Theo đơn phản ánh của một số hộ dân đang canh tác trên cánh đồng xứ Đông Biên (TT.Diêm Điền, H.Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) gửi Báo Thanh Niên, hiện vụ chiêm xuân 2024 người dân đã cấy xong từ khoảng hơn 1 tháng trước.
Tuy nhiên, do bất cập của kênh tưới tiêu nước khiến lúa chết hàng loạt. Khoảng hơn 40 ha lúa của 15 hộ dân đang canh tác trên cánh đồng này bị chết do ngập nước và ốc bươu vàng ăn.
Oằn mình chống chọi với nước ngập, ốc bươu vàng
Ngày 16.3, theo ghi nhận của PV Báo Thanh Niên, trên cánh đồng xứ Đông Biên, hơn chục người dân vẫn loay hoay dưới ruộng.
Chia sẻ với PV, anh Vũ Công Thanh (35 tuổi, trú tổ dân phố Bao Trình, TT.Diêm Điền, H.Thái Thụy) bức xúc nói: "Nhiều năm nay, hoạt động tưới tiêu trên cánh đồng xứ Đông Biên rất thuận lợi, chưa từng xảy ra tình trạng ngập lụt, cho đến vụ chiêm xuân 2023 vừa qua. Gia đình tôi nhận 27 mẫu ruộng của bà con ở khu vực này để cấy lúa tập trung.
Cũng từ thời điểm này, việc xây dựng, san lấp KCN Liên Hà Thái (bên kia đường ven biển) khiến dòng chảy dẫn nước vào cánh đồng Đông Biên bị lấp. Hậu quả khiến toàn bộ diện tích lúa vụ chiêm xuân 2023 của tôi bị ngập sâu, thiệt hại nặng nề, lúa vừa chín, chưa kịp gặt hạt đã nảy mầm hàng loạt".
Ngoài ra, khi nước sâu, người dân không thể phun thuốc trị ốc bươu vàng khiến lúa bị ốc bươu ăn, 14/27 mẫu lúa của anh Thanh đã bị chết, phải cấy lại.
Thậm chí, có những mảnh ruộng phải cấy lại đến lần thứ 4 nhưng vẫn khó có thể giữ được vì tình trạng nước ngập.
Được biết, gia đình anh Thanh đã phải bỏ ra khoảng hơn 10 triệu tiền thuê thợ cấy và hơn 20 triệu đồng tiền mua thuốc diệt ốc bươu vàng.
Theo anh Thanh, đến vụ chiêm xuân năm nay, lúa nhà anh vừa cấy xong đã gặp tình trạng ngập sâu do mưa nhiều ngày nhưng kênh tưới tiêu chưa được khai thông dòng chảy dẫn đến tình trạng ngập úng, lúa chết hàng loạt.
"Mỗi lần lúa ngập, tôi lại dùng máy bơm của gia đình bơm nước từ ruộng ra kênh mương nhưng không lâu sau nước trong ruộng lại dâng cao như cũ. Bất lực, tôi tìm gặp trưởng thôn nhưng không được vì vị này bận công việc. Tôi đã trình bày với ông Phạm Văn Quảng, Phó chủ tịch TT.Diêm Điền thì được biết, tỉnh Thái Bình có hỗ trợ Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Bao Hàm (HTX) về những thiệt hại này, TT.Diêm Điền không can thiệp.
Sau đó, tôi đã gặp ông Lê Duy Vấn, Giám đốc HTX, trình bày và yêu cầu ông có trách nhiệm xử lý. Ông Vấn giải thích hiện không có kênh dẫn nước nên không xử lý được. Tôi yêu cầu ông Vấn giải thích việc hơn 2 km kênh thoát nước vào cánh đồng này đã bị KCN Liên Hà Thái san lấp, ông Vấn từ chối làm việc tại nhà.
Những lần sau đó tôi không có cách nào liên lạc được với ông này. Hiện tôi đã gửi đơn đến UBND H.Thái Thụy với mong muốn được giải quyết nhưng chưa nhận được phản hồi", anh Thanh bức xúc.
Ông Đỗ Đức Viên (65 tuổi, trú tổ dân phố Bao Trình, TT.Diêm Điền, H.Thái Thụy), cho biết: "Nhà tôi cấy 5 sào lúa trên cánh đồng này. Sau khi cấy xuống được 4 ngày thì nước dâng cao khiến lúa chết hàng loạt.
Gia đình tôi đã phải cấy lại 2 lần. Khi nước dâng cao, gia đình tôi phải dùng máy bơm bơm nước từ ruộng ra ngoài kênh mương. Tuy nhiên, hôm sau nước ngập trở lại bình thường. Đến giờ lúa đã chết gần hết. Ngày mai nhà tôi lại phải ra cấy dặm".
Ông Viên lo lắng, nếu tình trạng này không được giải quyết, ruộng nhà ông sẽ phải bỏ hoang. Ông nói: "Hiện người ta đang xây dựng KCN Liên Hà Thái. Tôi đã từng ý kiến với chính quyền, chúng tôi ủng hộ việc xây dựng KCN, nhưng phải thuận lợi cho dự án và đảm bảo quyền lợi của người dân. Khi KCN Liên Hà Thái xây dựng khiến con kênh dẫn nước vào cánh đồng này bị lấp khiến cánh đồng Đông Biên không khác gì cái giếng. Chúng tôi không có đất canh tác trong khi tuổi cao, không thể đi làm thuê, không biết làm gì để sinh sống".
Được biết, từ ngày 14.3 trở lại đây, khi người dân có thông tin đến báo chí thì một chiếc máy bơm đã xuất hiện để bơm nước từ cánh đồng ra ngoài. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện một chiếc máy xúc khai thông dòng chảy vào cánh đồng Đông Biên nhưng người dân vẫn chưa hết lo lắng, bởi theo ông Viên, chỉ cần mưa là ruộng sẽ nhanh chóng ngập trở lại.
