Người đàn ông lớp 5 vĩ đại

Kiều Oanh
Kiều Oanh
30/05/2018 16:15 GMT+7

Tự kỷ - đó là án chung thân treo lơ lửng trên đầu đứa trẻ và gia đình, bởi bác sĩ đã nói rõ: không có thuốc chữa và sẽ theo hết cuộc đời. Nhưng tình yêu có thể làm nên bao điều kỳ diệu...

Án chung thân
Trong giờ điều trị âm ngữ trị liệu tại Phòng khám bác sĩ gia đình của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Như một công thức sẵn, người mẹ mau mắn trả lời tất cả các câu hỏi của nhà trị liệu, vanh vách kể hết những thói quen, những khó khăn, những điều sợ hãi của cậu bé rối loạn phổ tự kỷ 5 tuổi chưa bao giờ nói một lời có nghĩa.
Bên phải chị, người cha ngồi lặng im, chỉ yên ắng đứng lên bế con chơi trò đu đưa khi cậu bé trở nên căng thẳng, cần hỗ trợ để bình tĩnh trở lại.
Bên trái người mẹ, một người đàn ông khác cũng hoàn toàn lặng im, không nói một lời suốt một giờ trị liệu âm ngữ hôm đó, chỉ nhẫn nại bò xuống sàn thu dọn những món đồ chơi cậu em liên tục hất tung tóe. Khi thấy nhà trị liệu xếp những hạt màu vải vào ly nhựa để làm mẫu cho cậu bé tự kỷ, người đàn ông đó cũng làm thế suốt buổi, kiên trì hỗ trợ cậu bé tự kỷ dù 100 lần thất bại đến 99 lần rưỡi.
Người đàn ông đó không nói tên, chỉ cho biết một điều duy nhất khi được hỏi: em vừa hoàn thành lớp 5, là anh của cậu bé tự kỷ.
Tự kỷ - hai chữ ngắn ngủi đó nặng đến ngàn cân, sẵn sàng đè bẹp hạnh phúc của bất kỳ một gia đình nào. Đó là những cơn bùng nổ triền miên của đứa trẻ: la hét, hoảng loạn, quá tải, đập đầu vào tường... Đó là sự sợ hãi, cô đơn tột cùng của đứa trẻ khi dường như cả thế giới xung quanh, kể cả cha mẹ cũng không hiểu mình, khiến đứa trẻ không giao tiếp được với ai.
Tự kỷ - đó là cái án chung thân treo lơ lửng trên đầu đứa trẻ. Cha mẹ cũng chịu cùng bản án, bởi tự kỷ được bác sĩ nói rõ: không có thuốc chữa và sẽ theo hết cuộc đời.
Kỳ tích của anh: Em đã nhìn anh khi cầm những hạt vải! K.O

Nếu có anh tự kỷ…
Nhưng khó khăn không chỉ dành cho cha mẹ. Tự kỷ đồng nghĩa người anh, người chị, người em của trẻ tự kỷ chỉ còn lại rất ít thời gian, tâm trí của cha mẹ bởi riêng đứa trẻ tự kỷ đã đủ làm cho cha mẹ kiệt quệ sức lực, thời gian và đôi khi cả tiền bạc. Là anh em của người tự kỷ đồng nghĩa phải luôn luôn nhường nhịn bất kể đúng sai, dẫu chỉ mới là một đứa trẻ. Sống chung với anh/em tự kỷ cũng đồng nghĩa có thể bị cắn đau điếng, bị kéo tóc thật mạnh, bị va vào như tên bắn... vào bất kỳ lúc nào. Có anh/em tự kỷ cũng thường xuyên phải nghe những tiếng xì xào thiếu thiện cảm của người lớn, phải chịu đựng những ánh mắt kỳ thị của người xung quanh, phải chịu trận sự trêu chọc của bạn bè…
"Ba mẹ ơi, sau này ba mẹ mất đi, con biết để chị đâu để đi làm?" - câu nói đó tôi được một bà mẹ có con tự kỷ kể lại, xuất phát từ đứa con mới 6 tuổi của chị.
Vì tạo hóa biết…
Nhưng rồi tạo hóa đã trao cho đứa trẻ có anh/chị/em tự kỷ cơ hội yêu thương vô điều kiện, yêu thương dẫu chịu rất nhiều thiệt thòi và yêu thương đầy trách nhiệm. Thế nên cậu bé lớp 5 kia đã im ắng nhẫn nại bò ra sàn để liên tục nhặt những món đồ cậu em hất tung tóe. Thế nên người anh vĩ đại kia đã cứ liên tục xếp những chồng ly nhựa đồ chơi cao ngất cho đứa em gỡ và tung ra sàn. Lại nhặt, lại xếp, lại gỡ, lại tung… Hàng chục lần như thế, chỉ mong một lần đứa em nhìn vào mặt anh khi đưa tay lấy chồng ly, bởi giao tiếp mắt là điều xa xỉ với trẻ tự kỷ.
Anh nhẫn nại nhặt, nhẫn nại xếp, dẫu có 1000 lần, chỉ cần điều đó tốt cho em... K.O
Rồi người anh vĩ đại lại bò xuống sàn nhặt những hạt vải màu li ti, bởi đứa em thích chúng, nhờ những hạt đủ màu này trong mà trong một giờ tương tác đã có được 2 lần chơi có chủ đích với nhà trị liệu: bỏ hạt màu vào ly.
Người mẹ vẫn tích cực tham gia vào giờ trị liệu cùng với nhà chuyên môn. Trả lời mọi câu hỏi một cách rành mạch, rằng cậu bé 5 tuổi chỉ ăn duy nhất 1 món xôi, rằng cậu bé 5 tuổi chưa biết kiểm soát vệ sinh, rằng cậu bé 5 tuổi chẳng bao giờ ngồi yên một chỗ được vài phút, rồi chân cậu như có gắn lò xo nhảy xuống trèo lên suốt cả ngày…
Chị rành mạch. Chị am hiểu. Chị mạnh mẽ. Chỉ vài lúc hiếm hoi, chị quay mặt đi, lau vội giọt nước mắt lăn dài trên má.
Còn 2 người đàn ông chỉ lặng yên mà quan sát đứa trẻ, mà chạy theo đứa trẻ, mà hỗ trợ đứa trẻ… Không ai nói một lời.
Tôi chợt nhớ đến câu chuyện về gia đình của một người bạn có con tự kỷ, khi đứa trẻ lên 4 hỏi: "Tại sao thượng đế lại gởi chị (tự kỷ) đến gia đình mình?", người mẹ đã học được câu trả lời từ ai đó: "Vì thượng đế biết gia đình mình có ba, có mẹ và có con sẵn sàng yêu thương và giúp đỡ chị vô điều kiện".
Mừng cho cậu bé 5 tuổi kia đã có một gia đình sẵn sàng yêu thương em vô điều kiện. Mừng cho em có người anh vĩ đại!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.