Người đàn ông lãnh án vì không chịu giao con cho vợ cũ

30/06/2023 12:29 GMT+7

Người đàn ông tại Bắc Ninh bị tuyên phạt 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, vì không chịu giao con cho vợ cũ sau ly hôn.

Ngày 30.6, TAND TP.Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử, tuyên phạt bị cáo Đàm Truyền Khải (43 tuổi, người địa phương) 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội không chấp hành án, theo điều 380 bộ luật Hình sự.

Cách đây một tuần, phiên tòa từng phải hoãn để triệu tập thêm vợ cũ của bị cáo là chị Cấn Thị Thùy Dương (33 tuổi) và chấp hành viên của Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.Bắc Ninh.

Tại tòa hôm nay, chị Dương có mặt, chấp hành viên của Chi cục THADS TP.Bắc Ninh có đơn xin xét xử vắng mặt.

Người đàn ông lãnh án vì không chịu giao con cho vợ cũ - Ảnh 1.

Bị cáo Đàm Truyền Khải tại phiên tòa ngày 30.6

PHÚC BÌNH

Không chịu giao con cho vợ cũ sau ly hôn

Năm 2020, chị Cấn Thị Thùy Dương kết hôn cùng anh Đàm Truyền Khải, có một con chung là cháu Đ.G.T. Quá trình chung sống, hai bên xảy ra nhiều mâu thuẫn nên chị Dương làm đơn ly hôn.

Tháng 7.2022, TAND TP.Bắc Ninh xét xử sơ thẩm, chấp thuận yêu cầu của chị Dương, đồng thời giao cháu T. cho chị tiếp tục nuôi dưỡng. Không đồng tình, anh Khải kháng cáo. Tháng 9.2022, TAND tỉnh Bắc Ninh y án tòa sơ thẩm.

Bản án có hiệu lực đã tuyên nhưng anh Khải chưa giao con cho vợ cũ. Chị Dương gửi đơn rồi Chi cục THADS TP.Bắc Ninh ban hành quyết định thi hành án đối với anh Khải, yêu cầu giao cháu T. cho chị Dương trực tiếp nuôi dưỡng.

Tuy nhiên, dù chấp hành viên nhiều lần đôn đốc, thuyết phục, thậm chí gửi cả công văn đến công ty nơi anh Khải làm việc để đề nghị phối hợp nhưng khi đã hết thời gian tự nguyện thi hành, anh Khải vẫn không chấp hành.

Tháng 11.2022, chấp hành viên ban hành quyết định cưỡng chế, buộc anh Khải giao con chung cho chị Dương. Chi cục THADS TP.Bắc Ninh cùng chính quyền địa phương trực tiếp đến nhà anh Khải thuyết phục nhưng anh này vẫn không thực hiện.

Tháng 12.2022, Cục THADS tỉnh Bắc Ninh ra quyết định xử phạt hành chính đối với anh Khải, đồng thời yêu cầu sau 5 ngày anh Khải phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Thế nhưng, người đàn ông tiếp tục không chấp hành.

Để đòi lại con, chị Dương làm đơn kêu cứu khắp nơi. Tháng 3, Chi cục THADS TP.Bắc Ninh có văn bản đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với anh Khải về tội không chấp hành án. Đến tháng 4, Công an TP.Bắc Ninh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với anh này.

Giữa tháng 5 vừa qua, đoàn công tác của TP.Bắc Ninh do một phó chủ tịch UBND thành phố trực tiếp đến nhà riêng của gia đình anh Khải, vận động anh này giao con cho vợ cũ theo bản án đã tuyên án của tòa.

Phải đến lúc này, người đàn ông mới chịu đồng ý giao con, nhưng sau đó 2 bên xảy ra giằng co, cự cãi. Anh Khải muốn giám sát việc vợ cũ nuôi con, thậm chí nói sẽ nghỉ việc để ở gần cháu.

Người đàn ông lãnh án vì không chịu giao con cho vợ cũ - Ảnh 2.

Chị Cấn Thị Thùy Dương hạnh phúc khi đón con trai về nuôi dưỡng

PHÚC BÌNH

“Con là con chung, có phải một mình anh biết thương cháu đâu”

Tại tòa, trả lời về lý do không giao con cho vợ theo bản án có hiệu lực, anh Khải cho rằng vợ cũ không cho con đi tiêm chủng đầy đủ, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cháu bé.

"Anh nói vậy có căn cứ gì không, anh có giao con cho vợ đâu mà chị ấy cho cháu đi tiêm được?”, hội đồng xét xử (HĐXX) hỏi. Trả lời, bị cáo khai “do tôi hỏi được”, rồi tiếp tục phân trần nguyên nhân trì hoãn giao con là để hoàn thành lịch tiêm chủng cho cháu.

Nghe vậy, chủ tọa liền chất vấn: "Cháu bé là con chung, có phải riêng của anh đâu. Anh thương con cũng như chị ấy thương con. Tại sao anh cứ nghĩ mình yêu con thì đúng mà vợ yêu con thì sai? Chị Dương là người mang nặng đẻ đau ra cháu, anh quy kết chị bỏ tiêm chủng cho con, nghe có thấy hợp lý không?".

Phân tích thêm, chủ tọa cho hay bản án mà TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên (giao quyền nuôi con cho chị Dương) đã có hiệu lực pháp luật, nếu không đồng ý, bị cáo có quyền khởi kiện thay đổi quyền nuôi con chứ không thể tìm lý do trì hoãn.

"Đang dở lịch tiêm thì bàn giao lại sổ tiêm chủng cho vợ, có phải mình anh biết đưa con đi tiêm đâu", HĐXX nói.

Trước sự chất vấn của HĐXX, bị cáo vẫn khẳng định chỉ mình mới biết được lịch tiêm chủng và các mũi nhắc lại của con, nên phải giữ cháu lại đến khi tiêm chủng xong mới yên tâm giao cho vợ cũ.

HĐXX cũng đặt vấn đề vì sao bản án của tòa có hiệu lực suốt 9 tháng, cơ quan chức năng đã nhiều lần vận động, thuyết phục nhưng bị cáo vẫn không chịu giao con. Chỉ đến khi cơ quan công an ra quyết định khởi tố, một tháng sau bị cáo mới chấp hành.

“Chưa khởi tố thì bị cáo vẫn chưa giao con đúng không?", HĐXX chất vấn. Trả lời tòa, bị cáo nói "lúc đó tôi thấy yên tâm rồi thì tôi giao".

Ngược lại lời bị cáo, chị Cấn Thị Thùy Dương khẳng định chồng cũ nói sai sự thật. Theo lời chị, 8 tháng đầu con ở với chị đều được tiêm chủng đầy đủ, sau đó bị cáo đưa con đi, thay đổi địa chỉ tiêm chủng nên chị không thể cho con đi tiêm được nữa.

Người phụ nữ cho biết, vụ việc kéo dài cả năm trời, hai mẹ con xa cách khi cháu bé còn quá nhỏ khiến cả hai thiệt thòi cả về sức khỏe và tinh thần. Đến nay, chị chỉ muốn được sống yên ổn, chăm con thật tốt.

Tiếp tục khởi kiện để đòi quyền nuôi con

Liên quan đến vụ án, mới đây, anh Đàm Truyền Khải tiếp tục gửi đơn khởi kiện, đề nghị thay đổi quyền nuôi con, để mình trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc cháu bé. Về cấp dưỡng nuôi con, anh không yêu cầu vợ cũ phải đóng góp. TAND TP.Bắc Ninh đã thụ lý vụ án.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.