"Nguyện vọng của chúng tôi là phía chính quyền cũng như đại diện KCN Liên Hà Thái giải quyết khai thông con kênh để việc tưới tiêu nước cho bà con được đảm bảo lâu dài", ông Viên nói.
Chủ tịch TT.Diêm Điền: 'Không có tình trạng lúa chết như dân phản ánh'
Ngày 15.3, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Xuân Quy, Chủ tịch UBND TT.Diêm Điền (H.Thái Thụy), cho biết không có tình trạng lúa bị ngập úng, bị chết như người dân phản ánh.
"Ngay sau khi có thông tin người dân phản ánh đến báo chí, ngày 14.3, chúng tôi đã mời người dân đến để lắng nghe họ trình bày nhưng chỉ có duy nhất anh Thanh có mặt. Tại buổi làm việc, anh Thanh không nhắc nhiều đến nguyên nhân có liên quan đến việc xây dựng KCN Liên Hà Thái", ông Quy nói.
Ông Quy cho biết thêm: "Sau khi anh Thanh có ý kiến, tôi cùng đoàn kiểm tra cùng lãnh đạo Phòng Nông nghiệp (H.Thái Thụy) đã đi kiểm tra và ghi nhận tình hình. Tuy nhiên, thời điểm các cơ quan kiểm tra thì tình trạng nước ngập đã rút".
Nói về phương án giải quyết, ông Quy cho biết, việc này phải do HTX trực tiếp xử lý vì những hộ dân đã ký hợp đồng trực tiếp với giám đốc HTX. Chính quyền cũng đã liên lạc với ông Lê Duy Vấn, Giám đốc HTX, nhưng vị này đang đi công tác ở Hà Nội.
Theo ông Quy, năm 2023, cũng trên cánh đồng này, một trận mưa lớn kéo dài khiến lúa của gia đình anh Thanh bị ngập sâu. Mặc dù địa phương đã bơm nước chống ngập úng nhưng không giải quyết được tình thế khiến lúa của hộ gia đình này bị nảy mầm, giảm chất lượng. Các cơ quan chức năng H.Thái Thụy, TT.Diêm Điền cùng đại diện KCN Liên Hà Thái đã phối hợp, hỗ trợ gia đình anh Thanh một chút kinh phí.
Ngày 20.3, phóng viên nhiều lần liên lạc với ông Lê Duy Vấn, Giám đốc HTX, nhưng số thuê bao luôn trong tình trạng tắt máy.
Ngày 20.3, trao đổi với PV Thanh Niên, chủ đầu tư hạ tầng KCN Liên Hà Thái cho biết: "Ranh giới của cánh đồng Mai Diêm và KCN Liên Hà Thái được ngăn cách bởi tuyến đường ven biển như bức thành ngăn 2 khu vực riêng biệt. Phạm vi lúa bị ảnh hưởng thực tế được xác định khoảng 10 sào Bắc bộ (tương đương khoảng 0,36 ha), tức diện tích đất lúa bị ảnh hưởng chiếm 1,6%. Thời gian vừa qua khí hậu ôn hòa, thời tiết không mưa, nước trong khu vực cánh đồng chủ yếu là nước do chi cục thủy lợi đã bơm đổ ải để phục vụ cho công tác gieo cấy vụ lúa chiêm xuân 2023 - 2024 cho khu vực đồng Mai Diêm. Do khu vực này là vùng trũng, nên cánh đồng Mai Diêm bị ngập không phải do KCN Liên Hà Thái gây ra".
Theo vị đại diện KCN Liên Hà Thái, qua kiểm tra thực tế và thông tin từ cán bộ xã thì diện tích ảnh hưởng thuộc nhà ông Tô Văn Hợi có 817 m2 lúa và nhà bà Tô Thị Hương có 1.199 m2 lúa. Riêng nhà anh Vũ Công Thanh không có đất cấy tại khu vực này. Các hộ này tận dụng ruộng không canh tác của hộ khác để cấy xạ (rải thóc), không cấy mạ. Do cấy không đúng kỹ thuật nên tỷ lệ mạ chết nhiều, chưa kể thời gian vừa qua, nhiều thời điểm thời tiết cực đoan có lạnh sương muối.
Cạnh đó, dịch ốc bươu vàng sinh trưởng và sinh sản rất nhanh, gây thiệt hại không nhỏ đến việc canh tác lúa chiêm của bà con nông dân của toàn vùng chứ không chỉ có riêng khu vực đồng Mai Diêm.
Về vấn đề thoát nước cho khu vực, vị này lý giải, theo quy hoạch đã được phê duyệt thì phương án thoát nước bao gồm 2 hướng chính, gồm: thoát nước ra sông Ngoại Trình và thoát về kênh hiện trạng sau lô B2 (lô đất mà nhà đầu tư Nam Tài đang xây dựng) và đổ ra kênh T4. Đối với tuyến kênh này, KCN Liên Hà Thái xây dựng tuyến mương thoát nước mưa song song với đường ven biển, đấu nối vào tuyến cống thoát nước mưa 361 của đường tuyến đường nội khu và đấu thẳng vào kênh T4. Dựa trên đánh giá qua mùa mưa năm 2023 thì hệ thống thoát nước trên hoạt động ổn định.
Đại diện KCN Liên Hà Thái khẳng định: "Việc hơn 40 mẫu ruộng của nông dân Thái Bình bị úng, lúa chết khi vừa gieo cấy hoàn toàn không bắt nguồn từ hoạt động san lấp, xây dựng hạ tầng KCN Liên Hà Thái".
Bình luận (0)