35, sẽ lại tiếp tục việc LPTN”. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định việc LPTN thực hiện theo Nghị quyết 35 lần đầu đã đạt kết quả tốt, được nhân dân đồng tình. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lần đầu, có những góp ý về phương thức làm, cách làm, cần rút kinh nghiệm, vì vậy phải tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Nghị quyết để thực hiện. Chủ tịch QH đề nghị Ban Công tác đại biểu chủ trì dự thảo sửa đổi Nghị quyết 35 để Ủy ban Pháp luật thẩm tra, đồng thời giúp Ủy ban TVQH tờ trình về nghị quyết tạm dừng việc LPTN trình QH quyết định tại kỳ họp tới. Bảo Cầm |
Mai Hà
>> ĐB Quốc hội đề nghị Chính phủ kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách, đầu tư công
>> Lo ngại lãng phí trong đầu tư công
>> Đầu tư công 8 tháng đạt 125.000 tỉ đồng
Bình luận (0)