Sáng 27.5, hẻm 415 và hẻm 456 đường Nguyễn Văn Công (P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM) đang được lực lượng chức năng phong tỏa vì liên quan đến chuỗi lây nhiễm Covid-19 tại hội thánh "Truyền giáo Phục Hưng". Từ qua đến sáng nay, nhân viên y tế liên tục lấy mẫu xét nghiệm của người dân trong khu vực, công an đứng chốt làm nhiệm vụ trước hàng rào khiến xôn xao cả một đoạn đường.
Bất ngờ vì mới biết
Theo ghi nhận, một số người giao đồ ăn, thức uống đến cho người dân trong hẻm đều không thể giao tận tay, mà phải nhờ dân quân tự vệ khử khuẩn, đặt giúp ở trên bàn để người trong hẻm ra nhận. Nhiều người đi ngang qua hỏi chuyện người xung quanh liên quan đến hội thánh và chuyện phong tỏa.
|
Khu chợ gần đó, người bán người mua cũng bàn tán xôn xao và không khỏi lo lắng khi nghe tin đã có tới 25 ca nghi nhiễm Covid-19 liên quan đến hội thánh Truyền giáo Phục Hưng này.
Một người bán nệm gần khu vực bị phong tỏa thì cho biết mình sống khép kín, không giao lưu nhiều với ai nên không biết khu mình ở có sinh hoạt hội thánh. Bà nói đa phần người dân khu này đều theo đạo Phật hoặc không có đạo, đến khi phong tỏa hẻm bà mới “vỡ lẽ”.
“Mới biết luôn á, chứ nào giờ đâu để ý. Hoang mang, sợ lắm vì nhà tôi ai cũng có bệnh nền hết, tim mạch, huyết áp... đủ hết trơn. Lỡ mà bị lây là mệt đó”, bà nói thêm.
Ông Nguyễn Quốc Thái (70 tuổi, mở tiệm may phía trước con hẻm đang bị phong tỏa) cho biết ông đã ở đây được 10 năm. Từ tối qua khi thấy lực lượng chức năng đến phong tỏa hẻm 415, sáng sớm nay phong tỏa tiếp hẻm 456 đường Nguyễn Văn Công khiến ông cảm thấy bất an.
|
“Bình thường thì tôi lo làm ăn, chứ không để ý xung quanh nhiều. Tôi biết bên trong con hẻm bị phong tỏa có sinh hoạt hội thánh rồi phát hiện nhiều người nghi nhiễm Covid-19 nên hoang mang quá. Bệnh này dễ lây, mà tập trung đông như vậy thì lây là điều dễ hiểu. Tình hình này không ai nói trước điều gì, biết đâu mình bị nhiễm bệnh lúc nào không hay”, ông chia sẻ.
Chị H. (28 tuổi) sống đối diện hẻm 415 đường Nguyễn Văn Công (P.3, Q.Gò Vấp) - nơi những người của hội thánh Truyền giáo Phục Hưng đến sinh hoạt cho biết, chủ nhật chị hay thấy những người từ nơi khác vào hẻm để sinh hoạt hội thánh, nhưng chị không biết hội thánh hoạt động như thế nào, quy mô ra sao. Nhìn vào con hẻm đang được lực lượng chức năng khoanh vùng trước nhà, chị nói mình lo, đứng ngồi không yên.
|
“Nghe số ca nghi nhiễm Covid-19 liên quan đến hội thánh Truyền giáo Phục Hưng cứ tăng dần mà sợ thật. Nhà tôi có con nhỏ, nên lo lắng lắm chứ nhưng giờ cũng không biết phải làm sao. Cứ chờ đợi thôi…”, chị nói.
Xôn xao cả con đường
Sống gần con hẻm đang bị phong tỏa trên đường Nguyễn Văn Công, bà Hồng (60 tuổi) cho biết có quen biết với một gia đình có sinh hoạt hội thánh Truyền giáo Phục Hưng trong hẻm 456. Nghe tin họ nghi nhiễm Covid-19, bà hoang mang: “Nghe đâu hai đứa con ông đó có sinh hoạt hội thánh, hiện cả gia đình đi cách ly. Khổ thân, một hai người bị mà cả con hẻm “đóng băng” trong đó luôn. Hẻm đó không chỉ có một, mà hai, ba nhà sinh hoạt nên có nhiều ca nhiễm là phải rồi”.
Sợ thời gian tới nếu có thêm ca nhiễm Covid-19 sẽ rồi phong tỏa luôn nhà mình, bà vội đi mua một thùng mì và bao gạo về dự trữ.
|
Một người bán nệm gần khu vực bị phong tỏa thì cho biết mình sống khép kín, không giao lưu nhiều với ai nên không biết khu mình ở có sinh hoạt hội thánh. Bà nói đa phần người dân khu này đều đạo Phật hoặc không có đạo, đến khi phong tỏa hẻm bà mới “vỡ lẽ”.
“Mới biết luôn á, chứ nào giờ đâu để ý. Hoang mang, sợ lắm vì nhà tôi ai cũng có bệnh nền hết nha, tim mạch, huyết áp đồ đủ hết trơn. Lỡ mà bị lây là mệt à”, bà nói thêm.
Trong khi đó, khoảng 10 giờ sáng, chị N. - nhà trong hẻm 456 đường Nguyễn Văn Công bị phong tỏa lại chần chừ đứng phía trước. Chị phân vân không biết có nên vào trong hay không nên gọi điện thoại liên tục hỏi ý kiến gia đình và những người xung quanh. Chỉ vào con hẻm phong tỏa, chị nói nhà mình cách nhà của người nghi nhiễm Covid-19 chừng 100 mét.
|
“Nên vô hay không trời, người ta nói vô là không ra được luôn trong khi mình còn phải đi làm”, chị tự nói. Thấy vậy, một người quen của chị đứng gần đó khuyên: “Thôi vô đi em, mình không biết là mình có đang bệnh hay không nên cứ vô đi. Vô cách ly vài ngày rồi biết đâu xét nghiệm âm tính hết, người ta gỡ liền mà. Bây giờ em đi ở nhà người quen hay vô nhà trọ, khách sạn ở, lỡ có mà dương tính thì không chỉ khổ cho em mà còn khổ cho họ”.
Nghe xong, chị N. nói: “Vậy thôi em vô, long nhong ở ngoài lỡ mà có bệnh thiệt chắc người ta chửi em. Với lại con em cũng ở trong. Nhưng giờ em mua đồ dùng cho cả tuần cái đã rồi tính”, chị đáp rồi vội chạy xe đi mua thực phẩm dự trữ để về cách ly.
Bình luận (0)